Bộ trưởng Chuyền nói về môi giới mại dâm qua internet, facebook

Hoàng Đan |

Báo cáo của Bộ LĐ, TB & XH cho hay, xuất hiện đối tượng và hình thức hoạt động môi giới mại dâm qua internet, qua facebook... và khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi.

Mại dâm ngày càng tinh vi

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền vừa thay mặt Chính phủ ký báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống mại dâm.

Theo báo cáo thống kê, số người bán dâm có hồ sơ quản lý của các cơ quan chức năng hiện là 11. 240 người.

Phân tích theo địa bàn, báo cáo cho biết, đối tượng bán dâm tập trung nhiều ở đồng bằng sông Hồng với 3.673 người, Đông Nam Bộ 3.200 người, Đồng bằng sông Cửu Long 1.374 người, Đông Bắc Bộ 913 người, Bắc Trung Bộ 887 người và các khu vực khác là 1.189 người.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhìn nhận, con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình.

Báo cáo gửi tới Quốc hội do Bộ trưởng Chuyền thay mặt Chính phủ ký cũng khái quát, xuất hiện đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới như:

Gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, qua facebook… và trình trạng người mại dâm có sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng.

Về đối tượng mua dâm, báo cáo cũng nêu thống kê: Đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, làm ăn tự do chiếm 75,7%, doanh nghiệp 20%,cán bộ công nhân viên chức là 3%.

Đáng chú ý, 80% đối tượng chủ chứa, môi giới có độ tuổi từ 18 đến 25 và trên 40% chủ chứa là phụ nữ.


Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền.

Tại các thành phố có hiện tượng xuất hiện trở lại các tụ điểm mại dâm ở khu vực công cộng tác động xấu đến môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong dư luận.

Báo cáo cũng đưa ra đánh giá, người hoạt động mại dâm thường bị bạo lực, chiếm đoạt tài sản, tiền bạc, bóc lột tình dục, bị kỳ thị, xa lánh, khó tiếp cận với dịch vụ xã hội.

Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng các băng nhóm, tổ chức tội  phạm mua bán ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán người, tổ chức hoạt động mại dâm ở một số địa phương, hình thành những đường dây mua bán người vì mục đích mại dâm.

Tình trạng mua bán phụ nữ,trẻ em có vì mục đích mại dâm có chiều hướng gia tăng.

Báo cáo cũng cho biết hiện có 161.133 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, quán bar, vũ trường… tăng 88.133 cơ sở so với giai đoạn 2006 – 2010.

Về công tác đấu tranh, xử lý, trong 5 năm 2011 – 2015, cả nước đã tiến hành truy quét, triệt phá 5.791 vụ, ổ nhóm hoạt động mại dâm với 23.213 người vi phạm. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 3.800 vụ với 5.004 bị cáo về tội mại dâm.

Cần chế tài xử lý với công chức mua dâm

Nhìn nhận hạn chế, với công tác phòng chống mại dâm, Chính phủ cho rằng quan điểm, nhận thức về công tác phòng, chống mại dâm của lãnh đạo một số địa phương chưa thống nhất dẫn đến chỉ đạo chưa quyết liệt.

Trong xử lý thì còn thiếu chế tài xử lý hành chính với các hành vi vi phạm như bảo kê, khiêu dâm, kích dục, người chuyển giới, đồng giới bán dâm.

Còn với cán bộ công chức vi phạm pháp luật về phòng chống mại dâm chưa quy định rõ cơ chế thông báo cho người đứng đầu cơ quan để xử lý kỷ luật.

Cũng như mại dâm, tình hình tội phạm ma túy và nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát hơn.

Với tốc độ bình quân mỗi năm tăng 7%, đến cuối năm 2014 theo thống kê của Bộ Công an cả nước có 204.377 người nghiện, ở mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi.

76% trong số người nghiện có độ tuổi dưới 35, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu ở tuổi dưới 25, trong đó 8% sử dụng lần đầu khi dưới 18 tuổi, báo cáo nêu chi tiết con số.

Bộ trưởng thông tin, từ 2011 – 2014 các trung tâm cai nghiện đã cai cho 90.474 lượt người.

Đánh giá chung, báo cáo của Bộ trưởng Chuyền cũng xác nhận, công tác cai nghiện ma túy cũng còn nhiều khó khăn vướng mắc.

Chẳng hạn, hiện còn 6.000 trường hợp đã có quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh nhưng bỏ trốn, có trường hợp trốn đến 8 năm.

Đến nay, một số địa phương khi phát hiện đối tượng vẫn thực hiện quyết định và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mặc dù khi đó đối tượng đã không còn sử dụng mai túy, có việc làm ổn định, gây bức xúc cho đối tượng.

Khó khăn lớn trong tổ chức thực hiện là mới có 9 tỉnh tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng, gia đình.

Trước đó, bàn về công tác phòng chống tệ nạn xã hội, ông Lê Minh Quý – phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Tp HCM cho rằng nên thí điểm gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vào một khu vực để dễ quản lý hơn.

Việc thí điểm chúng ta sẽ tổ chức ở một số địa phương trọng điểm như Tp HCM, Tp Hà Nội, Tp Hải Phòng…

Những lao động trong ngành nghề này sẽ được giám sát, đảm bảo quyền lợi, tránh bị bạo hành và nhất là được pháp luật bảo vệ.

Ngoài ra, họ sẽ được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, được phổ biến kiến thức để tránh các bệnh truyền nhiễm, nhất là HIV/AIDS.

“Thành phố sẽ lập khu vực quy hoạch, sau đó có cơ chế khuyến khích như giảm thuế, tạo điều kiện kinh doanh hợp pháp để mời gọi các cơ sở dịch vụ nhạy cảm vào. Tất nhiên, lực lượng chức năng vẫn sẽ giám sát và xử lý mạnh tay nếu xảy ra sai phạm”, ông Quý nói.

Ông Quý cũng khẳng định, việc tập trung dịch vụ “nhạy cảm” vào một chỗ khác với việc lập “phố đèn đỏ”. Bởi gom lại là để dễ quản lý, tránh việc phát sinh tràn lan, người hoạt động trong lĩnh vực này không được bảo vệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại