Vạch mặt những kẻ đang đổi mạng sống hàng nghìn người lấy nhiều tỷ USD ở Trung Đông!

Quang Huy |

Tổng cộng, IS đã kiếm 3-4 triệu USD mỗi ngày với 12 "khoản thu". Như vậy, các phiến quân khủng bố ở Trung Đông có thể kiếm được hơn 4 tỷ USD trong giai đoạn 2013-2016.

Đổi mạng sống hàng nghìn người lấy nhiều tỷ USD.

Tại Trung Đông các bên liên quan tới cuộc xung đột đổi mạng sống của hàng chục nghìn thường dân lấy nhiều tỷ USD.

Theo chỉ đạo của Abu Muhammad Al Juliani, kẻ được biết đến như lãnh tụ tinh thần của Al Qaeda tại Syria và thủ lĩnh nhóm "Jebhad Al Nursa", một tổ chức quân sự mới mang tên "Jabhad Fath Ash Sham" (Mặt trận giải phóng Lebant) sẽ được thành lập từ "Jebhad Al Nursa".

David Gartenstein-Ross, chuyên gia khoa học của Quỹ Bảo vệ dân chủ và giám đốc điều hành công ty tư vấn Valens Global khẳng định rằng, dù có cố gắng "rửa sạch máu của những người vô tội", "Jabhad Fath Ash Sham" là một tổ chức đúng nghĩa của "Al Qaeda".

Bên cạnh đó, lịch sử của chủ nghĩa khủng bố tại Trung Đông cho thấy rằng, không phải tự nhiên những phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện sự định vị lại đội ngũ của mình, mà kéo theo đó sẽ là những thay đổi đáng kể.

Các dự báo liên quan tới diễn biến tình hình trong khu vực này giống như "đãi cát tìm vàng". Tuy nhiên, có thể nói tới hồi kết một giai đoạn nhất định của cuộc chiến. Cùng với đó là ước tính sơ bộ những lợi nhuận của các bên tham gia vào bi kịch tại Trung Đông này.

Vạch mặt những kẻ đang đổi mạng sống hàng nghìn người lấy nhiều tỷ USD ở Trung Đông! - Ảnh 1.

Quân đội Iraq tấn công Thành phố Mosul.

Tất nhiên, các phần tử Hồi giáo cực đoan kiếm được những khoản tiền kếch xù. IS đã (và vẫn còn) một vài nguồn thu.

Thứ nhất, đó là hoạt động buôn lậu dầu và các sản phẩm dầu mỏ. Trong giai đoạn đỉnh điểm khai thác, nhờ "những mối quan hệ hữu hảo" với người Thổ, hoạt động này mang lại hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Việc giá dầu thế giới lao dốc nói lên rằng, nhiều khả năng, người Thổ đã thuê được những khu vực có trữ lượng dầu từ các chỉ huy phiến quân. Theo nhiều nguồn thông tin khác nhau, năm thành công nhất dành cho IS là 2014, sau đó, vì các cuộc không kích nên kênh kiếm tiền này bị ngăn chặn.

Thứ hai, ngoài dầu mỏ, IS còn tích cực buôn bán lương thực cướp được của người nông dân Syria. Nói chung, nền nông nghiệp của các lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của IS mang lại cho chúng nguồn thu hơn 200 triệu USD mỗi năm.

Thứ ba, thêm một nguồn tiền dành cho quân khủng bố chính là những khoản thu từ người dân. "Các khoản thuế" được nhận bằng tiền Iraq cũng như tiền Thổ Nhĩ Kỳ. Hãng thông tấn Thomson Reuters đưa ra tính toán rằng, IS thu được khoảng 360 triệu USD mỗi năm từ những khoản thu dưới dạng "nghĩa vụ, tiền phạt và các loại phí bắt buộc".

Thêm khoảng 45 triệu USD hàng năm từ các khoản tiền chuộc những con tin. Đây là các con số được nêu trong báo cáo của Liên hợp quốc.

IS đã và đang nhận được khoản hỗ trợ tài chính đáng kể từ Ả Rập Xê Út, Qatar, Kuwait và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Theo báo cáo của Viện Brookings năm 2013, đó là 300-400 triệu USD hàng năm.

Tổng cộng, IS đã kiếm 3-4 triệu USD mỗi ngày với 12 "khoản thu". Như vậy, các tay súng khủng bố có thể kiếm được hơn 4 tỷ USD trong giai đoạn 2013-2016.

Nhưng những khoản "doanh thu" khổng lồ này của IS không thấm vào đâu so với các khoản doanh thu mà các tập đoàn của Mỹ và Anh thu được để phục vụ cho các chiến dịch quân sự chống lại IS.

Người Mỹ, đương nhiên kiếm được nhiều tiền nhất. Được biết rằng, từ năm 2009 đến hết năm 2015, tổng mức chi phí của Bộ Quốc phòng Mỹ cho hàng hoá và dịch vụ theo các hợp đồng với các công ty tư nhân vào khoảng hơn 2,3 tỷ USD.

Đó là 11 triệu hợp đồng mà trong đó có 1/4 liên quan tới cuộc chiến tại Trung Đông. Để đánh giá được phần nào của các hợp đồng nói trên trực tiếp dành cho những hành động quân sự chống lại IS, đương nhiên, là điều không thể.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có thể tự tin khẳng định những chi phí của Mỹ cho cuộc chiến tại Trung Đông chắc chắn sẽ vượt quá con số 100 tỷ USD cho 3 năm gần đây.

Trong lĩnh vực kinh doanh đẫm máu này có sự tham gia của những kẻ được gọi là "kiến trúc sư" của cuộc chiến tranh với Saddam Hussein.

Ví dụ, Công ty SOS International, mà các thành viên HĐQT của nó là cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Paul Wolfovitz và ông Paul Butler, trợ lý cựu Bộ trưởng Donald Ramsfield, từng nhận được các hợp đồng liên quan tới Iraq trị giá 400 triệu USD vào năm 2015.

Cách đây không lâu, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tăng giá trị hợp đồng hàng năm với SOS International thêm 100 triệu USD và kéo dài thời hạn hợp đồng tới năm 2018. Những khoản tiền hàng trăm triệu USD này sẽ được dùng để chi cho nhu cầu ăn uống, bảo vệ an ninh và nơi ở của 3.500 lính Mỹ cũng như để đào tạo binh lính Iraq.

Lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc chiến tranh, những công ty tư nhân của Mỹ cung cấp các dịch vụ cho các chiến dịch tại Syria, Iraq, Libya và Yemen được tặng thưởng cho hành động giết hại thường dân.

Trên cơ sở những hoá đơn chuyển tiền, các phóng viên của The Bureau of Investigative Journalism đã phát hiện được những kẻ nào đã dùng các thiết bị bay không người lái để tấn công từ những nơi hoàn toàn cách xa chiến sự.

Bên cạnh đó, không xác định được trụ sở pháp lý của các sát thủ điều khiển từ xa này và sự hiệu quả của những cuộc tấn công tiêu diệt quân khủng bố khiến nhiều người phải nghi ngờ.

Dưới đây là danh sách các công ty đã cung cấp toạ độ cho những phi công Mỹ và các chuyên gia điều khiển những thiết bị bay không người lái để tiêu diệt các mục tiêu cũng như số tiền mà những công ty này nhận được trong năm 2014:

- L-3 Communications holdings Inc. – 156 triệu USD.

- Macaulay-Brown Inc. – 63 triệu USD.

- Saic Inc. – 20 triệu USD.

- Zel Technologies L.L.C. – 12 triệu USD.

Vạch mặt những kẻ đang đổi mạng sống hàng nghìn người lấy nhiều tỷ USD ở Trung Đông! - Ảnh 2.

Phiến quân IS sử dụng đạn pháo hóa học.

Và đây chưa phải là danh sách đầy đủ

Mỹ cũng không làm phật lòng các đồng minh của mình. Cụ thể, Lầu Năm Góc đã chi khoảng 60 tỷ USD cho các tập đoàn của Anh trong giai đoạn 2009-2015, trong đó tối thiểu 1/3 số tiền này (tương đương với khoảng 20 tỷ USD) đã được hỗ trợ các hành động quân sự chống lại IS.

Gồm, 5,7 tỷ USD được chi cho nhiên liệu mua của công ty British Petroleum. Những doanh nghiệp kiếm lời trên máu của thường dân tại Trung Đông: BAE Systems plc, Rolls-Royce Group, Serco Group, Qinetiq Group, COBHAM,…

Ngoài các loại vũ khí truyền thống, trang thiết bị, nguyên liệu và dịch vụ, người Mỹ đã đặt một loại vũ khí sinh học nào đó trị giá 65 triệu USD của Phòng thí nghiệm quân sự tuyệt mật Porton Down ở lãnh địa Wiltshire.

Nói chung, người Anh cũng kiếm được khá tiền từ hoạt động tung tin thất thiệt. Chuyên gia phụ trách Văn phòng điều tra báo chí của The Bureau of Investigative Journalism, Abigal Filding-Smith phát hiện được rằng công ty Bell Pottinger Private đã nhận từ chính phủ Mỹ 540 triệu USD để "thiết lập luồng thông tin cần thiết cho Mỹ về cuộc chiến chống lại IS".

Những khoản tiền này được chi cho các câu chuyện bịa đặt và khích động tại Trung Đông. Các thông tin nói trên được Martin Wells, biên tập viên hình ảnh, người từng có thời gian làm việc với "tập đoàn của sự dối trá", cung cấp.

Có thể thấy rõ rằng, những thông tin trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng gồm nhiều kẻ có lợi ích trong cuộc chiến không hồi kết với các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Căn cứ vào việc Lầu Năm Góc không tiếc tiền chi cho sự giả dối và khiêu khích, có thể thấy cuộc xung đột tại Trung Đông có khả năng kéo dài và mở rộng quy mô dù các bên liên quan nỗ lực đạt được hoà bình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại