Trung Quốc đưa tàu sân bay nội địa đầu tiên "thử sức" trên biển vào tháng tới

Minh Thu |

Truyền thông Trung Quốc cho hay, chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của hải quân nước này Type 001A Sơn Đông sẽ thực hiện chuyến đi biển thử nghiệm đầu tiên vào tháng tới.

Tờ People’s Daily Online dẫn lời Tổng Giám đốc phụ trách giám sát toàn bộ quá trình đóng tàu Type 001A Sơn Đông, ông Hu Wenming cho hay, chiếc tàu này sẽ bước vào hành trình đi biển thử nghiệm đầu tiên vào tháng tới để xác định động cơ tàu có đủ năng lực thực hiện các chuyến đi biển dài ngày".

Trước đó, tàu Type 001A Sơn Đông đã được Tập đoàn Công nghệ đóng tàu Trung Quốc chính thức hạ thủy hồi tháng Tư tại xưởng đóng tàu Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh. Theo ông Hu, quá trình đóng tàu Type 001A Sơn Đông còn có sự tham gia của 421 doanh nghiệp nhà nước, công ty tư nhân và các viện nghiên cứu tại Trung Quốc.

Trước đây, nhiều thông tin cho rằng hải quân Trung Quốc chưa thể sử dụng tàu Type 001A Sơn Đông cho tới năm 2020. Trong khi đó, Liêu Ninh được hải quân Trung Quốc sử dụng cho mục đích huấn luyện và nghiên cứu.

Hồi đầu tuần này, theo tạp chí Diplomat, tàu Type 001A Sơn Đông có lượng giãn nước 65.000 tấn và là chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, có thể sẽ được biên chế vào lực lượng hải quân nước này vào năm 2018.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang sử dụng Liêu Ninh, chiếc tàu sân bay có lượng giãn nước toàn tải 60.000 tấn và được tân trang từ tàu Đô đốc Kuznetsov do Liên Xô cũ sản xuất.

"Chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ hạ neo ở Liêu Ninh và sẽ là một trong những chiếc tàu hiện đại nhất thế giới đồng thời giúp cải thiện khả năng nghiên cứu và phát triển các tàu sân bay trong tương lai của Trung Quốc", ông Hu nhấn mạnh.

Tàu Type 001A Sơn Đông có thể sẽ được trang bị 24 chiến đấu cơ đa nhiệm Shenyang J-15, một phiên bản của chiến đấu cơ thế hệ thứ tư Sukhoi Su-33 của Nga cùng với khoảng 10 chiếc máy bay cánh quay Changshe Z-18, Ka-31 hoặc trực thăng Harbin Z-9.

Đáng nói, giống như Liêu Ninh, tàu Type 001A Sơn Đông cũng chỉ sử dụng hệ thống phóng STOBAR, khiến phạm vi hoạt động của các máy bay cất cánh từ tàu sân bay bị hạn chế hơn so với hệ thống máy phóng máy bay hiện đại trên các tàu sân bay của Mỹ.

Ngoài ra, việc sử dụng hệ thống STOBAR cũng sẽ khiến sức chở trên các máy bay quân sự bị hạn chế và làm ảnh hưởng tới toàn bộ sức mạnh chiến đấu của con tàu.

Do đó, trong tương lai, Trung Quốc có thể áp dụng các công nghệ phóng máy bay hiện đại hơn trang bị cho tàu sân bay Type 002. Bởi hải quân Trung Quốc tham vọng điều hành 6 nhóm tác chiến tàu sân bay trong vài thập niên tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại