Trung Quốc lo thay Triều Tiên khi Hàn Quốc thêm tàu ngầm

Thùy Dung |

Theo hãng tin Yonhap, ngày 8/11, Hải quân Hàn Quốc đã hạ thủy tàu ngầm có lượng choán nước 1.800 tấn chiếc số 8 trước những đe dọa từ Triều Tiên.

Tàu ngầm Lee Beom-seok đã được hạ thuỷ tại nhà máy đóng tàu của Daewoo thuộc vùng Geojedo. Con tàu này, có lượng choán nước 1.800 tấn, dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng cuối năm 2018, theo Yonhap.

Tới dự buổi lễ quan trọng này có Bộ trưởng Quốc phòng Kim Kwan-jin và các giới chức quân sự cấp cao khác tại nhà máy đóng tàu Daewoo trên đảo Geoje, gần với thành phố cảng Busan ở miền nam. Điều này chứng tỏ chính phủ Hàn Quốc đánh giá rất cao sự kiện này, tờ CNJ của Trung Quốc nhận định.

Phát biểu tại sự kiện này, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, sức mạnh ngầm của Hàn Quốc sẽ được cải thiện sau khi dự án chế tạo tàu ngầm tấn công Type 214 hoàn thành, đến lúc đó Seoul hoàn toàn có thể yên tâm đối với việc bảo đảm an ninh quốc gia.

Theo thiết kế tàu ngầm tấn công Type 214 có thể tấn công đồng thời 300 mục tiêu, và được trang bị tên lửa hạm đối đất và các ngư lôi cùng với một hệ thống sonar phát hiện tàu ngầm hiện đại, để thực hiện các nhiệm vụ tác chiến chống ngầm, giám sát và trinh sát.

Tàu ngầm điện-diesel này hoạt động bằng hệ thống động cơ đẩy khí độc lập AIP, giúp tàu có thể lặn sâu và lâu hơn so với các tàu ngầm thông thường. Hệ thống AIP cho phép thủy thủ đoàn thực hiện các nhiệm vụ dưới nước trong nhiều tuần, mà không cần phải nổi lên để tiếp oxy.

Theo đại diện Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này hiện đang có kế hoạch triển khai thêm ít nhất 5 chiếc tàu ngầm 1.800 tương tự, đồng thời đóng mới 9 chiếc tàu ngầm tấn công hạng nặng 3.000 tấn với những cải tiến lớn về các hệ thống radar và vũ khí, so với những lớp tàu ngầm trước đó.

Tờ CNJ nhận định, việc Seoul nỗ lực hiện đại hóa lực lượng ngầm có nguyên do xuất phát từ phía Triều Tiên, hiện lực lượng ngầm của Hàn Quốc được đánh giá là không thể áp đảo trước Triều Tiên, quốc gia có lượng tàu ngầm khá đông đảo dù mức độ hiện đại còn hạn chế, nhưng với chiến thuật "lấy thịt đè người" thì rõ ràng Bình Nhưỡng có nhiều lợi thế hơn, đó là lý do tại sao Seoul không những muốn hiện đại hóa lực lượng ngầm mà còn muốn tăng số lượng tàu ngầm quốc gia này hiện đang sở hữu.

Trong khi đó, tờ chinamil cũng bày tỏ quan ngại thay cho Triều Tiên với viễn cảnh Seoul ngày càng chú trọng phát triển hơn nền công nghiệp quốc phòng của nước này và đơn cử là việc hiện đại hóa lực lượng ngầm.

"Hàn Quốc đang làm tất cả để hạn chế sự phụ thuộc vào Mỹ, đồng thời có thể trụ vững được trước sức ép từ phía Triều Tiên, rõ ràng đây sẽ là thông tin không mấy lạc quan đối với Bình Nhưỡng", tờ chinamil nhận định.

Được biết, năm 2000, Hàn Quốc bắt đầu dự án chế tạo tàu ngầm, được đặt tên là KSS-II. Tại thời điểm đó, loại tàu ngầm Type 214 của công ty Howaldtswerke-Deutsche Werft (Đức) được chọn làm nguyên mẫu để cho ra đời tàu ngầm thế hệ đầu tiên của Hàn Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại