Vật thể được cho là tên lửa của Trung Quốc mới va chạm với Mặt Trăng, để lại hố rộng 20 mét

Kim |

Đây có thể là một phần tên lửa phụng sự sứ mệnh Chang'e 5-T1 được thực hiện nhiều năm về trước.

Hình minh họa cú va chạm.

Hình minh họa cú va chạm.

Một vật thể chưa xác định mới đâm xuống bề mặt Mặt Trăng, để lại một hố va chạm với đường kính có thể lên tới 20 mét. Khả năng cao, vật thể là phần còn lại của tên lửa Trung Quốc, rơi xuống Mặt Trăng do ảnh hưởng của lực hấp dẫn, nhiều năm sau khi rong ruổi vô định trong không gian.

Theo dự tính của cơ quan hàng không vũ trụ Trung Quốc, tên lửa sẽ không va chạm với vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. Không lâu trước thời điểm va chạm, các cơ quan theo dõi cũng đã nhầm danh tính vật thể với tên lửa từ một công ty hàng không vũ trụ khác.

Tuy nhiên, nhiều cơ quan theo dõi, cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đều đã có nhận định mới liên quan tới vụ việc.

Trước đây, người ta cho rằng vật thể là tên lửa Falcon 9 của SpaceX, vốn nhận nhiệm vụ đưa vệ tinh thời tiết lên quỹ đạo hồi năm 2015. Sau khi phân tích kỹ đường bay cũng như kích thước vật thể, nhiều nhóm theo dõi nhận định đây có thể là phần còn lại của sứ mệnh Chang’e 5-T1 do Trung Quốc thực hiện năm 2015, nhằm thử nghiệm công nghệ lấy mẫu đất Mặt Trăng.

Người phát ngôn Wang Wenbin đại diện cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định tên lửa của Trung Quốc phục vụ sứ mệnh này đã rơi xuống Trái Đất một cách an toàn. Tuy nhiên, ông Wang Wenbin có vẻ đã nhầm lẫn khi nhắc tới sứ mệnh Chang’e-5 trong phát ngôn của mình, khi vật thể mới rơi xuống Mặt Trăng thuộc sứ mệnh Chang’e 5-T1, chuyến bay thử nghiệm được thực hiện hơn nửa thập kỷ trước.

Vật thể được cho là tên lửa của Trung Quốc mới va chạm với Mặt Trăng, để lại hố rộng 20 mét - Ảnh 1.

Vị trí được cho là nơi diễn ra vụ va chạm.

Trong khi cơ quan Space Force của Mỹ, vốn chịu trách nhiệm theo dõi rác thải không gian bay quanh Trái Đất, không xác nhận được nguồn gốc vật thể mới rơi xuống Mặt Trăng, các nhà thiên văn học lại có nhận định khác. Người đầu tiên dự đoán tên lửa thuộc sứ mệnh Chang’e 5-T1 là nhà thiên văn học Bill Gray, người đã theo dõi đường bay của vật thể suốt nhiều tháng qua.

Vụ va chạm không để lại nhiều hậu quả, nhất là khi con người nhiều lần “đánh rơi” vật thể nhân tạo xuống bề mặt Mặt Trăng.

Quanh “nhà chị Hằng”, ta có thể tìm thấy mảnh vụn tên lửa của các sứ mệnh Apollo, một thiết bị có tên LCROSS do NASA phóng xuống nhằm bắn tung đất đá Mặt Trăng lên không (để một thiết bị khác thu thập), rải rác đó đây còn có nhiều những tàu thăm dò mặt đất khác. Tuy nhiên, vật thể được cho là tên lửa của Trung Quốc là lần hiếm hoi bề mặt Mặt Trăng nhận một vết sẹo ngoài dự kiến.

Vật thể được cho là tên lửa của Trung Quốc mới va chạm với Mặt Trăng, để lại hố rộng 20 mét - Ảnh 3.

Lại một vết sẹo nữa trên bề mặt vốn đã gồ ghề.

Sự việc đã rồi, vô hình trung tạo ra một cơ hội tốt để khoa học nghiên cứu. NASA sẽ theo dõi sát sao khu vực va chạm để đánh giá ảnh hưởng của vật thể nhân tạo lên bề mặt Mặt Trăng. Theo nhận định của nhà thiên văn học Bill Gray, vật thể có thể rơi gần hố thiên thạch có tên Hertzprung nằm ở phía xa của Mặt Trăng.

Bên cạnh việc chụp lại vị trí va chạm, NASA còn dự định tìm hiểu xem số đất đá văng lên bao gồm những gì, và liệu có phát hiện mới nào sẽ xuất hiện sau vụ va chạm ngoài dự kiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại