Vì sao tên lửa mới của Trung Quốc khiến Mỹ "đứng ngồi không yên"?

QS |

Theo Business Insider, Trung Quốc hiện có một thế hệ mới các tên lửa chống tàu siêu thanh, tàng hình và Mỹ rõ ràng rất lo ngại về chúng.

Cựu Chuẩn Đô đốc Mỹ Eric McVadon mô tả những tên lửa này là vũ khí chiến lược "tương đương với vũ khí hạt nhân của Trung Quốc trong năm 1964". Và điều này không hề nói quá.

Chúng có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ và làm giảm mức độ hiệu quả của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ hoạt động tại Tây Thái Bình Dương.

Bằng cách triển khai những tên lửa này, Trung Quốc có thể thay đổi cán cân quân sự tại châu Á trong tương lai, kéo trọng tâm sức mạnh lệch khỏi phía Washington cùng đồng minh, và nghiêng về phía Trung Quốc.

Nếu Mỹ không thể duy trì vị thế độc quyền trong lĩnh vực phát triển các hệ thống tên lửa chính xác thì họ sẽ gặp trở ngại khi triển khai sức mạnh (ở mức độ hiện nay) tại tây Thái Bình Dương. Đồng thời, các lực lượng và căn cứ tiền phương của Mỹ trong khu vực sẽ ngày càng dễ bị tấn công.

Sự thay đổi như vậy hàm chứa mọi loại rủi ro. Các thế lực răn đe có thể mất đi lực lượng răn đe; những tính toán quân sự sai lầm có thể được đưa ra, dẫn đến một cuộc chiến tranh không chủ ý.

Rồi còn cả chạy đua vũ trang. Các loại vũ khí tấn công chính xác có thể sớm tràn ngập khắp khu vực - chẳng hạn, Nhật Bản gần đây đã bày tỏ mong muốn phát triển một loại tên lửa tấn công tầm xa, tương tự như mẫu tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.

Vì sao tên lửa mới của Trung Quốc khiến Mỹ đứng ngồi không yên? - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo DF-26, được mệnh danh là "sát thủ diệt Guam".

Những tên lửa mới của Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng năm 2015. Hai phiên bản chống tàu được trưng bày là tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21D (mệnh danh "sát thủ tàu sân bay") và tên lửa tầm xa, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân DF-26.

DF-26 là tên lửa đạn đạo mang đầu đạn thường đầu tiên của Trung Quốc có khả năng vươn tới đảo Guam của Mỹ, vì vậy nó còn được gọi là "sát thủ đảo Guam".

Nếu mang đầu đạn hạt nhân, DF-26 sẽ trở thành tên lửa hạt nhân chính xác tầm xa đầu tiên của Trung Quốc có khả năng tấn công các cơ sở quân sự quan trọng của Mỹ tại châu Á.

Những tên lửa như vậy vừa cho phép Trung Quốc triển khai sức mạnh ra xa hơn, vừa nâng cao khả năng răn đe chiến lược, mà không kéo theo những rủi ro chính trị khi triển khai lực lượng quy mô lớn, hoặc không tốn kém khoản chi phí khổng lồ cho các tàu sân bay.

Mất cân bằng

Cuộc chạy đua vũ trang đang nhen nhóm này tương đối khác với cuộc cạnh tranh vũ khí chính xác giữa Nga-Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ở đây, nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn bảo toàn được quyền lực của mình thì họ phải chứng minh khả năng bảo vệ những thứ được xem là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc.

Song, chỉ cần có đủ khả năng phô trương thứ sức mạnh quân sự này thôi cũng đã ăn nhập hoàn hảo với tham vọng của Trung Quốc là trở thành một cường quốc lớn.

Những tên lửa mới có thể đe dọa các tàu sân bay, áp đảo các hệ thống phòng thủ và đe dọa cơ sở chiến lược của Mỹ ở châu Á.

Chúng còn góp phần củng cố "bộ công cụ" quân sự đáng phải dè chừng mà Trung Quốc đang có, được phát triển để giải quyết những lợi ích mà Bắc Kinh chưa đạt được tại eo biển Đài Loan, cũng như tại các đảo mà Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp tại Biển Đông.

Ngay cả khi chưa được chứng thực thì sức nặng mang tính biểu tượng của những tên lửa này cũng thật sự "khổng lồ".

Vì sao tên lửa mới của Trung Quốc khiến Mỹ đứng ngồi không yên? - Ảnh 2.

Các tên lửa mới của Trung Quốc có thể đe dọa tàu sân bay Mỹ ở châu Á (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng ở đây. Chẳng hạn, Trung Quốc sẽ sử dụng những tên lửa này trong các cuộc tấn công phủ đầu như thế nào? Chúng sẽ được triển khai theo các đợt tấn công riêng lẻ, hay đồng loạt? Những tên lửa này có đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ ngày càng hung hăng hơn trước các cuộc xung đột tương lai trong khu vực?

Trong khi đó, Mỹ đang chuẩn bị thách thức các loại vũ khí chính xác của Trung Quốc bằng cách đầu tư vào các hệ thống quân sự mới. Nếu Trung Quốc biết hoặc tin rằng Mỹ có thể phá hủy các tên lửa của họ trước khi chúng được bắn đi thì họ có thể sẽ hạ thấp ngưỡng sử dụng chúng trong các cuộc xung đột tương lai.

Ngoài ra, còn cần tới một cơ cấu kiểm soát vũ khí rộng khắp trong khu vực, tương tự như INF hoặc START - 2 hiệp ước kiềm chế cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ - Liên Xô.

Nếu không có cơ chế tương tự thì cuộc chiến tên lửa sẽ được đẩy nhanh hơn. Sự hiện diện lâu bền và sự tín nhiệm của Mỹ tại tây Thái Bình Dương trong tương lai, cũng như an ninh của khu vực này, sẽ bị đe dọa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại