Vì sao Mỹ và Ả rập Xê út thay đổi quan điểm đối với cuộc xung đột Syria?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Đây có thể là sự thay đổi lớn mang tính bước ngoặt trong quan điểm của Washington và Riyadh, hai người chơi quan trọng trên bàn cờ Syria cũng như toàn bộ khu vực Trung Đông.

Tổng thống Assad sẽ ở lại

Tình hình Syria đang có những chuyển biến mới bất ngờ.

Ngày 29/3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ sớm rút quân Mỹ khỏi Syria do tổ chức Nhà nước tự xưng (IS) đã bị đánh bại, đồng thời quyết định đình chỉ hơn 200 triệu USD dành cho quỹ tái thiết Syria do cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson cam kết hồi tháng 2/2018.

Ông Trump còn than vãn về việc Mỹ đã lãng phí 7.000 tỷ USD trong các cuộc chiến ở Trung Đông mà không đạt được gì.

Trước đó, báo Washington Post tiết lộ tháng 12 năm ngoái Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Quốc vương Ả rập Xê út Salman Bin Abdulaziz chi cho Mỹ 4 tỷ USD để Mỹ chấm dứt nghĩa vụ của mình tại Syria. Báo này cũng cho biết đây là thỏa thuận mới giữa Mỹ và Ả rập Xê út về việc rút quân Mỹ và giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn 7 năm qua tại Syria.

Vì sao Mỹ và Ả rập Xê út thay đổi quan điểm đối với cuộc xung đột Syria? - Ảnh 1.

Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Ảnh: Reuters

Ngay sau đó, trong chuyến thăm Mỹ gặp Tổng thống Trump và các quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ, Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed Bin Salman khẳng định Tổng thống Bashar Al-Assad sẽ ở lại chính quyền. Một số tin tức lọt ra ngoài cho biết, mới đây còn có các cuộc tiếp xúc bí mật giữa Ả rập Xê út và Syria bàn các bước nhằm giải quyết nhanh chóng vấn đề Syria.

Chưa thể đánh giá hết được ý đồ của các bên, nhưng có thể nói đây là sự thay đổi lớn mang tính chất bước ngoặt trong quan điểm của Washington và Riyadh, hai người chơi quan trọng trên bàn cờ Syria cũng như toàn bộ khu vực Trung Đông.

Cách đây khoảng một năm, ban lãnh đạo Ả rập Xê-út đã hiểu được rằng không thể lật đổ Tổng thống Al-Assad.

Tại cuộc họp với đoàn đại biểu của Ủy ban đàm phán tối cao (HNC) đại diện cho các tổ chức đối lập Syria, Bộ trưởng Ngoại giao Ả rập Xê-út Adel Al-Jubeir đã nói rằng phe đối lập phải chuẩn bị các điều kiện để "thích nghi" với khả năng ông Assad ở lại cầm quyền và tìm kiếm các ý tưởng mới phù hợp với sự chuyển đổi này.

Chuyển biến trên chiến trường

Trên chiến trường, mặc dù còn nhiều phức tạp, nhưng Mỹ đã nhận ra rằng cuộc chiến đang được giải quyết có lợi cho chính quyền của Tổng thống Al-Assad và hai đồng minh Nga, Iran.

Việc Mỹ và phương Tây, mặc dù tuyên bố rất mạnh mẽ, đe dọa sẽ tấn công Syria, nhưng không có bất cứ hành động nào trên thực tế chống lại chiến dịch quân sự của quân chính phủ Syria được Nga và Iran yểm trợ tại Đông Ghouta, cho thấy khó có thể đảo ngược được tình hình.

Washington chỉ tập trung củng cố sự có mặt quân sự của mình ở các khu vực miền Bắc của người Kurd nhằm xây dựng họ thành đồng minh chiến lược của mình tại Syria và một số khu vực miền Nam dọc theo biên giới Jordan và Iraq, trong đó có căn cứ Tanf, nhằm ngăn chặn sự liên kết giữa các lực lượng Syria, Iran và Hezbollah.

Vì sao Mỹ và Ả rập Xê út thay đổi quan điểm đối với cuộc xung đột Syria? - Ảnh 2.

Quân Mỹ hiện diện tại căn cứ Tanf. Ảnh: AP

Những cố gắng này của Mỹ cũng không thành công do phải đối đầu với chiến dịch quân sự "Nhành Ô liu" của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc và các lực lượng vũ trang của Iran và Hezbollah ở miền Nam.

Tại Đông Ghouta, các lực lượng thuộc phe đối lập đã phải bỏ trận địa rút lui, thực chất là đầu hàng trước cuộc tấn công của quân đội Syria, các lực lượng vũ trang Nga và Iran.

Với những thay đổi gần đây trên mặt trận Đông Ghouta và trước đó ở Deir Ezzour và Idlib, Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ không còn tin vào khả năng của phe đối lập Syria có thể lật được chế độ của Tổng thống Al-Assad, cũng như lay chuyển được ảnh hưởng của Nga ở Syria.

Các nhà quan sát cho rằng, thắng lợi trong trận chiến Đông Ghouta sẽ mở đường cho quân chính phủ Syria, Nga và Iran tiến về các khu vực phía Đông sông Euphrate, nơi có các căn cứ quân sự của Mỹ.

Một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp tại đây nếu xảy ra sẽ hết sức phức tạp và Mỹ sẽ phải trả giá cao. Chính cựu Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford đã phát biểu cho rằng sự có mặt của Mỹ về quân sự ở Đông Euphrate là "không có ích".

Tại Iraq, sau khi lật được chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein năm 2003, các lực lượng dân quân Shia đã nổi lên tấn công quân Mỹ và chính quyền Barack Obama năm 2011 đã buộc phải rút hầu hết quân Mỹ về nước. Ông Trump muốn tránh kịch bản này lặp lại tại Syria.

Mỹ cũng lo ngại về khả năng đụng độ với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chiếm được Afrin và đang di chuyển theo hướng Manbij do Mỹ và các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) và các lực lượng dân chủ Syria (SDF) của người Kurd kiểm soát.

Ưu tiên hàng đầu

Chuyên gia trong việc hoạch định các vấn đề tình báo Jennifer Cafarella thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh, chiến lược của Mỹ ở Syria mới đây đã viết trên tờ Fox News: "Đã đến lúc Trump phải đối mặt với sự thật tại Syria, chính quyền Mỹ phải thay đổi một số quan điểm, trong đó có việc chấp nhận chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad trên thực tế".

Bà Jennifer Cafarella cho rằng, các lực lượng YPG và SDF của Syria được Mỹ ủng hộ chỉ kiểm soát được một vài khu vực ở miền Bắc cách xa các khu vực rộng lớn khác do Damascus kiểm soát. YPG và SDF rất khó nếu không muốn nói là không thể chiến đấu lật đổ Tổng thống Al-Assad, người được quân Nga và Iran bảo vệ.

Bà nói rõ rằng, Mỹ cần phải đối mặt với một thực tế và thừa nhận rằng khả năng quân sự của YPG và SDF là hết sức hạn chế. Theo bà, chiến lược của Mỹ nên tập trung vào những cố gắng chống IS và Al-Qaeda, thực hiện tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc trên cơ sở nghị quyết 2254 và giảm ảnh hưởng của Iran tại Syria.

Tôi cho rằng ưu tiên hàng đầu của Riyadh và Washington hiện nay không phải là tìm cách lật đổ chính quyền của Tổng thống Al-Assad mà là ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Iran.

Vì sao Mỹ và Ả rập Xê út thay đổi quan điểm đối với cuộc xung đột Syria? - Ảnh 4.

Ả rập Xê út và Mỹ cho rằng nguy cơ chính đối với khu vực không phải xuất phát từ Damascus mà là từ Tehran. Thất bại trong kế hoạch lật đổ ông Al-Assad và tập trung ngăn chặn ảnh hưởng của Iran là nguyên nhân chính của việc Ả rập Xê út và Mỹ thay đổi chính sách đối với cuộc xung đột Syria.

Việc ông Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria và Thái tử Bin Salman khẳng định Tổng thống Al-Assad sẽ ở lại chính quyền là một tín hiệu tích cực mở ra triển vọng giải quyết vấn đề Syria bằng các biện pháp hoà bình. Tuy nhiên, đến nay nhiều tuyên bố của ông Trump đã không được thực hiện.

Hơn nữa, việc rút quân khỏi Syria là một vấn đề lớn liên quan tới chiến lược của Mỹ tại Trung Đông. Tổng thống Trump không thể quyết định được mà phải có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.

Trong các vấn đề Trung Đông nói chung và Syria nói riêng quan điểm của Quốc hội rất khác với quan điểm của Tổng thống Trump. Vì vậy, vẫn phải chờ xem khi nào thì các tuyên bố này trở thành hiện thực.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại