Cảm động câu chuyện như cổ tích của các tân thủ khoa

hoanghuyen |

Kỳ thi ĐH đã khép lại vẫn còn đọng lại sâu sắc về những câu chuyện như kỳ tích về các tân thủ khoa.

Kỳ tích về những thiếu niên mồ côi, nghèo khổ, bất hạnh có thành tích cao trong các kỳ thi đã đi từ các câu chuyện cổ tích đến đời sống thực. Số phận đã hun đúc lên những ý trí phi thường và đạo đức đáng nể trọng. Ước mơ vượt qua gian khó và thay đổi cuộc sống của những người thân yêu đã giúp các sỹ tử chinh phục từng bước trên con đường học tập và xây dựng cuộc sống sau này.

Không biết rồi mai đây, những ước mơ lớn lao ấy có được thực hiện, nhưng hiện tại, những điểm số tự hào khi kỳ thi đi qua chính là sự bù đắp trọn vẹn đối với công sinh thành, giáo dục của ông bà, cha mẹ, một kết quả làm ấm lòng sau bao năm tháng vất vả. Đó là câu chuyện về những thủ khoa đặc biệt trong kỳ thi tuyển sinh năm nay.

Thủ khoa mang 50 nghìn đi thi lại... mang về đưa mẹ

Người dân xóm Chùa, xã Đồng Tiến, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) đi đến đâu cũng tự hào khoe về thủ khoa của xóm nghèo. Bạn Nguyễn Thị Quyên vừa trở thành thủ khoa của ĐH Kinh tế Quản trị Kinh doanh (ĐH KTQTD) Thái Nguyên với số điểm 24,5 (khối D1) và đỗ vào ĐH Bách Khoa HN với số điểm 23,5.

Số điểm của Quyên không phải là tuyệt đối, nhưng hành trình Quyên “chinh phục” giấc mơ ĐH là sự nỗ lực vượt bậc chiến thắng số phận và cái nghèo.

Gia đình Quyên thuộc gia đình đặc biệt khó khăn của xã vùng sâu thuộc huyện Phổ Yên, Thái Nguyên. Bố mẹ Quyên đều làm việc thuần nông, cả nhà chỉ trông vào 4 sào ruộng bạc màu. Bố Quyên mắc bệnh thần kinh nên mất sức lao động.

Để có thêm thu nhập cho gia đình, mẹ Quyên phải làm thêm nghề thu nhặt phế liệu. Để phụ giúp bố mẹ có thêm tiền trang trải, ngoài giờ học trên lớp, Quyên vẫn tranh thủ đi nhổ cỏ thuê, dọn nhà hay dọn vệ sinh cho một số gia đình.

cam-dong-cau-chuyen-nhu-co-tich-cua-cac-tan-thu-khoa

Góc học tập đơn sơ của Nguyễn Thị Quyên là tài sản lớn trong ngôi nhà

Trước khi đi thi, bố mẹ đã phải bán cây xoan lấy 50 nghìn cho Quyên làm lộ phí. Song cả nhà cùng vô cùng bất ngờ khi sau 2 buổi thi Quyên lại mang 50 nghìn về nhà đưa mẹ.

Nói về “hành trình” cùng 50 nghìn đồng của mình, Quyên hào hứng kể:“Lên thành phố, cái gì cũng đắt đỏ, tốn kém nhưng may có tấm lòng hảo tâm của nhiều người đã giúp đỡ, ở miễn phí, lại được ăn trong chùa nên không tốn kém. Ngoài ra, chị em mình không chi tiêu thêm bất cứ khoản gì. Trước khi đi, mình cũng được mẹ mua thêm cho hai hộp sữa tươi để mang theo rồi”.

Nhưng số phận thật trớ trêu, tự hào xen lẫn buồn tủi, đến nay món vay nợ tiền trợ cấp cho học sinh nghèo đang ngày một lớn dần mà gia đình Quyên chưa có khả năng chi trả, nay lại thêm những lo toan chuẩn bị cho 4 năm đèn sách của tân thủ khoa khiến kinh tế gia đình Quyên gần như kiệt quệ, cơm áo gạo tiền đang đè nặng lên những ước mơ tuổi trẻ.

Tân thủ khoa ĐH Y Hà Nội từng bỏ học chơi game

Tin Trần Xuân Bách đậu thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội với tổng điểm 30 khiến người thân, bạn bè đều bất ngờ. Niềm vui đã làm xôn xao con ngõ nhỏ vào xóm Trại, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội vì có thủ khoa trường ĐH lớn.

cam-dong-cau-chuyen-nhu-co-tich-cua-cac-tan-thu-khoa

Thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội Trần Xuân Bách bên góc học tập của mình.

Cô Trần Thị Thu, mẹ của tân thủ khoa vui vẻ tố cáo về thành tích bất hảo của con trai trong quá khứ: "tính cháu hiền, ngoan nên hồi nhỏ hàng xóm vẫn quen gọi là Bách “tồ”. Nhưng năm lên lớp 7 vì mê game Bách trốn nhà ra quán. Thấy con xin lên nhà ông nội chơi nhưng vội vã khác mọi khi nên tôi phải lén đi sau. Tôi thấy Bách vào quán game..."

Cô nhớ lại, lúc đó vì giữ thể diện cho con trước đám đông tôi chỉ nhắc cháu về. "Rồi đến nhà tôi đã đánh con vài roi vì không kìm được lòng. Đó cũng là lần duy nhất tôi dùng roi đánh con" - lời cô Thu. Có lẽ vừa sợ nên tôi thấy Bách thay đổi.

Bách cho hay, nhờ những đòn roi và tình thương của ông bà, bố mẹ mà em có ngày hôm nay. Mỗi lần nghĩ về chuyện tốn thời gian vào game em lại tự nhủ phải cố gắng học hơn để không phụ lòng người thân. Hi vọng sau những năm đèn sách, Bách sẽ trở thành một bác sỹ y đức đúng như sự kỳ vọng của mẹ.

Thủ khoa ĐH Dược chỉ nặng 38kg vì suy dinh dưỡng

Cậu học trò nghèo Lê Đức Duẩn sinh ra trong một gia đình nghèo tại xóm Nhị Khê, xã Hoàng Long, Phú Xuyên, Hà Nội. Suốt 3 năm học hành trang theo em chỉ có mỗi 2 bộ quần áo đã sờn rách, tới trường bằng chiếc xe đạp không pêđan, lốp rách... Ước mơ lớn nhất của tân thủ khoa ĐH Dược Hà Nội (29 điểm) là tìm được thuốc chữa bệnh cho mẹ.

cam-dong-cau-chuyen-nhu-co-tich-cua-cac-tan-thu-khoa

Lê Đức Duẩn, tân thủ khoa ĐH Dược tranh thủ giúp mẹ đan đồ mây tre.

Duẩn học lớp 12A1 – lớp chọn Toán của trường THPT Đồng Quan. Trường cách nhà hơn chục cây số nên hằng ngày, em phải dậy từ sáng sớm, nấu cơm rồi mang đi học.

Cơm của Duẩn, bình thường có dưa, cà, đậu. Mẹ Duẩn bảo, lâu lắm, cả nhà mới có một bữa cơm thịt, cá.Có lẽ vì vậy, hiện tại Duẩn chỉ nặng chưa tới 38kg và bị đau dạ dày, sức khỏe yếu vì suy dinh dưỡng.

cam-dong-cau-chuyen-nhu-co-tich-cua-cac-tan-thu-khoa

Chiếc xe tàn tạ mà Duẩn đi học hằng ngày.

Nhìn chiếc xe đạp của Duẩn, ai cũng phải chạnh lòng. Gần chục năm, Duẩn đi học trên chiếc xe đạp cà tàng, lốp thủng lỗ chỗ, phải chằng, buộc. Đũa xe han gỉ, hơi tí là hết hơi, thủng xăm, rách lốp. Đã rất nhiều lần, Duẩn muộn học vì phải dắt xe đến trường.

“Em muốn học Dược để tìm ra loại thuốc chữa bệnh cho mẹ và những cô, bác bị ốm ở làng” - Duẩn tâm sự. Đó là mơ ước từ hồi còn rất bé, khi biết bố và anh trai bị mất vì bệnh tật.

Lê Đức Duẩn chính là một trong số hình ảnh đẹp nhất, đáng cảm phục nhất trong số những học sinh nghèo vượt khó trong kỳ thi năm nay. Mong rằng bằng nghị lực và trí tuệ của mình, Duẩn sẽ sớm thực hiện được ước mơ của một người con hiếu thuận.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại