Vì sao Nga liên tiếp cắt giảm chi tiêu quân sự?

Hoàng Vũ |

Trong bối cảnh chi tiêu quân sự toàn cầu liên tục gia tăng, xu hướng ngược lại của Nga không khỏi thu hút sự chú ý.

Nguyên tắc "cần và đủ"

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong năm 2018, chi tiêu quân sự toàn cầu tăng 2,6% lên 1.800 tỷ USD. Đây là năm thứ hai liên tiếp chi tiêu quân sự toàn cầu tăng, đạt mức cao nhất kể từ năm 1988. 

Trong khi đó, kể từ năm 2016, chi tiêu quân sự của Nga có chiều hướng giảm và trong năm 2018, lần đầu tiên kể từ năm 2006, Nga không còn nằm trong nhóm 5 quốc gia đứng đầu thế giới về chi tiêu quân sự, xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Saudi Arabia, Ấn Độ và Pháp.

Trong khi có ý kiến cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây áp đặt với Nga kể từ năm 2014 liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến chi tiêu quân sự của Moscow, trang mạng Russia Beyond lại có một cách nhìn khác. 

Trong một bài viết, trang mạng Russia Beyond cho biết, "cần và đủ" là nguyên tắc chính của các chương trình vũ khí và quân sự của Nga kể từ năm 2014 khi giá dầu thế giới giảm mạnh và đồng nội tệ rớt giá. Bối cảnh này khiến giới lãnh đạo Nga quyết định không chi tiền cho các hệ thống vũ khí lạc hậu, bị hao mòn. 

Kết quả là các hệ thống vũ khí này bị loại biên. "Khoản tiền dư ra được quyết định đầu tư vào các loại vũ khí thế hệ mới giúp Nga có lợi thế trước các quốc gia khác. Hiện nay, một nửa ngân sách hằng năm của Bộ Quốc phòng Nga được chi cho việc mua sắm và chế tạo các loại vũ khí thế hệ mới. 

Mảng tốn kém nhất của chương trình hiện đại hóa là việc mua sắm các chiến đấu cơ và chế tạo tên lửa siêu thanh đầu tiên cho quân đội Nga", trang mạng Russia Beyond cho biết.

Máy bay tiêm kích MiG-31 mang tên lửa Kinzhal của quân đội Nga. Ảnh: Sputnik.

Theo trang mạng Russia Beyond, vũ khí chính của quân đội Nga trong thập niên sắp tới phải là tên lửa siêu thanh. Một trong số đó là tên lửa Kinzhal sẽ được trang bị cho các máy bay tiêm kích phản lực MiG-31. Kinzhal sẽ cho phép các chiến đấu cơ của Nga tấn công các mục tiêu đối phương từ khoảng cách lên tới hơn 2.000km. 

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 Su-57. "Đây là đối thủ của các chiến đấu cơ Raptor và Lightning II do Mỹ sản xuất, cả trên bầu trời lẫn trên thị trường vũ khí. Su-57 giúp không quân Nga có năng lực cơ động và tác chiến vô địch. 

12 chiếc Su-57 đầu tiên được bàn giao cho quân đội Nga vào năm 2018. Không quân Nga dự kiến sẽ được trang bị thêm 76 chiếc Su-57 nữa trong những năm tới", trang mạng Russia Beyond khẳng định.

Kinzhal và máy bay tiêm kích Su-57 chỉ là hai trong nhiều dự án hiện đại hóa vũ khí lớn khác của quân đội Nga. Trang mạng Russia Beyond cho biết, quân đội Nga hiện còn có cả những dự án hiện đại hóa vũ khí nhỏ hơn dành cho các lực lượng lục quân, không quân và hải quân.

Vượt qua "đỉnh cao của hiện đại hóa"

Nhận định của trang mạng Russia Beyond dường như được chứng thực qua phát biểu mới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sputnik cho biết, trong một phiên họp chính phủ, Tổng thống Vladimir Putin lý giải việc cắt giảm chi tiêu quân sự là do Nga đã vượt qua "đỉnh cao của hiện đại hóa". 

Điều đó cho phép chính phủ chi ít hơn cho lĩnh vực quân sự nhưng vẫn bảo đảm được năng lực phòng thủ không hề thay đổi.

 "Việc cắt giảm chi tiêu quân sự không có nghĩa là buông xuôi lĩnh vực này mà bởi thực tế là chúng ta đã có được những sáng kiến chính liên quan tới nhu cầu bảo đảm an ninh quốc gia cũng như đổi mới trang thiết bị và khí tài quân sự", Sputnik dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin. 

Ông chủ Điện Kremlin cũng lưu ý rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Nga cần tiếp tục nỗ lực để sản xuất các thiết bị công nghệ cao có sức cạnh tranh và không còn phải sản xuất các sản phẩm dân dụng công nghệ thấp như trong những năm 90 của thế kỷ trước.

Theo Sputnik, cách đây không lâu, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã tuyên bố Nga sẽ không để bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang nào khác với Mỹ như chuyện đã từng xảy ra thời Chiến tranh Lạnh. 

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh bất chấp chi tiêu quân sự có giảm, song Moscow vẫn sở hữu "tiềm lực quân sự vô địch" nhờ "nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên"."Một cuộc chạy đua vũ trang là điều tồi tệ và sẽ không có lợi cho thế giới. Chúng tôi sẽ không bị lôi kéo vào các trò chơi chi tiêu ngân sách đắt đỏ", Tổng thống Vladimir Putin khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại