Bữa cơm có 3 miếng thịt mỡ: “Ăn thế sống sao được?”

Phong Nguyên |

“Trong mấy chục năm công tác, tôi chưa từng chứng kiến bữa ăn nào nghèo nàn chất dinh dưỡng như thế. Ăn thế thì mình còn chẳng sống được nữa là bệnh nhân tâm thần”.

Gần đây, dư luận xôn xao trước hình ảnh chị L.Đ chia sẻ trên trang facebook cá nhân về suất cơm chỉ có 2 - 3 miếng thịt mỡ của các bệnh nhân tâm thần ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An.

Nhiều người không cầm nổi nước mắt khi tận thấy có người bệnh tâm thần trong tình trạng không mặc quần áo, bò lê trên nền nhà với suất ăn chỉ có 3 - 4 miếng thịt mỡ.

Hình ảnh được chị L.Đ chia sẻ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng - (Ảnh chụp màn hình).
Hình ảnh được chị L.Đ chia sẻ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng - (Ảnh chụp màn hình).

Trao đổi với phóng viên, ông Đàm Hữu Đắc – nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội thảng thốt: “Ăn thế sống sao được? Trong mấy chục năm công tác, tôi chưa từng chứng kiến bữa ăn nào nghèo nàn chất dinh dưỡng như thế.

Ăn thế thì mình còn chẳng sống được nữa là bệnh nhân tâm thần.

Tôi từng thăm nhiều bệnh nhân tâm thần, tôi thấy họ ăn rất khỏe. Vào những ngày truyền thống, họ được ăn thả phanh, có người ăn nhiều kinh khủng, ăn một lúc hết mấy đĩa giò, thậm chí thêm cả nửa con gà họ vẫn ăn hết”.

Vị này thông tin, theo quy định, bữa ăn tiêu chuẩn của bệnh nhân tâm thần… không bao giờ khổ tới mức đó. Ít nhất cũng phải có rau, thịt, cá.

Chưa kể ngoài trợ cấp từ Nhà nước, các trung tâm bảo trợ xã hội còn tăng gia để có thêm rau xanh, thực phẩm sạch…

Điển hình như Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì (Phú Thọ) cũng có tới vài héc ta chỉ để trồng rau xanh, chăn nuôi hồ, ao cá.

“Không hiểu tại sao ở Nghệ An lại nảy sinh chuyện như vậy. Tôi xin khẳng định chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho các đối tượng trên không đến mức như thế.

5 – 6 năm nay kể từ ngày về hưu, tôi không theo dõi sâu sát chuyện đó nữa, nhưng trước đây, bữa ăn của họ cũng không đến nỗi như phản ánh”, ông Đắc khẳng định.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Đàm Hữu Đắc nhấn mạnh, ông sẽ gọi sang Bộ để phản ánh việc này.

Chắc Bộ chưa để ý đâu chứ nếu để ý đã có chỉ đạo kiểm tra đột xuất, xác định nguyên nhân, làm rõ sự việc. Nếu tôi còn đương chức, tôi sẽ cho người đi kiểm tra, xử lý ngay”, ông Đắc nói thêm.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An phải giải trình

Chị L.Đ cho biết, chị thường xuyên vào trung tâm để giúp đỡ những trường hợp bệnh nhân tâm thần, người già neo đơn, mù loà, tàn tật (Ảnh: FB của chị L.Đ)
Chị L.Đ cho biết, chị thường xuyên vào trung tâm để giúp đỡ những trường hợp bệnh nhân tâm thần, người già neo đơn, mù loà, tàn tật (Ảnh: FB của chị L.Đ)

Trong khi đó, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay, ông từng tới thăm một vài trung tâm bảo trợ xã hội ở Phú Yên, Tây Ninh, Đắk Lắk…, nhưng chưa có lần nào chứng kiến bữa cơm như trên.

Ăn như thế quá thiếu chất, không thể đảm bảo sức khỏe cho người bệnh để điều trị. Bữa cơm ấy chưa chắc đã sống được nói gì khỏi bệnh”, ông Hùng nhận định.

Cũng theo ông Hùng, Nghị định 136, Nghị quyết 74 của Chính phủ đã quy định rõ mức ăn của các đối tượng ở trung tâm bảo trợ xã hội.

Từ tháng 1/1/2015, mức ăn đó được điều chỉnh tăng cao từ 180 nghìn đồng lên 270 nghìn đồng.

Các đối tượng ở trung tâm bảo trợ xã hội được hưởng mức nhân 3 so với mức trên, tức là họ được hưởng trung bình 810 nghìn đồng/tháng.

Tùy từng địa phương có thể bổ sung kinh phí để đảm bảo đời sống cho bệnh nhân, đối tượng sống ở đó. Theo quy định, bữa ăn tiêu chuẩn bao giờ cũng phải có đủ cơm, rau, canh, thịt hoặc cá, trứng.

Trước chia sẻ của lãnh đạo trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An rằng, hiện họ vẫn áp dụng mức ăn 450.000 đồng/bệnh nhân tâm thần, ông Hùng nói:

Nếu Nghệ An chưa thực hiện được theo Nghị định 136, Nghị quyết 74 của Chính phủ thì phải nói là họ chậm đưa luật vào thực tiễn.

Đồng ý là khả năng ngân sách của ta còn hạn hẹp nên mức trợ cấp cho các đối tượng trên còn thấp, nhưng không đến nỗi khổ thế.

Trách nhiệm của lãnh đạo các tỉnh là phải tổ chức thực hiện luật từ tháng 1/1/2015. Nếu việc bố trí ngân sách, đảm bảo chế độ trợ cấp chưa kịp thời thì chính quyền địa phương có trách nhiệm giải trình, làm rõ lý do cụ thể.

Nói cách khác, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cần giải trình vì sao các đối tượng bảo trợ xã hội chưa được hưởng chế độ trợ cấp mới”.

Trước những đồn đoán trung tâm bảo trợ xã hội này “bớt xén” bữa ăn của bệnh nhân tâm thần…, ông Hùng nêu quan điểm phải xác minh, làm rõ mới có thể biết được chứ chưa thể vội vàng suy đoán, kết luận.

Còn phải xem, đó là bữa ăn thường xuyên ở trung tâm hay vì điều kiện cụ thể nào đó mà mới có một vài bữa ăn như vậy.

Nếu điều đó xảy ra thường xuyên, trước hết phải xem xét trách nhiệm của lãnh đạo trung tâm bởi họ là những người quản lý, chịu trách nhiệm trực tiếp về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo sức khỏe, đời sống, điều trị cho các đối tượng bảo trợ xã hội ở trung tâm.

Sau đó phải xét tới trách nhiệm của các cơ quan cấp trên như Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An”, ông Hùng phân tích.

Nói về giải pháp giải quyết tình trạng này, theo ông Hùng, các trung tâm bảo trợ xã hội cần từng bước nâng mức trợ cấp đó lên thông qua các nguồn tài trợ, nguồn tiền ủng hộ từ các nhà từ thiện, các doanh nghiệp hoặc tổ chức tăng gia.

Trao đổi với chúng tôi vào tối 25/8, đại diện lãnh đạo Bộ Lao động thương binh và xã hội cho biết, Bộ đã nắm được thông tin sự việc trên và đang trong quá trình xác minh, làm rõ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại