Vừa tán dương, vừa "dìm hàng" Su-57 Nga: Trung Quốc muốn gì?

Anh Tú |

Có lẽ Trung Quốc muốn ám chỉ rằng, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 mà họ mới công bố gần đây tiên tiến tới mức Bắc Kinh có thể "cười khẩy" trước chiếc Su-57 "kém cỏi" của Nga.

Chưa dứt lời chỉ trích đã lại khen ngợi ngay

Trang tin tức tiếng Anh của Quân đội Trung Quốc - Chinamil.com.vn hồi cuối tháng 1 vừa qua đã cho đăng tải một bài viết khá kỳ dị: Vừa chỉ trích, vừa ca ngợi chiếc máy bay tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga.

"Su-57, chiếc tiêm kích phản lực thế hệ 5 của Nga vẫn được sánh với J-20 của Trung Quốc và F-22 của Mỹ, thường không được coi là dòng máy bay thế hệ 5 thực thụ bởi khả năng tàng hình "dưới chuẩn" của nó", Chinamil.com.cn viết. "Yếu tố này, theo một số nhà quan sát quân sự, đã khiến Su-57 Nga rơi vào thế bất lợi đáng kể so với các đối trọng đến từ Mỹ và Trung Quốc".

Thế nhưng ngay sau đó, cũng chính bài báo này lại không tiếc lời ca ngợi Su-57 khi trích dẫn ý kiến đánh giá từ Wang Yongqing, Thiết kế trưởng của Viện Thiết kế Máy bay Thẩm Dương với lời bình luận: "Xét về tổng thể, các khả năng của Su-57 không hề tồi", Shenyang nhận xét.

"Với thiết kế khí động học sáng tạo và có khả năng điều khiển vector lực đẩy, Su-57 coi trọng cả khả năng hành trình siêu thanh và khả năng siêu cơ động, nhưng yếu tố tàng hình vẫn chỉ là ưu tiên thứ hai", Wang chia sẻ trên Tạp chí Kiến thức Hàng không vũ trụ của Trung Quốc.

"Khái niệm tác chiến trên không thế hệ kế tiếp của Mỹ tập trung vào các đòn tấn công ngoài tầm nhìn. Tuy nhiên, những tên lửa có thể thực hiện các vụ tấn công như vậy thường phải di chuyển trong một khoảng thời gian nhất định và đây chính là quãng thời gian đủ để Su-57 phô diễn khả năng siêu cơ động rồi chạy thoát", Wang nhấn mạnh.

"Một yếu tố nữa cũng cần phải thấy rằng, các máy bay chiến đấu của Nga thường được trang bị các radar đặc biệt để phát hiện chính xác vị trí tên lửa tấn công. Khi các tên lửa tấn công tầm xa đã bị loại bỏ, trận đấu tiếp theo giữa Su-57 và chiến cơ đối thủ sẽ diễn ra ở cự ly gần, cũng là lúc khả năng tàng hình mất lợi thế so với khả năng siêu cơ động".

Vừa tán dương, vừa dìm hàng Su-57 Nga: Trung Quốc muốn gì? - Ảnh 1.

Su-57 bay song hành cùng MiG-35

Trung Quốc thực sự muốn gì?

Wang Yongqing cho rằng, Su-57 vẫn là dòng máy bay "truyền cảm hứng" mà các kỹ sư Trung Quốc có thể nghiên cứu, học tập.

Thế nhưng, một câu hỏi khá thú vị đặt ra ở đây là: Trung Quốc có ý gì khi dùng từ "học tập"? Nhất là trong bối cảnh nước này vốn vẫn nổi danh với việc sao chép hoặc "chôm chỉa" công nghệ từ các quốc gia khác.

Đương nhiên Nga cũng là một nạn nhân của Trung Quốc, chẳng hạn như khi Bắc Kinh sao chép Su-33 mà không được cấp phép rồi đặt tên cho chiếc máy bay do mình "tự chế tạo" là J-15.

"Trung Quốc từ lâu vẫn là khách hàng truyền thống của các máy bay Nga với thương vụ điển hình gần đây nhất là Su-35", Chinamil.com.cn giải thích. "Tuy nhiên, khi Trung Quốc đã phát triển được tiêm kích phản lực thế hệ 5 thì chúng ta không cần phải mua hay thậm chí học tập từ loại Su-57 "dưới chuẩn" đó".

Có lẽ Trung Quốc muốn ám chỉ rằng, chiếc máy bay chiến đấu tàng hình J-20 mà họ mới công bố gần đây tiên tiến tới mức Bắc Kinh có thể "cười khẩy" trước chiếc Su-57 "kém cỏi" của Nga.

Vừa tán dương, vừa dìm hàng Su-57 Nga: Trung Quốc muốn gì? - Ảnh 2.

Tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Nếu đúng như vậy thì đó là một lời khẳng định rất đáng chú ý khi xét tới thực tế 3 chiếc J-20 bay trình diễn tại Triển lãm Hàng không Chu Hải tháng 11/2018 đều chạy bằng động cơ AL-31 của Nga, bởi các động cơ WS-15 của Trung Quốc là không đáng tin cậy.

Trung Quốc dường như vẫn coi Mỹ là nước có công nghệ vượt trội hơn so với Nga. "Nga có thể bị giới hạn bởi năng lực công nghiệp của họ và không thể cạnh tranh với máy bay Mỹ về một số tính năng cụ thể nào đó nhưng khái niệm thiết kế Su-57 của họ rất độc đáo", Wang nhận xét.

Tuy nhiên, bài báo lại được quyền xuất bản trên một trang web quân sự của Trung Quốc cũng đặt ra một câu hỏi hấp dẫn nữa: Liệu Trung Quốc có quan tâm đến việc mua Su-57, hay ít nhất là một số công nghệ nào đó trang bị cho dòng máy bay này, từ Nga?

Mặc dù không còn là đồng minh như những năm 1950, hoặc là kẻ thù của nhau như cuối thời Chiến tranh Lạnh nhưng Trung Quốc và Nga đang duy trì một mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn. Năm ngoái, Trung Quốc đã mua của Nga các máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Moscow đã quyết định không mua Su-57 với số lượng, có lẽ vì vấn đề chi phí và độ tin cậy của nó. Như vậy, biết đâu đấy, một thương vụ với Trung Quốc có thể giúp Moscow có thêm khoản tiền trang trải cho chi phí sản xuất và Bắc Kinh cũng có thêm cơ hội được chia sẻ bí mật công nghệ tàng hình?

Su-57 tiếp nhiên liệu trên không

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại