Bphone, "thần đồng" Đỗ Nhật Nam và những điều không thể tin nổi!

Phan Minh Đức |

Cũng giống như Running Man Vũ Xuân Tiến, Flappy Bird hay gần đây nhất là "thần đồng" Đỗ Nhật Nam, Bphone đã phải nhận vô số "gạch đá" từ các anh hùng bàn phím.

Cuộc tranh cãi nảy lửa xảy ra từ khi chiếc điện thoại Bphone ra mắt đến thời điểm này vẫn chưa ngã ngũ. Một bộ phận người Việt vẫn tiếp tục “ném đá”, “đá xoáy” vào chiếc điện thoại thông minh đầu tiên của Việt Nam.

Cũng giống như Running Man Vũ Xuân Tiến, Flappy Bird hay gần đây nhất là "thần đồng" Đỗ Nhật Nam đã phải nhận vô số "gạch đá" từ các anh hùng bàn phím.

Dù khoác lên vai lá quốc kỳ Việt Nam đi giữa sân vận động Emirates, "soán ngôi" cả trò chơi Candy Crush, đạt vô số thành tích thậm chí cả bằng khen và thư của Tổng thống Mỹ thì Vũ Xuân Tiến, Nguyễn Hà Đông, Đỗ Nhật Nam vẫn phải hứng chịu những mạt sát thậm tệ.

Đỗ Nhật Nam

Hiện tượng này đã được em Phạm Minh Đức (SN 1997) - một học sinh lớp 12 chuyên Anh Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) bày tỏ qua đề nghị luận xã hội môn Ngữ văn của Tiến sỹ Trịnh Thu Tuyết (giáo viên Trường THPT Chu Văn An Hà Nội).

Bài viết sau đó nhận được nhiều lời khen ngợi của giáo viên.

Đề nghị luận xã hội đưa Bphone vào.

Đề nghị luận xã hội đưa Bphone vào.

Chúng tôi xin đăng tải toàn bộ ý kiến của cậu học sinh 18 tuổi này:

Sự lăng mạ hoàn toàn không có căn cứ

Khi "Running man” Vũ Xuân Tiến được Arsenal mời sang nước Anh, được khoác lên vai lá quốc kỳ Việt Nam đi giữa sân vận động Emirates nổi tiếng... Khi Nguyễn Hà Đông sáng tạo ra một trò chơi Flappy Bird gây rúng động thế giới...

Khi "đế chế" Bkav của Nguyễn Tử Quảng đưa ra sản phẩm Bphone, một chiếc smartphone cao cấp thực sự của người Việt...

Bên cạnh sự ngưỡng mộ, động viên của đông đảo cộng đồng xã hội, họ còn phải nhận những lời chê bai, mạt sát thậm tệ của một bộ phận không nhỏ người Việt, đặc biệt trên các mạng xã hội.

Có thể thấy, những con người và sự việc được nhắc đến ở đây đều là những ví dụ về sự thành công đạt được bởi một cá nhân hay tập thể.

Hơn nữa, đó còn là những thành công to lớn ít ai có thể đạt được, cũng là những thành công có khả năng thu hút được sự quan tâm của cả cộng đồng.

Chàng trai Vũ Xuân Tiến đã tập luyện nhiều ngày liền để có thể chạy theo xe bus và trực tiếp gặp mặt đội tuyển bóng đá mà mình hâm mộ.

Nguyễn Hà Đông đã sáng tạo ra một trò chơi có số lượt tải nhiều nhất trên các cửa hàng trực tuyến điện thoại, "soán ngôi" cả trò chơi Candy Crush trong thời kì hoàng kim.

Mới đây, Nguyễn Tử Quảng và các cộng sự đã cho ra đời một chiếc Smartphone có đầy đủ sức cạnh tranh với iPhone của Apple, với bản quyền hoàn toàn là của Việt Nam.

Đây đều là những sự kiện đáng vui mừng, khi mà Việt Nam đạt những thành tựu được công nhận bởi cả thế giới và chúng hoàn toàn xứng đáng nhận được sự ngưỡng mộ, động viên khích lệ từ phía cộng đồng.

Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra, là bên cạnh sự ủng hộ và phản hồi tích cực thì những cá nhân đứng sau những thành tựu kia cũng gặp phải không ít những lời chê bai, mạt sát thậm tệ từ rất nhiều người, đặc biệt là từ các trang mạng xã hội.

Thật sự thì sẽ không có gì đáng băn khoăn nếu những lời chê bai nhắm vào một mặt tiêu cực nào đó của sự việc.

Vậy nhưng thực tế là hầu hết những lời lẽ và hành động đó không phải chỉ là sự bày tỏ thái độ bức xúc một cách quá khích mà còn là sự lăng mạ hoàn toàn không có căn cứ.

Chỉ vì Vũ Xuân Tiến đã làm một điều mà những fan hâm mộ khác chưa từng nghĩ đến mà anh bị cho là thích thể hiện, ham nổi tiếng.

Khi Pewdiepie - người dùng Youtube có lượt đăng kí nhiều nhất thế giới - đăng một video về trò chơi Flappy Bird, anh cũng đã có những lời khen ngợi dành cho người sáng tạo dù anh cũng phải chật vật suốt 10 phút vì độ khó của nó.

Nhiều người chế ảnh từ việc ra mắt Bphone. (Ảnh: Giadinh.net.vn)
Nhiều người chế ảnh từ việc ra mắt Bphone. (Ảnh: Giadinh.net.vn)

Sự đố kị

Vậy thì, nguyên nhân của những lời mạt sát kia là do đâu?

Có lẽ, ta phải bắt đầu từ chính những người đang cất lên lời chê bai, mạt sát ấy. Nguyên nhân trực tiếp có thể nhận thấy ở đây chính là sự đố kị.

Đó là những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực có thể nảy sinh khi con người nhận thấy rằng người khác có những thứ mà mình không sở hữu. Nó xuất phát từ sự tự tôn thái quá đến thành tự cao, tự đại để cho rằng bản thân mình luôn phải ngang hàng hoặc đứng cao hơn mọi người.

Đối với họ, mọi sự kém cạnh, thua thiệt đều là không thể chấp nhận được và chắc chắn đằng sau những thành công kia là những sự nâng đỡ, bắt tay mờ ám hoặc đơn giản là giả dối, đánh lừa dư luận.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên khi lòng đố kị của cái tôi tự cao công kích những tài năng của xã hội.

Nhà toán học Cauchy lừng danh bởi bất đẳng thức Cauchy cũng đã từng phủ nhận những công trình của Evariste Galois, một thiên tài toán học đoản mệnh người Pháp.

Vì ông cho rằng, một chàng trai 21 tuổi không thể có những phát hiện mà bản thân mình và các nhà toán học cùng thời không nhận ra.

Sự tự tôn đến thành tự kiêu của Cauchy đã khiến cho các công trình của Galois phải tới 14 năm sau khi ông mất mới được xã hội xem xét một cách nghiêm túc và công nhận.

“Không ăn được ta đạp đổ”

Còn một kiểu đố kị khác, đó là khi con người nhận thức được về sự kém cỏi của mình nhưng vẫn sử dụng hành động hạ thấp người khác để tự cho mình cái quyền thỏa mãn với chỗ đứng thấp kém hiện tại của bản thân.

Đây có lẽ là một dạng thức khác của thái độ “không được ăn thì đạp đổ”.

Khi mà thay vì biết xấu hổ về sự kém cỏi của mình, thay vì lấy thành công của người khác làm động lực để phấn đấu vươn lên thì người ta lại chọn cách đẩy ngã, “dìm hàng” đối phương để được dương dương tự đắc rằng ta đây cũng không kém gì thiên hạ.

Nếu như hình thức đố kị ở trên nhắm vào những cá nhân hay tập thể có những thành tựu đặc biệt xuất sắc.

Thì những kẻ thuộc nhóm thứ hai này hầu hết lại nhắm vào công kích những cá nhân, tập thể có những đóng góp tích cực cho xã hội về mặt vật chất hay đạo đức tình cảm.

Những tấm gương người tốt việc tốt bị xem là những trò đạo đức giả không hơn không kém. Những sự ủng hộ quyên góp cho đồng bào gặp khó khăn lại bị đánh đồng với những đợt xả hàng tồn kho và hình thức lăng xê tên tuổi của các đại gia lắm của thừa tiền.

Một điển hình cho thói quen hạ thấp người khác này là khi chàng sinh viên Lê Doãn Ý nhặt được và trả lại số tài sản trị giá hơn một tỉ đồng cho khổ chủ.

Việc này đã có không ít những bình luận trên mạng xã hội có tính chất dè bỉu, hoàn toàn phủ nhận một lòng tốt đáng lẽ phải được biểu dương trong xã hội ngày nay.

Muốn trở nên khác biệt

Một nguyên nhân khác, tuy không phải là trường hợp phổ biến nhưng lại có sức ảnh hưởng và tác hại không nhỏ, đó là khi con người đơn giản muốn đi ngược lại số đông để trở nên khác biệt.

Họ tự cho rằng mình là người có thể nhìn ra những điều mà xã hội không để ý tới, nhưng thực chất là đang bới móc và cường điệu để thể hiện bản thân.

Họ có thể phản bác vấn đề hàng giờ liền như thể một nhà phê bình đích thực, nhưng thực chất lại không có một nhận thức đầy đủ về điều đang được đề cập tới.

Nó giống như khi thế giới ăn mừng cái chết của trùm khủng bố Bin Laden thì trên các trang mạng xã hội, một bộ phận thanh niên VN lại đăng những bài viết với cái tít theo kiểu “một phút mặc niệm cho Bin Laden” để tôn sùng thành thần tượng.

Điển hình là trong cộng đồng mesmes - một cộng đồng chế ảnh với mục đích giải trí lành mạnh - thì cũng có không ít người dùng lại chế những bức hình với mục đích dè bỉu, chê bai cốt gây sốc để được đăng lên trang nhất.

Khi mà thông tin về việc Bphone sẽ sử dụng 3 sóng GPS, trong đó có Bắc Đẩu của Trung Quốc, thì ngay lập tức trên những trang web của cộng đồng chế ảnh xuất hiện những bức hình kêu gọi “bài trừ Bphone”.

Họ cho rằng sản phẩm smartphone này có sự can thiệp của Trung Quốc nhằm kiểm soát thông tin liên lạc của Việt Nam!

Nguyễn Tử Quảng bị nhiều người ném đá cùng chiếc Bphone.

Nguyễn Tử Quảng bị nhiều người "ném đá" cùng chiếc Bphone (Ảnh: Zing News).

Hậu quả thực

Lời nói không thể coi như gió bay, nhất là trên các trang mạng xã hội, nơi mà mọi phát ngôn đều được hàng triệu người dùng xem xét và kiểm chứng. Những lời chê bai, mạt sát thậm tệ kia đã để lại hậu quả rất thực dù nó được nói ra trong thế giới ảo.

Trên thực tế, những phản ứng cực đoan, tiêu cực từ một bộ phận xã hội đối với những thành tựu, thành công của cá nhân hay tập thể hoàn toàn có thể đem đến những tác hại to lớn đối với sự phát triển chung của xã hội.

Sự đố kị như trong trường hợp của Cauchy và Galois có thể làm ngưng trệ sự đi lên của xã hội, nhất là khi nó đến từ những người có tiếng nói trong xã hội như Cauchy.

Sự bảo thủ của nhà thờ đã khiến cho loài người phải mất nhiều năm sau mới công nhận một thực tế là trái đất hình cầu và những người đi tiên phong như Galileo và Copecnicsus đều phải chịu nhưng hình phạt vô lí.

Còn kiểu đố kị thứ hai cũng có tác hại không kém khi mà nó không những làm chậm mà còn có khả năng phá hủy những thành công quan trọng đối với sự đi lên của xã hội.

Chính vì những dư luận tiêu cực mà Nguyễn Hà Đông phải tự tay gỡ bỏ phần mềm Flappy Bird khỏi App store.

Sản phẩm Bphone của Nguyễn Tử Quảng đáng ra phải được công khai quảng bá và hưởng ứng từ cộng đồng thì lại nhận được không ít những cái nhìn nghi ngại từ khách hàng với một sản phẩm bị cho là nhái của iPhone.

Cần một bộ lọc thay vì lá chắn

Sẽ thật khó để có thể giảm thiểu hay loại trừ những phản ứng tiêu cực từ một bộ phận xã hội, bởi chúng bắt nguồn từ nhận thức và tâm tính mỗi người - một khía cạnh tinh thần khó có thể tác động bằng ngoại lực.

Điều ta cần phải làm là củng cố những phương cách đối phó với chúng.

Trước tiên, mọi hành động đáp trả, dù có mục đích tốt sẽ ít khi có tác dụng nếu ta lại dùng thứ ngôn ngữ và hành động tương tự như những người kia bởi nó sẽ chỉ tạo ra những cuộc tranh cãi liên hồi và khó có thể giúp ích được gì trong việc giải quyết mâu thuẫn, xung đột.

Trên facebook có không ít những trường hợp như vậy khi mà cả hai bên lao vào tranh cãi rồi tiến tới những màn lăng mạ nhau giữa những anh hùng bàn phím trong khi vấn đề vẫn còn ở đó. Bên cạnh đó, ta cần tạo ra một bộ lọc thông tin. Tại sao lại là bộ lọc thay vì lá chắn?

Bởi vì đôi khi, dù tỉ lệ phần trăm không cao song những thông tin chê trách vẫn có thể giúp ta nhận ra những khiếm khuyết thực sự, cho dù nó có nhỏ bé đến đâu, để hoàn thiện sản phẩm. Hãy coi nó như một quy trình hoàn tất các công đoạn để đạt tới độ hoàn hảo cần thiết.

Hãy phản bác lại những lời chê bai, dè bỉu vô căn cứ bằng những luận điểm, bằng chứng có sức thuyết phục thay vì chỉ đơn giản đôi co.

Trong cuộc sống, thành công không phải bao giờ cũng là sự ngọt ngào của chiến thắng. Ta luôn phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những sự phản hồi trái chiều từ dư luận.

Điều quan trọng là ta phải biết cách đối phó và đáp lại những phản hồi ấy, dù là sự ngưỡng mộ, động viên hay chê bai mạt sát để tự hào đứng vững với thành quả của mình.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh bài viết này của học sinh Phạm Minh Đức, tiến sỹ Trịnh Thu Tuyết – người ra đề Ngữ văn này cho hay:

“Tác giả bài viết tương đối làm chủ được vấn đề, các phần biểu hiện, nguyên nhân, hậu quả, giải pháp rành mạch.

Đặc biệt, phần giải pháp rất thực bởi nói chung chung về giáo dục sẽ thiếu thuyết phục vì đây là vấn đề không dễ “tác động bằng ngoại lực””.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại