Vụ đốt xe vì nghi thôi miên: Tại sao xuất hiện những ngôi làng hoài nghi và sợ hãi?

Phạm Trung Tuyến |

Vụ đốt xe, giữ người ở xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, Hải Dương do nghi ngờ người lạ có hành vi mờ ám là một câu chuyện mang tính biểu tượng về cái ác được sinh ra bởi nỗi sợ hãi tăm tối.

Chỉ vì tiếng tri hô bất chợt của một người đàn bà yếu bóng vía, mà hàng trăm thôn dân đã có thể vội vàng đốt phá tài sản, bắt giữ, hành hung những vị khách đến làng.

Tiếng tri hô của người đàn bà ấy, giống như một kíp nổ, kích nổ quả bom nghi kị được tích luỹ từ những câu chuyện đáng sợ lan truyền trong dân gian, qua mạng xã hội từ lâu nay.

Vụ án đốt xe ở Hải Dương là một câu chuyện đáng sợ, bởi tính điển hình của tai hoạ ngẫu nhiên, bởi hình ảnh chiếc xe bị đốt cháy, bởi có sự cuồng nộ của con người, của lửa khói.

Vụ đốt xe vì nghi thôi miên: Tại sao xuất hiện những ngôi làng hoài nghi và sợ hãi? - Ảnh 1.

Chiếc xe bị đốt cháy rụi

Nhưng về bản chất, câu chuyện này không mới, không lạ, không đáng sợ hơn so với rất nhiều câu chuyện tương tự xảy ra ở các làng quê khác trong thời gian qua.

Cũng ở Hải Dương, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, chỉ cách nơi xảy ra vụ án đốt xe hôm 20/7 vừa qua chừng 10km, dân làng đã cùng nhau vũ trang, đầu tư phương tiện để chiến đấu với những kẻ trộm cát.

Câu chuyện ở Nam Sách và Thanh Hà có gì giống nhau? Về bản chất, đó đều là những thôn dân đồng tâm dùng bạo lực đám đông thay thế pháp luật để tự bảo vệ mình.

Vụ đốt xe vì nghi thôi miên: Tại sao xuất hiện những ngôi làng hoài nghi và sợ hãi? - Ảnh 2.

Điều duy nhất khác nhau giữa hai câu chuyện này là đến thời điểm hiện tại, người dân Nam Sách vẫn chưa tấn công nhầm, đánh oan cho ai.

Nếu như hai người đàn ông bị đốt xe ở Thanh Hà có nhân thân xấu, trong xe có hung khí, hoặc sau đó bị phát hiện là người xấu… câu chuyện đã được nhìn nhận theo chiều hướng hoàn toàn khác.

Những thôn dân ở Thanh Hà sẽ được ngợi ca về sự đoàn kết, cảnh giác, dũng cảm chống cái xấu, cái ác… giống như những người dân ở huyện bên, Nam Sách.

Trong một bối cảnh có nhiều sự việc trắng đen, sai đúng không rõ ràng, thông tin mù mờ thật giả, ngay cả báo chí, truyền thông chính thống cũng xuất hiện fakenews, thì ranh giới giữa sự cảnh giác, và hoài nghi, giữa tự vệ và bạo lực, giữa đúng, và sai… đều rất mong manh.

Những đám đông thôn dân ở mọi làng quê sẽ đều giống nhau, đều có nhu cầu kết nối cộng đồng để tự bảo vệ lợi ích khi niềm tin vào sự công chính đã bị tổn thương.

Họ sẽ làm những việc trái pháp luật như ở Đồng Tâm, Mỹ Đức khi cảm thấy mình có nguy cơ bị đe dọa sự "an toàn" của bản thân.

Họ sẽ sắm công cụ, đánh kẻng đuổi đánh cát tặc như ở Thái Tân, Nam Sách khi vườn tược, nhà cửa của mình bị sụt lở trong khi chính quyền địa phương không giải quyết được vấn đề.

Họ sẽ gọi nhau quây đánh bất cứ kẻ lạ mặt đáng ngờ nào xuất hiện trong làng, khi tài sản của họ bị trộm cắp, con cái họ có nguy cơ bị bắt cóc.

Những ngôi làng dữ dằn tăm tối không tự nhiên sinh ra mà được hình thành theo cùng một cơ chế với những Hổ Gia Trang, Chúc Gia Trang trong truyện Thuỷ Hử xưa.

 Đó là nỗi sợ bị bắt nạt bởi kẻ ác, kẻ xấu, và sự hoài nghi về khả năng được bảo vệ bởi các công cụ của luật pháp.

Cuối cùng, nỗi sợ hãi cái ác, cái xấu của những thôn dân Thanh Hà có thể sẽ không trở nên tăm tối như đã thể hiện trong đốt xe chiều 20/7, nếu như nó không bị thổi phồng bởi truyền thông, bởi mạng xã hội bằng những câu chuyện bịa đặt để câu views.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại