Việt Nam có đủ 3 điều kiện để vào top đầu lĩnh vực nuôi sống một nửa nhân loại

Minh Hằng |

Đây là nhận định của GS Gurdev Singh Khush, người được coi là “cha đẻ” của nhiều giống lúa trên thế giới, trong đó có nhiều giống ở Việt Nam.

Gạo là nguồn lương thực chính đối với hơn 3,5 tỷ người, tương đương với một nửa dân số thế giới. Gạo cung cấp khoảng 20% nguồn cung năng lượng trong bữa ăn toàn cầu. Trong nhiều năm qua, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ. Đây là "trái ngọt" của những người nghiên cứu thầm lặng như GS Võ Tòng Xuân, GS Gurdev Singh Khush, nhà khoa học tiên phong trong việc tạo ra các giống lúa.

GS Gurdev Singh Khush mới đây đến Việt Nam tham dự tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023 và có những chia sẻ về tương lai của lúa gạo.

PV: Được biết GS là một trong những người tiên phong trong việc tạo ra nhiều giống lúa kháng sâu bệnh. GS có thể chia sẻ về về một giống lúa mà giáo sư cảm thấy là gặp nhiều khó khăn nhất trong quá trình đi vào thực tiễn?

GS Gurdev Singh Khush: Một câu chuyện liên quan đến giống IR36 kháng rầy nâu. Trước đây, miền Nam Việt Nam cũng đã từng bị rầy nâu tàn phá rất ghê gớm. Sau đó, tôi có đưa ra một loại gene kháng bệnh rầy nâu và đưa vào giống IR36. Tôi có gửi tặng GS Võ Tòng Xuân một ít hạt giống và sau đó GS Võ Tòng Xuân cũng đã nhân giống đến nhiều tỉnh thành ở Việt Nam. Giống lúa mới này đã cứu được rất nhiều cánh đồng không bị bệnh rầy nâu, cứu nhiều quốc gia không bị rơi vào tình trạng thiếu lương thực.

Việt Nam có đủ 3 điều kiện để vào top đầu lĩnh vực nuôi sống một nửa nhân loại- Ảnh 1.

GS Gurdev Singh Khush hội ngộ với GS Võ Tòng Xuân tại tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023.

PV: Ngoài giống lúa IR36, hiện nay giáo sư có phát triển giống lúa nào không và trong tương lai, hướng phát triển của lúa gạo trên thế giới sẽ là như thế nào?

GS Gurdev Singh Khush: Sau IR36 tôi có phát triển một loại giống mới là IR64. Đây là giống lúa có cùng khả năng kháng bệnh giống như IR36 nhưng ngon miệng hơn. Sau đó, giống lúa này trở thành một trong những giống lúa được trồng phổ biến nhất ở trên thế giới.

PV: GS đã dành gần như cả đời để nghiên cứu về giống lúa gạo và có một thời gian dài làm việc ở Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI). Đâu là động lực thôi thúc GS gắn bó với việc nghiên cứu lúa gạo trong một thời gian dài như vậy?

GS Gurdev Singh Khush: Thực ra, tôi đã gắn bó với Viện nghiên cứu giống lúa quốc tế IRRI trong suốt 35 năm. Động lực thôi thúc tôi gắn bó với lĩnh vực này, đó là giải quyết các thách thức thực tế. Bởi vì những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, năng suất của các giống lúa rất thấp và có những dự báo rằng thậm chí có thể xảy ra nạn đói ở châu Á. Chính từ vấn đề đó, tôi cũng mong muốn "cứu thế giới", bằng cách đưa ra những giống lúa vừa kháng bệnh vừa có năng suất cao hơn gấp hai lần.

Chỉ trong vòng 20 năm, tất cả giống lúa mới được trồng rộng rãi ở toàn bộ khu vực châu Á. Ở đây, dòng IR có rất nhiều dòng khác nhau như IR36, IR64, IR72 và rất nhiều IR khác nữa cũng được các quốc gia châu Á trồng rộng rãi để nâng sản lượng và giải quyết vấn đề thiếu lương thực.

PV: Biến đổi khí hậu bây giờ cũng đang ảnh hưởng đến rất nhiều những khía cạnh, nuôi trồng cũng là nằm trong số đó. Việt Nam xuất phát từ lúa nước nông nghiệp, bây giờ vẫn đang dựa nhiều vào nông nghiệp. GS có lời khuyên gì cho Việt Nam trong việc nghiên cứu và phát triển giống lúa để ứng phó hay chuẩn bị trước kịch bản của biến đổi khí hậu?

GS Gurdev Singh Khush: Tôi nghĩ rằng lúa gạo là một lương thực quan trọng. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng cũng là một hoạt động phát thải rất kinh khủng. Do đó, chúng ta một mặt phải đảm bảo đủ lương thực, mặt khác phải đảm bảo giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp và trong sản xuất lúa gạo.

Chúng ta cần phải nghiên cứu ra những công nghệ mới, công nghệ trồng trọt mới, công nghệ phân bón mới, công nghệ sản xuất mới về lúa gạo sao cho vẫn tăng được năng suất nhưng mà không làm tăng phát thải và không làm nghiêm trọng hơn biến đổi khí hậu.

PV: GS vừa nói là đã có một thời gian rất dài làm việc ở IRRI và có thời gian làm việc chung với GS Võ Tòng Xuân. Trong thời gian đó, có phải GS đã bắt đầu góp ý và có những gợi ý cho việc phát triển lúa gạo ở Việt Nam, đặc biệt là việc xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam ra thế giới?

GS Gurdev Singh Khush: Chính xác là như vậy. Tôi bắt đầu đến Việt Nam từ năm 1969 và ở thời điểm đó, tôi đến khá thường xuyên để làm việc với các nhà khoa học về lúa gạo ở Việt Nam, đặc biệt là GS Võ Tòng Xuân và nhiều nhà khoa học khác nữa.

Trước 1975, tôi chỉ đến miền Nam thôi. Sau khi thống nhất đất nước, hòa bình lập lại, tôi cũng có đến nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc và làm việc với rất nhiều nhà khoa học khác. Có thể nói, tôi có rất nhiều mối quan hệ tốt đẹp với các người bạn là nhà khoa học Việt Nam.

Năng lực nghiên cứu lúa gạo của Việt Nam rất tốt

Việt Nam có đủ 3 điều kiện để vào top đầu lĩnh vực nuôi sống một nửa nhân loại- Ảnh 4.

GS Gurdev Singh Khush đánh giá cao năng lực nghiên cứu lúa gạo ở Việt Nam.

PV: Quá trình nghiên cứu lúa gạo ở Việt Nam trải qua rất nhiều năm và cũng rất có nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, nhiều giống gạo ngon của Việt Nam, đặc biệt như ST24, ST25 đã được công nhận là giống gạo ngon nhất trên thế giới. Vậy giáo sư có đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của Việt Nam trong tương lai?

GS Gurdev Singh Khush: Tôi nghĩ rằng năng lực nghiên cứu lúa gạo ở Việt Nam rất là tốt vì ba đặc điểm sau đây.

Thứ nhất, đội ngũ nhà khoa học được đào tạo bài bản về nhân giống, về trồng trọt. 

Thứ hai, ở Việt Nam cũng có hệ thống có thí nghiệm trọng điểm về nghiên cứu lúa gạo.

Thứ ba, Chính phủ Việt Nam là Chính phủ kiến tạo, khích lệ hoạt động này.

Như vậy Việt Nam có đủ cả ba điều kiện là nhà khoa học, cơ sở vật chất - phòng thí nghiệm và chính sách của nhà nước. Điều đó được phản ánh trong thực tế. Bởi, những năm 70, 80 của thế kỷ trước, Việt Nam chỉ là nước nhập khẩu lương thực, còn thiếu đói, nhưng đến bây giờ, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ.

Đây là sự ghi nhận công sức của các nhà khoa học của Việt Nam, các chính sách của chính phủ trong lĩnh vực này cũng như sự phát triển của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nhân giống lúa.

PV: Các nhà khoa học đã có những dự báo về tình hình phát triển của Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là trong thời gian tới. Khoảng 40 - 50 năm nữa diện tích đất liền của Việt Nam có thể bị thu hẹp. Theo giáo sư, điều này có ảnh hưởng đến việc phát triển lúa gạo ở Việt Nam hay không và cách để thích ứng của Việt Nam trong thời gian tới như thế nào?

GS Gurdev Singh Khush: Để làm chậm hoặc giảm tác động của biến đổi khí hậu thì có rất nhiều cách, chẳng hạn như một trong những phương thức chúng ta phát triển ra những giống lúa có sản lượng cao hơn, năng suất cao hơn.

Thứ nhất, khi sản lượng cao hơn, năng suất cao hơn thì mình không nhất thiết phải trồng một diện tích lớn mới đủ sản lượng cần thiết mà chỉ cần trồng ở diện tích nhỏ thôi.

Thứ hai, Việt Nam nên sử dụng những công nghệ hiện đại sao cho vẫn sản xuất được lúa gạo, nhưng giảm tác động về biến đổi khí hậu.

Đây là những cách giúp chúng ta có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo đủ lương thực cho các thế hệ tương lai trong 30, 40, 50 năm nữa.

PV: GS vừa có chia sẻ là ông đến Việt Nam từ năm 1969, tức là rất lâu rồi. Việt Nam đối với giáo sư giống như là một người bạn thân. Vậy quay trở lại Việt Nam lần này, cảm nhận của GS như thế nào, đặc biệt là khi giáo sư tham dự một giải thưởng khoa học do người Việt Nam sáng lập như VinFuture?

GS Gurdev Singh Khush: Tôi nghĩ rằng giải thưởng VinFuture rất quan trọng. Đó là sự khích lệ đối với các nhà khoa học, đặc biệt là với các nhà khoa học lớn tuổi như tôi và GS Võ Tòng Xuân chẳng hạn.

Những nhà khoa học đạt giải thưởng sẽ trở thành tấm gương, niềm cảm hứng cho giới trẻ tham gia nghiên cứu khoa học. Khi có thêm nhiều người trẻ tuổi tham gia vào nghiên cứu, nhân rộng những giống lúa mới, đó là một điều kiện tiên quyết để đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam trong tương lai.

Tôi nghĩ rằng giải thưởng VinFuture có ý nghĩa rất quan trọng. Giải thưởng giúp kết nối các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới tới Việt Nam. Khi các nhà khoa học đó trở về quốc gia của họ, họ sẽ lan tỏa thông điệp về giải thưởng, đồng thời sẽ kết nối các nhà khoa học ở nước của họ với các nhà khoa học Việt Nam.

Còn trong nước, cũng không cần nói nhiều, như các bạn biết đây là một diễn đàn kết nối các nhà khoa học, tạo ra một sân chơi để các nhà khoa học đến gặp gỡ, chia sẻ kiến thức và hợp tác với nhau.

Việt Nam có đủ 3 điều kiện để vào top đầu lĩnh vực nuôi sống một nửa nhân loại- Ảnh 6.

Đối với GS Gurdev Singh Khush, Việt Nam giống như "quê hương thứ hai" của ông.

Vùng lúa tiềm năng nhất của Việt Nam

PV: Theo GS đánh giá, vùng lúa nào ở Việt Nam có tiềm năng nhất và để lại ấn tượng nhất?

GS Gurdev Singh Khush: Khu vực miền Nam Việt Nam sẽ là vùng tiềm năng lớn nhất về lúa gạo. Hơn nữa tại miền Nam, khí hậu cho phép canh tác đến 2 - 3 vụ một năm, trong khi ở miền Bắc chỉ tối đa được 2 vụ lúa. Thực tế cũng chứng minh miền Nam là khu vực canh tác và xuất khẩu lúa gạo lớn nhất của đất nước. Các điều kiện về thời tiết, thổ nhưỡng, khí hậu cũng tốt hơn cho việc trồng lúa gạo. Do đó, cần tập trung vào vùng trọng điểm đó, với những chính sách phù hợp để khuyến khích canh tác lúa gạo ở Việt Nam.

PV: Vậy, thành công đối với một người làm khoa học lâu năm làvà lời khuyên của GS dành cho những bạn trẻ mà đang muốn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học?

GS Gurdev Singh Khush: Đối với một nhà khoa học, thành công có thể là vừa có thành tựu khoa học và vừa được ghi nhận. Nhưng một điều quan trọng nữa là việc đào tạo giới trẻ. Bởi vì tôi cũng từng hướng dẫn rất là nhiều học viên thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí là sau tiến sĩ nữa.

Theo tôi, điều quan trọng của một nhà khoa học là phải tham gia đào tạo giới trẻ cho tương lai. Rất nhiều học trò của tôi sau khi hoàn thành luận án, luận văn xong đã trở về đất nước của mình và tiếp tục đóng góp cho đất nước.

Lời khuyên của tôi là đối với giới trẻ là các bạn còn trẻ, các bạn còn rất nhiều thời gian và cơ hội. Do đó, các bạn hãy chăm chỉ, hãy làm việc một cách thông minh và hãy cống hiến hết mình cho khoa học. Mọi thứ sẽ đến với các bạn.

Xin cảm ơn GS?

Ảnh: MH/VFP

GS Gurdev Singh Khush đã đi tiên phong trong việc tạo ra các giống lúa với khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất cao, như IR8, IR36, IR64... Sự phát triển của các giống lúa sản lượng cao đã cách mạng hóa ngành trồng lúa lúa trên toàn thế giới, giúp tăng sản lượng đáng kể đồng thời giảm chi phí và giảm thiểu sự phụ thuộc vào các chất hóa học độc hại.

Không chỉ có thành công này, IR64 còn đóng vai trò là giống bố mẹ cho hàng ngàn giống lai trong nhiều thập kỉ cho tới ngày nay, điều minh chứng cho đóng góp to lớn của công trình này đối với an ninh lương thực toàn cầu.

VinFuture là giải thưởng thường niên nhằm vinh danh các nghiên cứu khoa học, phát minh và sáng chế đổi mới công nghệ trong tất cả các lĩnh vực khoa học công nghệ, nhằm đóng góp vào giải quyết các thách thức chung của nhân loại.

Sau 3 năm tổ chức, số lượng các đề cử tăng gấp 3 lần (từ 599 đề cử mùa đầu lên 1.389 mùa thứ ba, 2023) cho thấy uy tín và tầm vóc của Giải thưởng cũng như sự quan tâm của các nhà khoa học thế giới dành cho VinFuture.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại