Trung thu trong văn hóa Việt: Từ ngày lễ của nhà nông đến Tết của lứa đôi, Tết đoàn viên và hy vọng

Minh Dương |

Trung thu không chỉ là Tết của trẻ em, mà còn là lễ hội của người nông dân cầu mùa màng bội thu, là dịp hẹn hò kết duyên của các đôi trai gái, là Tết đoàn viên và cũng là Tết hy vọng của thế hệ tương lai.

Ở mảnh đất Việt Nam dấu yêu này, mỗi ngã tư đường của văn minh - như cụ Nguyễn Văn Huyên từng nói, đều có dấu vết của những lễ hội dân gian. Tết Trung thu cũng là một ngày lễ đáng nhớ như vậy. Lễ Tết làm sinh động đời sống của người dân, và mùa Thu tới, khi những nắm cốm mùa được ủ bọc trong lá sen thơm lừng góc phố, khi hoa cúc vàng lập loè đầu tường, khi những chiếc đèn ông sao lấp lánh khắp phố phường, khi bưởi từng chùm lúc lỉu thơm ngát là lúc ai cũng biết, Tết Trung thu đã về.

Khi nhìn về Tết Trung thu, cụ Nguyễn Văn Huyên trong Hội hè lễ Tết của người Việt có nói: "Trung thu ở nước Việt Nam này đã trở thành một ngày tết mang tính chất phức tạp thú vị, đến nỗi cũng như tất cả các lễ hội có đặc tính dân gian khác, nó làm cho ai cũng quan tâm và sung sướng, bất kể họ thuộc giai tầng nào hay lứa tuổi nào trong nước. Thoạt tiên được coi là ngày lễ của người làm ruộng chỉ lo lắng đến các vụ thu hoạch của mình, nó đã được những quan niệm mới và ước vọng mới của xã hội làm cho trẻ lại và trở nên sinh động".

Rằm tháng 8 rơi vào thời điểm giữa ba tháng mùa Thu, được gọi là Tết Trung thu hay Tết tháng Tám. Vào thời gian này, bầu trời trong trẻo và mặt trăng rất tròn, sáng rực rỡ. Dù những đám mây bàng bạc muốn lửng lơ trên bầu trời cũng bị "ném" về phía xa chân trời. Tại sao lại nói Tết Trung thu là một ngày hội mùa Thu đặc biệt của người Việt? Bởi vì ngày Trung thu không chỉ là Tết trẻ con hay Tết đoàn viên như người ta vẫn gọi.

Tết của nhà nông

Là một nước nông nghiệp nên Tết Trung thu ở Việt Nam ta theo lễ thức nông nghiệp. Tinh thần của lễ thức này trước hết thể hiện ở tầm quan trọng của mùa vụ đối với người nông dân. Tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc "muôn vật thảnh thơi" (bút tích bia chùa Đọi ghi năm 1121), người dân mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi. Dưới ánh trăng thu tháng 8, người ta uống trà, nhắm rượu, ngắm trăng, thưởng nguyệt, làm thơ. Và ngay cả trong văn hóa cổ điển, trong Nho giáo chính thống, người ta cũng biến Tết Trung thu thành cái Tết ngắm và thưởng trăng.

Khi mà trăng lên cao, ở vị trí uy nghi nhất của bầu trời, các nhà thơ tụ họp để uống "rượu hoa vàng" (ở đây là rượu ủ hoa cúc) dưới bóng trúc và nhắm những con ốc vào mùa thu thường béo mập, ngon ngậy hơn ở những tháng khác.

Ở đất nước nông nghiệp như ta, việc cầu mưa thuận gió hòa cực kỳ quan trọng. Đó là lý do rồng được coi là kẻ ban phát hạnh phúc và ân huệ. Người dân cũng dùng hình ảnh của rồng để tạo nên mưa thuận gió hòa. Đương nhiên, chúng ta không thể quên rằng, mọi lễ hội của người Việt đều theo mùa, đó chính là sự liên hệ nối tiếp thời gian. Người dân phương Đông, đặc biệt là nơi khởi nguồn nền văn minh lúa nước như Việt Nam, người dân rất coi trọng những trận mưa làm cho đất đai màu mỡ. Chính vì vậy, rồng ở xứ này, là biểu tượng của mưa và sự phì nhiêu.

Tác giả Bùi Xuân Đính đã viết trong cuốn Bách khoa thư làng Việt cổ truyền rằng: "Ở Việt Nam, theo tài liệu ghi lại, Tết Trung thu là ngày vua Lý tạ ơn thần Rồng đã mang mưa tới cho mùa màng bội thu, dân chúng được ấm no, hạnh phúc".

Ảnh tư liệu

Trong Hội hè lễ Tết người Việt, cụ Nguyễn Văn Huyên cũng đã viết rất chi tiết về điều này.

"Mùa xuân, người ta đôi khi mang rồng đi trong các đám rước thần. Nó phải đóng góp cho sự thành công của vụ lúa chiêm. Nhưng hội rồng thật sự là vào Trung thu. Nó phải bảo vệ các vụ gặt lớn tháng Mười.

Đêm Rằm tháng Tám ta, người ta long trọng rước rồng qua các phố, đi trước là những lá cờ ngũ sắc, những đèn lồng hình hoa quả, tôm cá hay những vật quý, những tấm biển sáng với hàng chữ Hoàng Long Thịnh Thế (mong rồng vàng làm cho cuộc sống phồn thịnh) hay Thiên Hạ Thái Bình".

Rồng này được đan bằng tre, phủ giấy và vải. Người ta phủ lên nó một cái mình đầy vảy và gai màu lam hoặc xanh, kèm theo cái đuôi lởm chởm, cái đầu râu ria rậm rạp, cái mắt sáng quắc liếc đi liếc lại, bốn chân lủng lẳng với móng vuốt nhọn. Chúng được lắp trên những chiếc sào để người ta khiêng nó, những người khiêng rồng cũng ăn mặc sặc sỡ để hòa vào mình rồng uốn lượn cho hợp cảnh.

Trung thu trong văn hóa Việt: Từ ngày lễ của nhà nông đến Tết của lứa đôi, Tết đoàn viên và hy vọng - Ảnh 2.

Múa sư tử thời hiện đại.

Xong rồi thì rồng sẽ múa lượn theo tiếng chiêng, tiếng trống đi qua nhà dân. Khi thấy nó đi qua, những nhà giàu có sung túc sẽ đốt pháo để mừng nó và để lấy khước (lấy may) nhờ sự có mặt của rồng. Múa rồng khi xưa cũng cầu kỳ và ý nghĩa như vậy đấy.

Đi theo rồng là sư tử, chỉ có cái đầu đan bằng tre và phết giấy nối cùng một tấm vải đỏ dài. Cái đầu này được một người nâng lên, dùng hai tay lúc lắc làm điệu múa sư tử. Và người phía sau cầm đầu tấm vải múa theo động tác của người cầm đầu sư tử, lúc sang trái, lúc sang phải, lúc lại xoay vòng, trông đến là sinh động.

Khi xưa, có đám rước rồng sư tử này múa qua nhà, những chủ nhà giàu sẽ treo một phong bao đỏ đựng một số tiền để thưởng cho những người múa rống, múa sư tử giỏi. Trong khi rồng múa xung quanh thì sư tử trèo lên sào tre để giật phong bao, khi giật được thì pháo nổ ran, múa trước gia chủ một điệu múa và chúc chủ nhà thịnh vượng, hạnh phúc.

Và sâu xa hơn, điệu múa rồng, múa sư tử này là để cầu những trận mưa tốt lành. Với mong ước mùa màng bội thu, cái sở cầu đó cũng là mọi người bảo đảm cho mình cuộc sống phồn thịnh và sự yên ổn.

Cuộc sống ngày nay, không còn tiếng pháo mỗi khi múa rồng múa sư tử, nhưng tiếng trống, tiếng chiêng vẫn đủ làm nên không khí nhộn nhịp. Với ý nghĩa cầu may, cầu phúc như vậy, múa sư tử cũng được nhiều người thực hiện trong các đám khai trương cửa hàng.

Tục ngữ có câu: "Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng Rằm tháng Tám" hay "Tỏ trăng mười bốn được tằm, đục trăng hôm Rằm thì được lúa chiêm." Đằng sau những câu chữ này là kinh nghiệm đúc kết được của ông cha, xem trăng đêm Rằm tháng 8 còn rút ra các điềm báo trước tương lai.

"Nếu trăng sáng vằng vặc, ta sẽ có một vụ bội thu. Nếu ta thấy trăng màu vàng, tằm sẽ nhả nhiều tơ. Mặt khác ta có thể đọc trong các sách cổ rằng khi mặt trăng chuyển sang màu xanh hay màu lam, thì có nạn đói. Nếu trái lại, trăng ngả sang màu vàng, thì cả nước sẽ sống thái bình và đức hạnh. Đêm ấy, nếu ta nhận thấy một chiếc mũ phía trên mặt trăng thì thế gian sẽ vui vẻ [...]" - trích Hội hè lễ Tết của người Việt.

Như vậy, ta có thể thấy, thói quen quan sát mặt trăng đêm Rằm tháng 8 đã tạo ra trong trí tưởng tượng dân gian cả một thế giới huyền diệu. Trong các truyền thuyết này, người ta còn nhắc đến cóc có tiếng kêu ồm ộp có thể báo trời mưa, gọi nó là thiềm thừ. Vậy nên trong thơ ca, mặt trăng được gọi là Thiềm cung (cung con cóc).

Trung thu trong văn hóa Việt: Từ ngày lễ của nhà nông đến Tết của lứa đôi, Tết đoàn viên và hy vọng - Ảnh 3.

Đèn lồng thỏ được bày bán trên phố Hà Nội xưa năm 1915. Ảnh: Léon Busy.

Vào Tết Trung thu, người ta cũng bắt gặp nhiều đèn lồng con thỏ. Nói về ý nghĩa của đèn lồng con thỏ, có một điều thú vị thế này. Ngoài thiềm thừ được nhìn thấy trên cung trăng, người ta còn thấy cả thỏ. Cũng có ý kiến cho rằng, thỏ thụ thai khi ngắm trăng. Cho nên người ta căn cứ vào mức độ sáng của ánh trăng thu để dự đoán thỏ đẻ nhiều hay ít con. Bởi vậy, thỏ đã trở thành biểu tượng của khả năng sinh sản nhiều. Với ý nghĩa này, thỏ cũng thường xuất hiện với hình tượng trăng và rồng, đều biểu tượng cho sự no đủ, bội thu, phì nhiều, sinh sôi, nảy nở.

Tiện nhắc đến trăng trở thành biểu tượng của khả năng sinh sản, bảo trợ của phụ nữ và đời sống vợ chồng. Trong truyền thuyết dân gian còn nhắc đến trên cung trăng có ông Nguyệt lão và bà Nguyệt lão - hai người quyết định việc hôn nhân của người dưới thế gian. Tên gọi của người se duyên mà ta được gần gũi nghe đến là "ông Tơ bà Nguyệt".

Thời nay, mọi người cứ kháo nhau rằng mùa thu trong năm là mùa đẹp để kết hôn. Ít ai biết rằng, điều đó cũng bắt nguồn từ sự tích ông Tơ bà Nguyệt se duyên vào mùa trăng. Đó cũng là lý do Tết Trung thu cũng là Tết dạm hỏi.

Tết của lứa đôi, Tết đoàn viên

Những cặp đôi trai gái hẹn hò, yêu nhau và người ta càng cảm thấy hạnh phúc hơn khi có sợi chỉ tơ hồng mà ông Tơ bà Nguyệt se cho họ. Dịp Trung thu, cũng là Tết dạm hỏi, là lúc mà trai tài gái đức mong muốn tìm thấy nửa kia của mình trong đám đông. Thế nên, khi xưa, vào dịp Trung thu, trai gái thường tụ họp thành nhóm, họ hát đối và ngắm trăng.

Sau những cuộc thi hát đối đáp trao duyên ấy, dưới tiết trời thu mát mẻ, không khí dìu dịu như vuốt ve trái tim người ta tan ra để đón thứ tình yêu của đôi lứa vào lòng. Cụ Nguyễn Văn Huyên cũng kể lại chi tiết về ngày hội lớn của tuổi trẻ này. Trai gái gặp gỡ và hát đối đáp, họ trao nhau những quà tặng gồm quạt, vòng tay làm tin. Họ cũng nhai trầu - một thứ có giá trị giao ước thời xưa ở nước ta. Những buổi hát đối đáp dưới ánh trăng thu, trai gái tha hồ tìm hiểu nhau: Những lời thề hứa được trao dưới trăng, ánh sáng rực rỡ của trăng tròn tháng Tám như một vị thần chứng giám, soi sáng tình yêu của đôi lứa.


Tết Trung thu cũng là Tết dạm hỏi và Tết đoàn viên sum họp gia đình. Ảnh: Bò tơ quán mộc

Tết Trung thu là dịp cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, là mùa dạm hỏi trao duyên ước nguyện và cũng là mùa đoàn viên, sum họp. Cuộc sống hiện đại và tân tiến, người nông dân cũng không còn phụ thuộc quá nhiều vào việc trông trăng để đoán mùa vụ nữa, thay vào đó là mùa tình yêu đôi lứa hứa hẹn để mùa xuân tới đơm hoa kết trái, là mùa đoàn viên bên mâm cỗ trông trăng, người lớn tặng quà cho con trẻ - những món đồ chơi dân gian đầy ý nghĩa như đèn ông sao, đèn con cá,...

Dịp Tết Trung thu chẳng thể thiếu chiếc mâm cỗ trung thu, nào bưởi thơm lừng mọng nước, nào hồng mũm mĩm đầy mật ngọt, nào cốm thơm bọc lá sen, nào bánh dẻo bánh nướng vừa xuống lò,... Nhớ khi xưa, dịp đêm Rằm, cha mẹ cùng con trẻ háo hức đi rước đèn, phá cỗ ở nhà văn hóa xóm, thôn. Nhiều hoạt động được thực hiện từ trước như cắm trại, thi văn nghệ,... Bên cạnh đó, mỗi nhà cũng sẽ chuẩn bị mâm cỗ trung thu nhỏ, để các thành viên trong gia đình cùng quây quần, cùng ăn bánh trung thu và trò chuyện. Đó là dịp cả nhà sum họp với nhau, khoảnh khắc những người con ở xa trở về nhà, ở bên nhau cùng tận hưởng không khí trời thu.

Tết Trung thu từ Tết của người làm nông, đến Tết đoàn viên, Tết dạm hỏi, tựu chung đều hướng về tương lai ngày mai, mà trẻ em vốn là nơi gửi gắm những ước mong đẹp đẽ ấy.

Tết của trẻ con, Tết của hy vọng

Gọi Tết Trung thu là Tết của trẻ con, một phần trong mùa trăng này, tất thảy đồ chơi dân gian dành cho con trẻ đều được hội tụ. Có khi còn được chuẩn bị từ cả hai tháng trước. Trong ngày Tết này, thời xưa, các nhà giàu, con gái trong nhà đều phải bắt tay vào thực hiện mâm cỗ.

Trung thu trong văn hóa Việt: Từ ngày lễ của nhà nông đến Tết của lứa đôi, Tết đoàn viên và hy vọng - Ảnh 5.

Ảnh: Trần Hiền

Từ hoa giấy, hoa nhựa đến nặn con giống bột nhuộm nhiều màu những con cá tôm,... "các quả dừa được biến thành những con thỏ hiền lành và nhút nhát, những con sư tử và kỳ lân lởm chởm lông làm bằng quả bưởi đã bóc vỏ, các bó mía màu thẫm đẹp, biểu tượng của sự sum họp lứa đôi bền vững, những chiếc bánh dẻo và nướng tiêu biểu cho mặt trăng với đàn thỏ, con cóc hay con rồng cuộn quanh vì tinh tú lớn ban đêm... Phòng lớn được thắp những đèn lồng hình con cá, hình những đèn kéo quân tả những chiến trận lừng danh, những cảnh lịch sử, cảnh anh hùng tiến vào một tòa thành, hay một nhà sư đang tụng kinh trước bàn thờ Phật" - trích Hội hè lễ Tết người Việt.

Vào ngày Tết Trung thu này, phụ huynh chẳng quên đặt lên bàn học của con những hình trạng nguyên, tiến sĩ của các khoa thi ngày xưa hay cá chép vượt vũ môn để "lấy vía" cho con học hành, thi cử đỗ đạt.

Trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính cũng đã miêu tả về ngày Tết của trẻ con này:

"Đồ trẻ con chơi trong Tết này, toàn là các thứ bồi bằng giấy như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá, bươm bướm, bọ ngựa cho chí cành hoa, giàn mướp, đèn cù, đèn xẻ rãnh, đình chùa, ông nghè đất, con thiềm thừ…

Trẻ con tối hôm ấy, dìu dắt nhau từng đàn từng lũ, đám thì nhảy vô, đám thì kéo co, đám thì bắt cái hò khoan, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ. Lại nơi nọ hát trống quân, nơi kia hát trống quýt, tổng chi gọi là Trung thu thưởng nguyệt…

Tục hát trống quân thì do từ đời Nguyễn Huệ bên ta mới bày ra. Nguyên khi ông đem quân ra Bắc, quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Ông ấy mới bày ra một cách cho trai gái hát đối đáp với nhau để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp cho nên gọi là trống quân."

Ngày Tết Trung thu thoạt nhiên ban đầu chỉ là ngày cầu mưa cho mùa màng bội thu nhưng lại được ước vọng của xã hội làm trẻ lại và sinh động hơn. Ngày Tết Trung thu trở thành ngày Tết dạm hỏi, Tết của trẻ con, là ngày mà mọi người dân trong đất nước này gửi gắm những điều tốt đẹp và phúc lành vào thế hệ mai sau.

Và đó cũng là Tết của tương lai, ngày của mọi ước mơ được thắp sáng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại