Việt Nam sắp bán trên 5 triệu tín chỉ carbon rừng

VTV Digital |

Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho tổ chức LEAF/Emergent 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng tại 11 tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026.

Việt Nam sắp bán trên 5 triệu tín chỉ carbon rừng

Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho tổ chức LEAF/Emergent 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng (tương ứng 5,15 triệu tấn CO₂) tại 11 tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026, với giá tối thiểu 10 USD/tấn. Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đây tiếp tục là thông tin tích cực trong việc thương mại hoá tín chỉ carbon rừng của Việt Nam. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện nộp hồ sơ đăng ký cấp tín chỉ theo tiêu chuẩn TREES. Đồng thời, khẩn trương tổ chức các phiên đàm phán kỹ thuật với Tổ chức Emergent

Ông Lê Văn Thanh - Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng văn kiện để báo cáo với các Bộ ngành và trình Thủ tướng Chính phủ để liên quan đến thương mại hoá nguồn tín chỉ carbon rừng đối với 11 tỉnh. Đó sẽ là tiềm năng rất lớn để có thể triển khai được trong thời gian tới. Liên quan đến việc hướng dẫn, đã có một thông tư Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành là thông tư đo đếm tính toán lượng carbon cho các địa phương, trên cơ sở đó, các địa phương sẽ chủ động việc đo đếm tính toán lượng hấp thụ phát thải khí nhà kính".

Cuối tháng 3, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán trên 51 triệu USD dựa trên kết quả giảm phát thải tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp của Ngân hàng thế giới. Như vậy, thương mại hoá carbon rừng tại Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực.

Việt Nam sắp bán trên 5 triệu tín chỉ carbon rừng- Ảnh 1.

Nước ta có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm

Doanh nghiệp trồng rừng để giảm dấu chân carbon

Dấu chân carbon được hiểu là tổng lượng khí thải nhà kính xuất phát từ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp đều có dấu chân carbon và việc hạn chế dấu chân carbon càng nhiều, quá trình sản xuất của doanh nghiệp đó lại càng xanh. Lựa chọn việc trồng rừng, để trung hoà, hấp thụ lượng khí thải nhà kính từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chính là xu hướng mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện.

Sau 5 tháng trở lại vùng bãi bồi rộng khoảng 25 ha, nơi mà doanh nghiệp và địa phương cùng phối hợp khoanh nuôi tái sinh rừng mắm ngập mặn. Những cây mắm đầu tiên đang được sinh trưởng khá tốt.

Anh Nguyễn Văn Sự - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chia sẻ: "Khu vực của Vinamilk có điều kiện cây sinh trưởng phát triển tốt nhất so với những khu vực khác. Như khu vực này mới thực hiện năm đầu tiên của giai đoạn chăn nuôi được 6 năm nhưng rất nhiều cây con đang phát triển tốt".

Theo tính toán của doanh nghiệp, Vinamilk hy vọng trong 6 năm nữa, những cánh rừng mắm là bể hấp thụ từ 17.000 - 20.000 tấn carbon, lượng hấp thụ CO2 này tương đương với lượng phát thải của gần 16.000 chiếc xe ô tô chở khách thải ra mỗi năm.

Ông Lê Hoàng Minh - Trưởng dự án Netzero Vinamilk cho biết thêm: "Chúng tôi đang nỗ lực hình thành những mảng xanh để giúp hấp thụ khí carbon. Việc bảo tồn và phát triển những khu rừng ngập mặn có vai trò quan trọng không thể thiếu, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu và trung hòa carbon".

Doanh nghiệp cũng đã khởi động dự án "Trồng cây hướng đến Net Zero" trong 5 năm tới để hình thành nên các cánh rừng Net Zero tại nhiều địa phương. Các dự án trồng rừng đã giúp doanh nghiệp đã có các nhà máy và trang trại đầu tiên đạt trung hòa carbon.

Tuy nhiên, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng tại Việt Nam, thay vì mua tín chỉ carbon từ nước ngoài, họ đang mong muốn công nhận kết quả giảm phát thải từ dự án trồng rừng của họ

Bà Đỗ Hoàng Anh - Giám đốc Pháp lý và Quan hệ Đối ngoại, Công ty BAT Việt Nam nhận định: "Quan tâm đến những điều kiện, quy định cho phép chúng tôi có thể công nhận kết quả giảm phát thải khí nhà kính từ dự án trồng rừng để bù đắp cho lượng carbon phát sinh từ các hoạt động kinh doanh và sản xuất tại Việt Nam. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo động lực cho chúng tôi cũng như các công ty đang có dự án trồng rừng sạch tiếp tục đầu tư hơn nữa vào những dự án bảo vệ, mở rộng diện tích trồng rừng Việt Nam.".

Cục Lâm nghiệp tính toán dựa trên tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon và diện tích rừng hiện nay nhận định, nước ta có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, ước thu về 200 triệu USD, tương đương gần 5.000 tỷ đồng với đơn giá 5 USD/tín chỉ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại