Bác sĩ cấp cứu nạn nhân vụ sập hầm thủy điện: Chuyện bây giờ mới kể

Duy Tính |

Ba ngày sau khi 12 nạn nhân bị sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) được đưa ra ngoài, các y bác sĩ BV Chợ Rẫy đã về đến TP.HCM.

Trong hồi ức của họ, việc cấp cứu cho các nạn nhân là rất quan trọng và có nhiều “kỷ niệm” rất đáng nhớ trong đời. 

“Về phần y tế, chúng tôi cảm thấy rất vui đã được đóng góp sức mình vào cuộc cứu nạn thành công. Chúc mừng tất cả các lực lượng đã cứu nạn thành công.

Riêng tôi cảm thấy rất chủ động vì đã chuẩn bị tất cả các tình huống, kể cả tình huống xấu nhất.

Mặc dù thời gian cấp cứu không lâu, bệnh nhân không nhiều, nhưng nếu không chuẩn bị sẵn các phương án thì sẽ không làm mọi việc được tốt như vậy đâu!”, PGS-TS-BS Trần Minh Trường, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy tâm sự.

Những phương án cấp cứu hoàn hảo

Khi xảy tra vụ việc, Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến hiện trường chỉ đạo sẵn sàng cấp cứu cho các nạn nhân. Ngoài ngành y tế tỉnh Lâm Đồng, Bộ trưởng yêu cầu BV Chợ Rẫy chi viện.

Bác sĩ Tiển đang ghi hồ sơ bệnh án tại trại cấp cứu

Đoàn thứ nhất BV đi có ba người, mỗi người chỉ mang một bộ đồ trên người và cấp tốc đến hiện trường.

Sau đó, BV Chợ Rẫy cử thêm một đoàn thứ hai là PGS-TS Nguyễn Văn Khôi- Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy làm trưởng đoàn, cùng bác sĩ chấn thương chỉnh hình, hồi sức cấp cứu và cấp cứu khoảng hơn 10 người. 

Về những việc này, chúng tôi cũng đã quá quen vì trước đó khi cấp cứu vụ sập gãy nhịp cầu Cần Thơ BV cũng là từng làm nên mọi việc không có vấn đề gì, kể cả phương tiện về kỹ thuật cũng vậy.

Bộ trưởng Bộ Y tế căn cặn dặn chúng tôi khá nhiều điều.

Thứ nhất, cần phải bám vững vị trí địa hình, giao Sở Y tế Lâm Đồng cùng BV Chợ Rẫy hợp tác thật chặt, không để xảy ra sơ hở để hồi sức cho bệnh nhân khi cần thiết.

Thứ hai là sẵn sàng cấp cứu hàng loạt khi hầm sập.

Thứ ba là người bệnh khi cứu ra thì phải có lực lượng địa phương và báo cáo ngay để Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ.

Do đó, chúng tôi đã làm việc rất mạnh dạn, nếu như có bất cứ điều gì thì tôi báo cáo ngay với giám đốc Sở Y tế và Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng và Bộ trưởng rồi cứ thế mà làm.

Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cũng đã ra chỉ thị tất cả các đơn vị y tế phối hợp đều phải hoạt động dưới sự chỉ đạo của BV Chợ Rẫy, kể cả BV Lâm Đồng, gom về một mối để hợp tác cùng nhau.

Công tác cứu hộ các nạn nhân được tiến hành khẩn trương. Ảnh: PLO 

Về phác đồ cấp cứu, đây là một phương án hết sức tế nhị. Ngay từ trước đêm đưa nạn nhân ra, chúng tôi  đã có phác đồ và đã báo cáo Bộ trưởng Y tế.

Tiếp đó, phương án là phải biến trạm chỉ huy cứu hộ, trạm y tế thành trạm cứu thương. Chúng tôi báo với bí thư Tỉnh ủy và Bộ trưởng Y tế rằng phải dồn hết lực tại đó.

Đồng thời, không được bỏ qua bất kỳ phương án nào, kể cả  việc phải đưa ra phương án xấu nhất là hầm sập và mọi người bị chết.

Sau đó, lãnh đạo đã hoàn toàn nhất trí theo phương án đã đưa ra. Ai không đồng ý có thể không tham gia. Tránh tranh luận, bàn cãi.

Do đó chúng tôi đã thống nhất theo cách chuẩn bị cứu hộ theo nhiều phương án vạch sẵn.

Tiếp theo, quy trình sau khi cứu hộ thành công là khi đưa được nạn nhân ra, bác sĩ phải đeo ngay bảng số cho nạn nhân.

Bảng này được chúng tôi chuẩn bị và mang theo từ BV Chợ Rẫy, trên bảng ghi số thứ tự từ 1-12 (số nạn nhân).

Ngoài ra còn có phần ghi chú giờ, loại thuốc đã dùng, tình trạng nạn nhân... để bệnh viện tuyến trên còn nắm được khi bệnh nhân chuyển viện.

Chúng tôi làm thế cho tiện bởi lúc rối ren không thể hỏi tên từng bệnh nhân được.

Để nắm chắc tình hình, ngoài việc lên kế hoạch cụ thể, tôi cũng thực địa bằng cách vào tận cửa hầm để xem xét tình hình.

Tận tay sờ vào đường ống bên ngoài nối vào trong hầm để cung cấp thức ăn, ô xy cho nạn nhân. Chân dẫm trên bùn đất đỏ nhão nhoẹt mà cảm thấy thương những người đang còn ở trong đó vô cùng.

Tuy nhiên, tôi cũng nói với các anh em bên y tế rằng, trong trường hợp khi đưa được nạn nhân ra ngoài, bác sĩ không thể nào mặc áo bờ lu trắng dài lướt thướt mà chạy theo lực lượng cứu nạn, chỉ thêm vướng chân thôi.

Đó là lý do khi những nạn nhân đầu tiên được đưa ra ngoài, không thấy có bóng dáng áo bờ lu.

Việc của chúng tôi là chốt tại ngách hầm, tại trạm cấp cứu dã chiến để phân loại nạn nhân và giúp họ sau khi được cứu.

Diễn tập cứu hộ nạn nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng. Ảnh: X.NGỌC 

Vào 2 giờ chiều ngày 19-12, có cuộc diễn tập để kiểm tra đầy đủ chăn dạ, bình dịch truyền… để chủ động trong công việc cứu hộ các nạn nhân.

Mọi thứ phải được chuẩn bị thực sự chu đáo, đầy đủ, cụ thể, khi cần là dùng ngay, không bị lúng túng. Động tác đó được đánh giá rất quan trọng.

Cuộc diễn tập rất nghiêm túc, y như thật khiến không ít người ở ngoài lúc đó tưởng rằng nạn nhân đã được cứu ra.

Còn một điều lúc đó tôi rất băn khoăn, đó là đường lên cửa hầm thì dốc, lại khó đi. Vậy khi cứu được nạn nhân ra phải làm thế nào để khiêng họ về?

Việc này bên công binh đứng ra giải quyết. Đúng là nước sông công lính, công binh họ bắt tay vào làm những bậc lên xuống bằng ván gỗ, rất nhanh, chắc chắn và đẹp nữa.

Trong trại cũng đã sắp xếp đầy đủ, điện được chuẩn bị rất chu đáo. Gần 3 giờ chiều là diễn tập xong và mọi thứ sẵn sàng.

Nạn nhân đòi ăn cháo, ngán ăn dung dịch dinh dưỡng

Khi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vào, các lực lượng đưa ra rất nhiều phương án cấp cứu, nhưng đầu tiên là phải cung cấp được thức ăn giàu dinh dưỡng, sữa, vitamin, kháng sinh, ô xy... cho nạn nhân trong hầm để duy trì sự sống cho họ.

Việc này không khó với chúng tôi, nhưng cái khó lúc này ống truyền chỉ bé bằng ngón tay út, làm thế nào để chuyển thức ăn, nước uống đây?

Sau khi nghiên cứu kỹ, hỏi qua ý kiến các chuyên gia, thậm chí yêu cầu anh em ở BV dưới TP.HCM nghiên cứu thêm từ sách vở, chúng tôi đã có phương án cho vấn đề này.

Sợi dây sự sống truyền thức ăn, ô xy, sữa... cho các nạn nhân những ngày họ kẹt trong hầm. Ảnh: nguoiduatin

Tôi báo cáo với anh Hải rằng đưa được ô xy, nước và cháo cho anh em còn kẹt trong hầm là tốt rồi. Tuy nhiên, BV hiện có dung dịch dinh dưỡng giàu năng lượng để cung cấp thêm cho anh em đang trong hầm.

Hiện dung dịch đang trên đường từ TP.HCM lên đây.

Nó sẽ giúp anh em trong hầm không bị đói  và đỡ lạnh. Những bịch dinh dưỡng này được đóng thùng và gửi theo xe khách Thành Bưởi.

Cũng rất may, bên Thành Bưởi rất nhiệt tình nhận lời giúp đỡ, không những thế, họ còn chở thùng hàng vào tới công trường ngổn ngang đất đã rồi mới quay ra, tiếp tục hành trình.

Dung dịch mà chúng tôi cung cấp cho các nạn nhân hôm đó là loại dinh dưỡng dành cho bệnh nhân trong trường hợp bệnh nhân nặng, phải nuôi ăn đặc biệt.

Dung dịch này có hàm lượng năng lượng cao, 1 ml chứa đến đến 1,5 kcalo.

Chính vì thế, nó giúp cơ thể chuyển hóa tốt hơn, cơ thể sinh nhiệt nhiều, bởi vậy cũng giữ ấm cơ thể tốt hơn.

Đợt đầu BV Chợ Rẫy đưa lên 50 bịch dung dịch nuôi ăn, mỗi bịch 1000 ml. Dự tính mỗi nạn nhân một ngày cần 1- 1,5 bịch rưỡi.

Tuy nhiên do nó có qua nhiều dầu mỡ nên khi bơm qua ống nỏ vào trong cho các nạn nhân rất khó. Dung dịch đặc, dầu mỡ nhiều nên nó cứ ứ lại, nguy cơ nếu vỡ ống nuôi ăn thì sẽ khó khăn hơn.

Sau khi trao đổi với các chuyên gia, chúng tôi tìm cách pha loãng dung dịch với nước để dễ chuyển vào. Sau khi ăn, các nạn nhân báo ra là no rất lâu, thậm chí hơi… nặng bụng.

Nhưng có lẽ do ăn cơm quen, nên họ chưa thể thích nghi với thức ăn mới này.

Chúng tôi an ủi: "Các bạn cố gắng ăn cho đủ dinh dưỡng", nhưng họ nhất quyết nói chiều nay xin được ăn cháo chứ không ăn nước này nữa đâu vì nó khó nuốt và… không hấp dẫn.

Chiều đó, khi chưa kịp đưa dinh dưỡng vào tiếp thì họ được cứu ra ngoài.

12 nạn nhân nhưng cấp cứu 14 người

Mọi việc sau đó diễn ra rất nhanh, nhanh không ngờ. Khi nạn nhân ra, y tế được chỉ đạo đứng tại chỗ để công binh rộng đường thực hiện nhiệm vụ cứu nạn.

Mọi người ở đó ai cũng cười, phấn khởi. Khi ra tới, lập tức nạn nhân được đưa vào lán trại và sưởi ấm, truyền dịch, loại dịch nào, đắp chăn nào lên trước, chăn nào lên sau… mọi thứ đều được tiến hành rất tốt, rất nhịp nhàng vì đã được diễn tập.

Lúc đó điện thoại kêu liên tục, mọi nơi đều gọi về hỏi có cần hỗ trợ gì thêm không? Chúng tôi bận rộn đến không đủ thời gian mà nghe đừng nói đến trả lời.

Nạn nhân được cấp cứu sau khi ra khỏi hầm. Ảnh: PLO

Nạn nhân sau khi ra khỏi hầm mặc dù mới đầu rất khỏe (có người tự đi luôn, rất hiên ngang) nhưng ngay sau đó đều phải khiêng vì họ gục hết (có thể vì gió, hoặc kiệt sức vì ở lâu trong hầm tối, lạnh).

Công binh khiêng nạn nhân ra, chúng tôi hoàn toàn chủ động trong cấp cứu. Tôi còn chạy qua chạy lại giữa các tốp, các trạm để nắm tình hình kịp thời.

Sau 30 phút, chỉ còn có chị Ngọc là yếu nhất (chị này mặt rất xinh, nhìn rất có cảm tình). Khi đó chị ấy còn yếu, nên chúng tôi hỏi gì chỉ yêu cầu chị ấy lắc hay gật đầu là được rồi!

Sau khi đánh giá tình hình bệnh nhân, chúng tôi chỉ giữ lại chị Ngọc ở tại chỗ để hồi sức. Còn những nạn nhân khác được chuyển dần lên tuyến trên.

Chị Ngọc là người được chuyển lên viện cuối cùng, anh lái xe của BV Hoàn Mỹ cũng chạy xe chầm chậm, rất cẩn thận đưa bệnh nhân về BV đa khoa tỉnh Lâm Đồng.

Có chuyện vui là khi xe cấp cứu chuyển 11 nạn nhân về bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Bác sĩ trên đó gọi xuống nói có nạn nhân bị kích động, phải làm thế nào?

Do lúc nạn nhân mới ra, chúng tôi đã cho họ đeo số rất cẩn thận nên hỏi lại bệnh nhân đó đeo số mấy? Họ nói không có đeo số.

Tôi bảo rằng 12 người đều đeo số cả, vì chúng tôi chỉ có 12 cái bảng thôi.

Chưa dừng ở đó, sau khi đếm họ báo lại có tất cả... 14 nạn nhân, một trong số đó đang bị kích động.

Tôi ngớ ra, vậy chứ nạn nhân ở đâu mà lại dư ra hai người, trong khi chỉ cứu được có 12 người mà một người đang nằm tại đây (là chị Ngọc).

Kiểm tra kỹ, hóa ra hai người đó là… người nhà của bệnh nhân.

Ghi theo lời kể của PGS-TS-BS Trần Minh Trường, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy và BS Trương Dương Tiển, Khoa Hồi sức Cấp cứu BV Chợ Rẫy.

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại