Ngất ngây trước nhan sắc thời trẻ Thẩm Thúy Hằng

Lưu Ly |

(Soha.vn) - Thẩm Thúy Hằng nổi danh là người đàn bà đẹp nhất của Sài Gòn những năm 60. Chính vẻ đẹp của cô đã khiến không ít chàng trai mê mệt, ngẩn ngơ thời bấy giờ.

Tên thật của Thẩm Thúy Hằng là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1941 tại Hải Phòng, và lớn lên tại An Giang.

Vào lứa tuổi 16 hồn nhiên mơ mộng, như bao cô gái, Nguyễn Kim Phụng cũng có những ước mơ, nhiều khát khao, đam mê cháy bỏng. Cô mong muốn khám phá những mới mẻ trong cuộc sống và được đi đến nhiều nơi trên thế giới.

Chân dung Thẩm Thúy Hằng

Hoa hồng trải thảm lối đi

Vào một ngày tình cờ gần như là định mệnh, Phụng vô tình nhận được từ tay cô bạn thân một trang báo có đăng quảng cáo cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân, điều hấp dẫn với cô không phải là được trở thành một ngôi sao danh tiếng, mà là do trong thể lệ cuộc thi, người đoạt giải sẽ được sang Hồng Kông theo học lớp đào tạo diễn xuất. Mà Phụng thì rất ham thích được đi nước ngoài để mở mang tầm mắt.

Thẩm Thúy Hằng thời trẻ

Giấu Cha, Mẹ, Phụng đã cùng cô bạn thân ghi tên dự thi. Phụng lén giấu chiếc áo dài của chị vào trong cặp bước đến nơi thi tuyển. Giữa muôn ngàn đóa hoa hương sắc, những gương mặt sáng ngời nổi bật của những Kim Vui, Mộng Tuyết, Thu Trang, Trang Thiên Kim, Kiều Chinh… đã làm cho Phụng chùn bước, phân vân. Chính bà Mỹ Vân đã tinh ý khi phát hiện Phụng, bà đã đến động viên khuyến khích cô mạnh dạn bước vào vòng thi.

Và việc gì đến cũng đến, cô nữ sinh Nguyễn Kim Phụng đã vượt qua hơn 2000 thí sinh, bước lên đài vinh quang bằng giải nhất của cuộc tuyển chọn.

Nhan sắc của Thẩm Thúy Hằng khiến bao chàng trai phải ngẩn ngơ...

Thẩm Thúy Hằng với nhan sắc trời cho đã làm cho khán giả mọi tầng lớp yêu thích, tạo nên sức hút không thể tưởng tượng và kéo khán giả đến rạp. Thành công nối tiếp thành công, Thẩm Thúy Hằng là đại diện của biểu tượng sắc đẹp miền Nam.

Hình ảnh của nàng Chức nữ liễu yếu đào tơ vừa hát vừa bay về trời trong nhạc cảnh Chức nữ về trời của nhạc sĩ Phạm Duy soạn cho bộ phim Ngưu Lang Chức Nữ do hãng Mỹ Vân sản xuất, NSND Năm Châu làm đạo diễn, đến nay vẫn còn in đậm những ký ức đẹp trong lòng khán giả lớn tuổi.

Thẩm Thúy Hằng trong vai Tam Nương

Rồi những hợp đồng đóng phim thi nhau mời gọi, nhan sắc và tài năng của Thẩm Thúy Hằng ngày càng đi lên đỉnh cao của nghệ thuật, nhanh chóng đưa tên tuổi của Hằng trở thành ngôi sao số một. Những phim mà chị tham gia thời đó là: Trà Hoa Nữ, Tấm Cám, Sự Tích Trầu Cau, Bạch Viên Tôn Cát, Sài Gòn Vô Chiến Sự, Nửa Hồn Thương Đau, Đôi Mắt Huyền, Oan Ôi Ông Địa, Tơ Tình, Nàng, Bóng Người Đi, Ngậm Ngùi, Mười Năm Giông Tố, Sóng Tình, Xin Đừng Bỏ Em…

Thẩm Thúy Hằng năm 1975

Năm 1982, bà được phong tặng “Nữ diễn viên khả ái nhất” tại Đại hội điện ảnh Moscow và Tashkent (Liên Xô), vượt qua nhiều nữ diễn viên xinh đẹp đến từ Đông Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ.

Bức ảnh chân dung màu hiếm thấy của Thẩm Thúy Hằng.

Cuộc sống bình yên

Năm 1959, theo sự sắp xếp của mẹ và các anh, cô kết hôn với một người đàn ông lớn hơn mình 2 tuổi. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân tan vỡ sau 5 năm, dù 2 người đã có chung 1 đứa con (sinh năm 1961).

Gần 10 năm sau, cô gặp ông Tony Nguyễn Xuân Oánh, một Tiến sĩ Kinh tế lớn hơn bà 20 tuổi, từng làm Thống đốc Ngân hàng rồi Phó Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế Đại học Harvard năm 1954.

Lần đầu tiên gặp Thúy Hằng, Xuân Oánh đã bị vẻ đẹp của cô làm mụ mị. Sau một thời gian dài lấy lòng người đẹp, ông mới chinh phục được người đàn bà tài sắc vẹn toàn này. Chính ông là người giúp đỡ cô lập ra hãng phim Thẩm Thúy Hằng. Năm 1970, bị khuất phục trước tài năng và quyền lực của Nguyễn Xuân Oánh, Thúy Hằng chính thức lên xe hoa lần thứ 2.

Thẩm Thúy Hằng cùng chông- tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh

Hiện nay chị không còn tham gia hoạt động nghệ thuật nữa, một phần do sức khoẻ, một phần do chị muốn khán giả luôn giữ cho mình những kỷ niệm đẹp về một Thẩm Thúy Hằng của quá khứ… Chị có một đam mê khi tuổi tác đã cao là nghiên cứu về Thiền, hằng ngày chị dành nhiều thời gian cho việc ngồi thiền, ăn chay trường…

TTH người có mang dây đeo ở cổ, đứng kế Trần Quang

Sau khi sang nhượng lại ngôi nhà thân thương trên đường Cách Mạng Tháng Tám, nơi đã gắn bó với mình suốt một quãng thời gian dài, chị cùng gia đình dọn nhà đi nơi khác. Chồng của chị, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh đã mất ngày 29/08/2003 do mắc bệnh tim mạch (thọ 82 tuổi).

Thẩm Thúy Hằng và các con.

 Chị sống giản dị, bình yên cùng con cái trong ngôi nhà yên tĩnh ở khu vực Bình Quới - TP.HCM. Ngoài ra, chị thường xuyên tham gia công tác từ thiện để cố gắng trong khả năng của mình đem lại phần nào no ấm hạnh phúc cho những người kém may mắn trong xã hội.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại