Chỉ với biên bản xác nhận nợ có thể gửi đơn kiện ra tòa án không?

Lê Nguyễn |

(Soha.vn) - Hóa đơn không thống nhất, vậy chỉ với biên bản xác nhận nợ thì công ty tôi có thể nhờ tòa án giải quyết được không?

Câu hỏi:

Công ty tôi là công ty thương mại, có bán hàng cho một khách hàng cá nhân, có làm hợp đồng mua bán trực tiếp với vị khách này nhưng vị khách này lại yêu cầu chúng tôi viết hóa đơn về một công ty khác nhưng vẫn ký biên bản xác nhận nợ với công ty chúng tôi.

Đã gần 2 năm nay người khách này không còn lấy hàng của chúng tôi nữa. Công ty tôi muốn đưa ra tòa án để giải quyết. Hợp đồng và hóa đơn không thống nhất, vậy chỉ với biên bản xác nhận nợ thì công ty tôi có thể nhờ tòa án giải quyết được không và nếu đưa được ra tòa án thì đơn kiện sẽ gửi cho tòa án cấp nào?

Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla tư vấn:

Căn cứ vào những dữ liệu mà ông đã nêu, áp dụng quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi đã nghiên cứu và xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 428 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về: Hợp đồng mua bán tài sản.

“ Điều 428. Hợp đồng mua bán tài sản

Hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán”.

Công ty ông có bán hàng cho một khách hàng cá nhân, có làm hợp đồng mua bán trực tiếp với vị khách này, vị khách hàng này ký biên bản xác nhận với công ty ông, vì vậy hợp đồng mua bán này hoàn toàn có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 438 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về: Nghĩa vụ trả tiền.

“Điều 438. Nghĩa vụ trả tiền

1. Bên mua phải trả đủ tiền vào thời điểm và tại địa điểm đã thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì phải trả đủ tiền vào thời điểm và tại địa điểm giao tài sản.

2. Bên mua phải trả lãi, kể từ ngày chậm trả theo quy định tại khoản 2 Điều 305 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Vì vậy, vị khách hàng này phải có nghĩa vụ trả tiền cho công ty ông theo đúng thỏa thuận giữa hai bên.

Vì câu hỏi trên không nêu rõ tình huống cụ thể, vì vậy chúng tôi chia trường hợp và tư vấn cho ông như sau:

Trường hợp 1: Vị khách hàng là cá nhân đó trực tiếp nhận hàng, là người trực tiếp viết giấy nợ, và ghi hóa đơn về cho công ty nhưng mua hàng với tư cách các nhân

Trong trường hợp này, người này có nghĩa vụ trả nợ cho công ty ông theo đúng hợp đồng đã ký kết với công ty ông. Khi công ty ông kiện ra tòa yêu cầu Tòa án giải quyết thì người này chịu trách nhiệm với tư cách cá nhân và công ty ông có thể gửi đơn kiện lên Tòa án nhân dân cấp Huyện, nơi người đó thường trú hoặc đăng ký tạm trú.

Trường hợp 2: Vị khách hàng là cá nhân đó trực tiếp nhận hàng, là người trực tiếp viết giấy nợ và ghi hóa đơn về công ty nhưng do sự ủy thác của công ty.

Trong trường hợp này, công ty của vị khách hàng này có nghĩa vụ trả nợ cho công ty ông theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết, công ty ông có thể gửi đơn kiện lên Tòa án nhân dân câp Huyện nơi công ty dó đăng ký đặt trụ sở chính.

LS Trương Quốc Hòe

Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư InterLa (Đoàn Luật sư Hà Nội).

Luật sư Hòe luôn có những phân tích sắc sảo với mỗi vụ án. Ông từng tham gia bào chữa và giúp đỡ bào chữa miễn phí cho nhiều người dân. Vị luật sư này từng tham gia bào chữa cho nhiều tội phạm tuổi vị thành niên.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại