4 anh em Sắt, Thép, Điện, Nước rất đặc biệt ở Hà Nội

Hoàng Đan |

Theo ông Thép, trong suy nghĩ của cha ông, Chủ nghĩa xã hội chính là công nghiệp hóa cộng với chế độ làm chủ, vì thế, ông đặt tên các con của mình là: Sắt, Điện, Nước, Thép.

Đặt tên con vì mong ước đất nước giàu mạnh

Khi nghe chúng tôi trình bày về ý định viết về kỷ niệm của gia đình, trong đó, có những cái tên rất ý nghĩa của bốn anh em trai, ông Nguyễn Quý Thép, dù đang bận cho chuyến đi công tác dài ngày nhưng đã nhanh chóng thu xếp thời gian để gặp.

Trong ngôi nhà số 12 ngõ Liên Trì (Hà Nội), nơi ông Thép tiếp chúng tôi, dường như những ồn ã của phố phường bên ngoài không có "cửa" để bước vào trong.

Những đồ vật từ bộ bàn ghế, tủ gỗ lỗi mốt, chiếc xe đạp từ năm 1965, chiếc quạt điện người cha được tặng cách đây 31 năm nhân ngày giải phóng Thủ đô, rồi cả chiếc đèn bão ông từng dùng trong thời kỳ chống Pháp…vẫn được lưu giữ.

"Tất cả những đồ vật ở trong căn phòng khách này, trước đây bố mẹ tôi để thế nào thì giờ anh em tôi vẫn giữ nguyên như vậy. Đồ nào còn dùng được thì dùng không thì chúng tôi cũng cất đi để con cháu biết đó là kỷ vật của gia đình", ông Thép nói.

Theo lời kể của ông Thép, bố ông là lão thành cách mạng, được ông Trần Đăng Ninh giác ngộ và tham gia hoạt động từ những năm 1935. Ông cũng là một trong những người tham gia tổ chức lễ Quốc khánh 2/9/1945.

Sau đó, ông từng bị Pháp bắt, tra tấn ở nhiều nơi đến "thừa sống, thiếu chết".

Đến năm 1954, khi Thủ đô được giải phóng, ông tham gia tiếp quản và từng làm Giám đốc Sở xe điện Hà Nội, Giám đốc Sở Lao động, sau này là Trưởng ban công nghiệp Hà Nội.

Cũng theo ông Thép, ngày bố mẹ ông cưới nhau, bố đi hoạt động cách mạng nên nhà nội phải nhờ người đóng giả chú rể đến đón mẹ ông về.

5 năm ông đi biền biệt cũng là quãng thời gian bà phụng dưỡng bố mẹ chồng mà chưa một lần biết mặt chồng.

Tới khi gia đình đoàn tụ ở Hà Nội, bà mới có hạnh phúc của một người vợ và những đứa con lần lượt ra đời.

"Khi đó, trong suy nghĩ của cha tôi, muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội thì cần công nghiệp hóa cộng với chế độ làm chủ. Vì thế, gia đình có 8 người con nhưng với 4 người con trai, ông lần lượt đặt tên các con là: Sắt, Điện, Nước, Thép.

Đó là thể hiện mong ước của ông về một đất nước giàu đẹp, văn minh hơn”, ông Thép bày tỏ.

Ông Điện (bên trái), ông Thép (bên phải) trong ngôi nhà ở phố Liên Trì của gia đình.
Ông Điện (bên trái), ông Thép (bên phải) trong ngôi nhà ở phố Liên Trì của gia đình.

Ông Thép chia sẻ thêm, 4 anh em ông đã không phụ công của người cha khi đặt những cái tên hết sức ý nghĩa cho mình.

Ngay từ nhỏ, các anh em đã luôn có ý thức học hành, tự lập vươn lên và giờ đây, tất cả đều đã có chỗ đứng trong xã hội.

Người anh cả tên Sắt sau này đã trở thành nhà khoa học về điện hạt nhân, là trưởng đại diện Việt Nam tại Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Đup-na (Nga).

Đồng thời, là người tham gia thực hiện các thí nghiệm trên mặt đất trong chuyến bay của Phạm Tuân vào vũ trụ năm 1980.

Hai người anh tên Điện, Nước cũng là những người thợ tốt nghiệp trung, đại học với trình độ cao.

Còn với ông Nguyễn Quý Thép hiện là thạc sỹ, công tác tại Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, người có công trình sử dụng bùn đỏ sau xử lý làm ra các vật liệu dùng trong xây dựng và giao thông.

Tài sản quý nhất là tình yêu thương của gia đình

Theo ông Thép, cho đến giờ đây, nếu ai đã biết đến gia đình ông nói chung và 4 anh em ông nói riêng thì đều nhớ, ấn tượng.

Đó không chỉ bởi vì có tới 4 cái tên độc đáo trong cùng một gia đình mà đó là vì, sự ham học, tình yêu thương của các anh chị em dành cho nhau

Còn theo ông Nguyễn Quý Điện, anh trai ông Thép, trước khi qua đời, cha ông không để lại di chúc nhưng chỉ dặn rằng, căn nhà ở phố Liên Trì là của Nhà nước cho cha mẹ nên anh em hãy bảo ban nhau mà sống.

Không ai bảo ai nhưng 4 người anh em lần lượt lớn lên và dọn đi. Cả 4 đều đồng tình để lại căn nhà giá trị nơi con phố trung tâm Hà Nội cho hai người anh em còn lại. Không ai nghĩ đến việc thiệt, hơn về mình.

Và một điều đáng quý hơn là giờ đây, đã thành thông lệ sáng nào cũng vậy, các anh em ông Điện lại cùng quây quần về lại căn nhà trên phố Liên Trì để ngồi với nhau.

Bên ấm trà nóng, các anh em cùng chia sẻ những câu chuyện, những việc mình đã làm, chưa làm được trong ngày và cho nhau lời khuyên hợp lý.

“Gia đình tôi không nổi tiếng. Nhưng, ở đó, bố mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái yêu thương, đùm bọc nhau. Đó là tài sản quý giá nhất mà đời chúng tôi có được”, ông Điện bày tỏ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại