Cấm ngực lép lái xe: "Dự thảo đưa ra để mua vui cho thiên hạ"

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Mặc dù sáng 27/8, trên hàng loạt các báo đăng tải thông tin về việc: “Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đã có thông cáo báo chí chính thức bác bỏ dự thảo ngực lép, nhẹ cân không được cấp bằng lái xe”, tuy nhiên sự “góp mặt” của dự thảo này trong thời gian vừa qua đã làm dư luận không khỏi bất bình.

Văn bản pháp quy phải có sự trưng cầu dân ý

Ông Võ Quý, Phó Chủ tịch hội người khuyết tật quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, một người theo khá sát từng “bước đường thay đổi” của dự thảo này cho biết:

"Dự thảo Thông tư Liên tịch Bộ Y tế - Bộ GTVT ngày 7/8/2013 quy định Giấy phép lái xe chỉ được cấp cho người có cân nặng trên 40kg, vòng ngực từ 72cm trở lên, lực bóp tay thuận (tay phanh phải) tối thiểu 26kg, lực bóp tay còn lại là 24kg… này đã có từ 5 năm trước. Khi đó đã có rất nhiều phản ứng. Tới thời điểm này lại được đề cập và lại bị bác bỏ".

Là người khiếm thị và hơn hết là công dân của nước Việt Nam ông Quý thấy: Dự thảo này liên quan tới cả Bộ Y tế thì chúng ta nên xem lại là dưới 45kg, ngực lép nhưng nếu người đó không bị thần kinh hoặc ảnh hưởng tới trí tuệ hoặc tay hoặc mắt thì có thể hạn chế việc điều khiển phương tiện giao thông được không? Mà khi điều khiển phương tiện cần đòi hỏi là cái đầu, cái mắt và cái tay.

Theo ông Quý, những người ngực lép, cân nặng dưới 45kg... khi sử dụng xe máy đi trong thành phố cũng không ảnh hưởng gì tới vấn đề gọi là tham gia giao thông. Nhưng quy định của dự thảo lại ảnh hưởng tới sinh hoạt, làm việc vì xe máy hiện nay là phương tiện giao thông, phổ cập đối với người dân Việt Nam.

Ông Võ Quý, Phó Chủ tịch hội người khuyết tật quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ông Võ Quý, Phó Chủ tịch hội người khuyết tật quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nếu nội dung dự thảo này được giữ nguyên thì ông Quý tin chắc rằng sẽ có phản ứng từ trong lòng dân nhất là những người tham gia giao thông. Hiện nay, đã có xe buýt là phương tiện giao thông công cộng khá phổ biến nhưng nhiều bến xa nơi ở của người dân. Hoặc vào giờ cao điểm, họ phải chờ rất mất thời gian mới lên được xe còn những người khuyết tật vận động thì không thể tiếp cận được ở các bến xe buýt. Chính vì thế, nhà quản lý phải nghiên cứu lại.

Riêng với người khuyết tật không vận động được, thì chuyện ngực lép là bình thường, nhưng đầu óc và trí tuệ của họ vẫn phát triển như người bình thường. Những nội dung như dự thảo đưa ra không chỉ ảnh hưởng tới cộng đồng mà còn với cả người khuyết tật khi họ cần những phương tiện hỗ trợ như xe ba bánh, xe lăn, xe lắc tay...

Trước thông tin “Bộ Y tế chính thức bác dự thảo “ngực lép” không được lái xe”, ông Võ Quý nói: Một văn bản pháp quy cứ đưa ra lại bác bỏ, tôi thiết nghĩ những người làm luật ở các Bộ nên xem lại năng lực, trình độ về soạn thảo văn bản pháp quy. Đặc biệt các văn bản pháp quy của Nhà nước như Nghị định, thông tư, hướng dẫn... thì các cán bộ pháp luật phải nắm rõ, chứ không phải cứ đưa ra xong bị dân phản ứng lại bị bác bỏ. Như thế sẽ làm rối lòng dân và làm ảnh hưởng tới sinh hoạt, lối sống của người dân nói chung và người khuyết tật nói riêng.

“Một văn bản pháp quy khi đưa ra phải có cái nhìn toàn cục và nên có sự tham góp ý kiến của người khuyết tật nói riêng, của cộng đồng nói chung – những người trực tiếp sử dụng phương tiện hơn là lấy ý kiến của các nhà quản lý. Có như thế mới hợp lòng dân”, ông Quý nhấn mạnh.

Nhà thơ Trần Hồng Giang, chàng trai bị liệt là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định.

Nhà thơ Trần Hồng Giang, chàng trai bị liệt là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định (ảnh: Internet).

“Đính chính” rồi lại “nhầm”

Liên quan tới dự thảo này, nhà thơ Trần Hồng Giang, chàng trai bị liệt là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định - người kết nối với cả thế giới qua trang web do anh tự mày mò thiết kế, xây dựng và điều hành chỉ trên chiếc giường, cho biết:

“Gần đây tôi thấy báo chí đưa tin nhiều về việc các cơ quan chức năng liên tục đưa ra những bản dự thảo luật ​làm xôn xao dư luận. Và trong số đó có những bản dự thảo đọc lên nghe rất hài hước, ví dụ như: xe biển số lẻ đi ngày lẻ, xe taxi phải chở đủ số khách mới được chạy... 

Và rồi sau đó thì lại được đính chính. Ngay như mới đây là việc Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67), Bộ Công an ra công văn chỉ đạo cấm phóng viên và người dân quay phim chụp ảnh CSGT cũng thế. Văn bản công bố được mấy ngày thì lại có thông báo... “nhầm”. Và thế là nhân dân được một bữa... cười.

Thật đúng là rất hài hước! Rồi bây giờ lại thấy ầm ĩ về chuyện cấm "ngực lép" lái xe. Đây là cái việc được đưa ra để “mua vui” cho thiên hạ vào năm 2008 và sau đó đã được đính chính là “nhầm” rồi cơ mà. Có thể đây lại là một lần “mua vui” cho dân chúng nữa chăng?".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại