Bất ngờ với tiền lương Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam

Vân Anh |

(Soha.vn) - NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát chèo VN tiết lộ nhân viên của Nhà hát ít nhất sẽ có tháng lương thứ 13 làm thưởng Tết.

- Thưa chị, nhà hát chèo Việt Nam năm nay đã tổng kết chưa?

Công việc mọi thứ thì đã xong xuôi hết rồi nhưng 24 mới tổ chức tổng kết cho anh em được, vì cuối năm bận bịu nhiều việc quá.

- Thưởng Tết cuối năm nay cho anh em nghệ sĩ - diễn viên của Nhà hát có cao không?

Làm cả năm thì anh em cũng mong chờ vào khoản thưởng Tết. Tuy nhiên, không giống như những đơn vị khác hay 'no dồn đói góp', thưởng một cục to vào cuối năm, từ mấy năm nay Nhà hát chúng tôi làm được đến đâu quan tâm luôn đến đời sống anh em đến đó. Nhu cầu cuộc sống nó là hằng ngày chứ chẳng riêng gì mấy ngày Tết.

Ít nhất là sẽ có tháng lương thứ 13 làm thưởng Tết cho anh em, còn nhiều hơn được thì càng tốt. Quả thật trong giai đoạn kinh tế này Nhà hát đang gặp nhiều khó khăn.

Ngày trước đi diễn lễ hội ở các làng xã họ trả 3-4 chục triệu một buổi là chuyện bình thường, nhưng giờ cát-xê thấp đi nhiều rồi. Mình đành liệu cơm gắp mắm vậy. Song thế nào cũng vẫn sẽ có một chút gọi là lộ phí cho những anh em nhà xa đi đường, rồi còn mua quà Tết mang về quê hương nữa ...

- Thu nhập của anh em nghệ sĩ trong Nhà hát năm qua có tốt không, thưa chị?

Trước tiên Nhà hát vẫn đang được Nhà nước bao cấp, mà Bộ cũng quan tâm lắm. Như vậy cũng đã là có một chỗ dựa vững chắc và ổn định. Bây giờ lương cán bộ của Nhà hát lương thấp nhất là 2 triệu, rồi thêm một số khoản tiền chế độ, tiền phụ cấp, tiền tập diễn...

Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức buổi diễn để anh em kiếm thêm. Như năm ngoái có 170 đêm diễn chia đều cho 2 đoàn, vậy là 1 năm mỗi người có hơn 80 đêm diễn, thêm 80 cái thu nhập nữa.

Nói thì nói vậy thôi chứ cũng phải thấy đời sống của anh em làm truyền thống dân gian không thể như các loại hình khác được. Bây giờ mỗi buổi đi tập được có 15 nghìn/buổi, chẳng đủ tiền xăng xe. Cơ sở vật chất mặc dù cũng có đầu tư nhưng vẫn còn nghèo nàn lắm, không có chỗ ăn ở cho mọi người thành ra nhiều anh em phải đi làm xa. 

Tuy nhiên, tôi cũng phải động viên anh em rằng thời gian này như vậy, nhưng chắc rằng trong vài năm nữa sẽ thay đổi gì, cái gì cũng phải dần dần. 160 con người trong Nhà hát bao gồm cả tôi sẽ cùng chung số phận. Thế nên trước tiên là phải làm việc đã, còn muốn có nhiều thu nhập hơn thì phải nỗ lực. Mà nỗ lực cho nghệ thuật hay cho bất kể một cái gì cũng sẽ thu lại được kết quả. 

Thi thoảng cũng có nghệ sĩ trong Nhà hát than phiền với tôi rằng lương thấp. Lúc đó thông cảm và chia sẻ lắm nhưng tôi cũng phải 'đe' rằng: "Các anh các chị và ngay cả tôi được Nhà nước bao cấp như thế này cũng là 1 điều rất may rồi. Với lại, các anh chị đã làm hết cái đồng lương Nhà nước trả chưa?" và cũng khẳng định ai nỗ lực, đầu tư công sức tâm huyết dứt khoát sẽ được có thu nhập nhiều hơn.

- Đảm nhiệm cương vị 'cánh chim đầu đàn' của Nhà hát vào lúc sân khấu chèo không còn thịnh như xưa nữa, hẳn là chị đã gặp rất nhiều khó khăn?

Theo quan niệm của tôi thì chèo không thịnh so với nó của giai đoạn trước thôi, còn dù sao chăng nữa nghệ thuật chèo vẫn là thịnh. Hiện nay, mọi người vẫn quan tâm đến chèo chứ chưa phải đặt nó vào trong cái nguy cơ này, nguy cơ khác.

Thêm nữa, Nhà nước cũng đã nhìn nhận, chú trọng, đầu tư tới việc lưu giữ và phát triển. Trước kia chỉ có 1 số Nhà hát thôi nhưng bây giờ thì rất nhiều đoàn chèo đã được nâng cấp lên thành Nhà hát. 

Tuy nhiên đúng là vẫn còn nhiều điều phải trăn trở lắm. Mà cái trăn trở này không chỉ của riêng Nhà hát chèo Trung ương, mà của cả 18 đoàn nghệ thuật, cả Nhà hát và các đoàn chèo ở khắp mọi nơi. Đó là cùng tìm ra được một cái hướng đúng đắn để gìn giữ và phát triển chèo.

Mỗi lãnh đạo của các đoàn nghệ thuật chèo đều có một hướng đi riêng, nhưng tôi nghĩ rằng có một hướng đi chung mới là điều quan trọng. 

Với vị trí là người chịu trách nhiệm cao nhất của một Nhà hát đầu ngành, tôi luôn muốn cái định hướng của mình phải được xách định thật kỹ. Người ta có thể lệch lạc nhưng mình thì không được phép. Lâu nay, tôi vẫn khẳng định Nhà hát chèo Việt Nam phải có vai trò quan trọng số 1 trong việc gìn giữ bản sắc của nghệ thuật chèo. 

Nhà hát đã trải qua lịch sử 65 năm từ ngày thành lập, đoàn chèo Trung ương xuất phát từ đây, mà không có đoàn chèo Trung ương thì không có các đoàn chèo khác. Thế nên, anh muốn nói thế nào cũng được nhưng không thể phủ nhận những điều đó. Có những thể nghiệm khác, có những sự khẳng định vùng miền, khẳng định cá nhân, tuy nhiên nghệ thuật chèo nói chung thì phải là một gốc.

Ra Tết tôi sẽ mở một một hội thảo để xin ý kiến đóng góp của mọi người. Tôi nghĩ rằng bất kể ai đang công tác trong lĩnh vực này cũng cần phải biết mình đang làm gì, hiểu điều mình làm, vai trò chức năng của cái mình làm là gì.

Tôi sẽ đại diện mời Bộ, mời Cục và lãnh đạo của các Nhà hát, đoàn chèo đến để cùng nghiên cứu, tọa đàm và đưa ra ý kiến về việc chèo hôm nay đang đứng ở đâu? Qua các kỳ hội thi chúng ta đã làm được cái gì? Chúng ta đã tâm huyết rồi, đã nỗ lực rồi nhưng mà trong công cuộc gìn giữ này chúng ta đã đúng ở đâu và chưa đúng ở đâu để tìm ra được 1 hướng đi chung.

 Mỗi người 1 ý kiến, đóng góp vào để chúng ta có được một cái nhìn thẳng thắn hơn, hoàn thiện hơn rồi đưa ra 1 chiến lược gìn giữ chung. Chèo nhất định sẽ phải là chèo, còn nếu như biến nó thành chéo thành chẹo... thì văn hóa Việt Nam không cần nó nữa.

- Xác định vị trí và vai trò của mình cũng như Nhà hát chèo Việt Nam như vậy, chị có cảm thấy 'nặng gánh' không?

Kể cả khi tôi không làm Giám đốc Nhà hát đi chăng nữa thì những người nối tiếp vẫn phải gánh cái trách nhiệm này. Đấy còn là cả tâm huyết với nghề của mình nữa.

Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu thuần Việt nhất và tôi yêu nó. Tôi xác định được điều đó nên rất bảo thủ. Mặc dù so với các nghệ sĩ khác tôi cũng 'chân trong chân ngoài' chẳng kém ai nhưng cứ khi đến với chiếu chèo, tôi luôn hết mình. 

Hiện nay, tôi vẫn tổ chức cho anh em nghệ sĩ diễn chèo hiện đại để quần chúng tiếp nhận dễ dàng hơn, sau đó mới tiên thêm 1 bước là 'lôi kéo' họ đến với chèo truyền thống. 

Tôi cứ nghĩ một điều rằng tại sao khán giả nước ngoài còn yêu được chèo mà người Việt Nam, biết tiếng Việt lại không yêu?! Chẳng qua là mình chưa biết cách tiếp cận và chưa quan tâm hết thôi. 

Tuy nhiên, một mình tôi không thể làm được, nên tôi hy vọng quy tụ  được toàn bộ làng chèo lại, có những con người tâm huyết thậm chí còn hơn cả tôi nữa để cùng nhau làm điều đó.

- Vậy chị có thể tiết lộ mức lương cho vị trí Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam hiện nay của mình không?

Lương của tôi hiện nay đang tính theo hệ số 4,65, thuộc bậc lương chuyên viên. Đó là khi tôi đã hoàn tất việc học cao học, và được Nhà nước cấp tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Trước lương của tôi theo hệ số 4,06. Mà giờ chuyển sang đây thì bị cắt luôn khoản thanh sắc rồi chỉ còn lại vẻn vẹn có lương và một ít phụ cấp. Nói chung là tổng hợp và kiêm nhiệm đủ kiểu rồi thì cũng được hơn 6 triệu/tháng.

Quả thật là mình có tâm huyết lắm mới vào vị trí này để mình làm chứ chỉ nghĩ đến mục đích kiếm đồng tiền thì dứt khoát làm nghệ sĩ sướng hơn. (Cười).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại