Với thông tin thẻ ATM có thể kiện người bán hàng qua mạng?

Độc giả trangan...@gmail.com |

(Soha.vn) - Sau khi chuyển tiền mua điện thoại qua thẻ ATM, tôi nhận được hàng đểu. Vậy với các thông tin cá nhân về thẻ ATM tôi có thể kiện kẻ bán hàng qua mạng không?

Câu hỏi:

Mình mua điện thoại mà bị lừa đảo. Lúc đó người đó có cho mình số tài khoản ngân hàng, mình gửi tiền vào đó. Nhưng sau thì người này gửi cho mình hàng giả.

Vậy mình muốn hỏi là nếu biết số tài khoản, tên chủ thẻ, ngân hàng nào thì mình có tìm được người đó không và mình có thể kiện được không?

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:

1. Theo quy định pháp luật thì mua bán hàng hóa là quan hệ dân sự. Nếu trong quá trình mua bán, có phát sinh tranh chấp (giao hàng không đúng chủng loại, không đúng mẫu mã, chất lượng, giao không đúng thời gian, địa điểm… thanh toán tiền không đủ, không kịp thời…) thì thủ tục giải quyết là thủ tục tố tụng dân sự, do tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nếu bên bán giao hàng không đúng chủng loại thì bên mua có quyền căn cứ vào quy định tại Điều 437 Bộ luật dân sự để yêu cầu giao hàng đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại hoặc hủy bỏ hợp đồng..

2. Nếu trong giao dịch đó có yếu tố gian dối thì sẽ vô hiệu theo quy định tại Điều 132 Bộ luật dân sự. Nếu giao dịch có yếu tố nhầm lẫn thì bạn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu do bị nhầm lẫn theo quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự. Bạn lưu ý là trong quan hệ dân sự cũng có thể có yếu tố gian đối, trong quan hệ hình sự cũng có tội danh xuất phát từ hành vi gian dối. Gian dối làm cho giao dịch dân sự vô hiệu (các bên phải hoàn trả cho nhau thứ gì đã nhận, bên nào có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu thì phải bồi thường – Điều 137 Bộ luật dân sự). Nếu có mục đích gian đối ngay từ đầu (cố tình đưa ra thông tin sai sự thật để cho người mua hiểu lầm, rồi giao tài sản cho mình, sau đó chiếm đoạt..) nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì mới bị xử lý về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.

3. Vụ việc của bạn có thể kiện đến tòa án nơi người bán hàng cư trú để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc gửi đơn tố cáo, kèm theo các chứng cứ tới cơ quan điều tra nơi bạn nộp tiền vào ngân hàng để được giải quyết.

Nếu qua kiểm tra, xác minh nguồn tin, cơ quan điều tra có căn cứ xác định người bán điện thoại cho bạn có hành vi gian dối (không có chức năng kinh doanh hoặc không có điện thoại đó… nhưng vẫn giao bán) nhằm chiếm đoạt số tiền của bạn thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo pháp luật.

Nếu họ có cơ sở kinh doanh, có hàng hóa tuy nhiên hàng không đảm bảo chất lượng như khi chào hàng thì không đủ căn cứ xử lý hình sự và cơ quan điều tra sẽ có văn bản trả lời bạn và hướng dẫn bạn thực hiện thủ tục khởi kiện dân sự.

4. Ngoài ra, nếu hàng hóa mà bạn nói ở trên có căn cứ xác định là hàng giả theo quy định pháp luật thì người bán hàng sẽ bị xử lý về tội sản xuất, mua bán hàng giả theo quy định tại Điề 164 Bộ luật hình sự.

Luật sư Đặng Văn Cường

Luật sư Đặng Văn Cường thường xuyên tham gia tố tụng, bào chữa tại Tòa án Việt Nam trong các vụ án: Dân sự, Hình sự, Lao động, Hành Chính, Kinh doanh thương mại.

Ngoài ra Luật sư Cường còn tham gia tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và cung cấp dịch vụ pháp lý trong các lĩnh vực pháp luật...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại