Trump và TPP: Hai rắc rối của Mỹ khiến TQ ngày càng ngông cuồng

Nguyễn Linh |

Vài tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cảnh báo Trung Quốc đang mạo hiểm "tự xây Trường Thành cô lập chính mình" khi có các hành động gây tranh cãi trên Biển Đông.

Nhưng điều này chẳng làm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nao núng.

Hãng Bloomberg (Mỹ) ngày 25/8 cho hay, Bắc Kinh không có dấu hiệu giảm bớt leo thang quân sự trong khu vực, mặc dù mật độ tuần tra của Mỹ tăng lên và quyết định gần đây của Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã vô hiệu hóa yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc (TQ) ở biển Đông.

Sau nhiều thập niên Mỹ chiếm ưu thế ở Tây Thái Bình Dương, hành động của Tập Cận Bình gây cho Mỹ nỗi khó xử: Làm sao để kìm hãm tốc độ bành trướng kinh tế và quân sự của TQ?

Những vấn đề xoay quanh Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Tổng thống Mỹ Barack Obama bảo trợ đã vô tình thúc đẩy TQ có những hành động "thử" xem nước này có thể gây áp lực đến đâu lên Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bất kể người đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới là ai, tâm lý chung trong cộng đồng cử tri Mỹ là mong muốn đất nước biệt lập, sau hơn một thập kỷ giao tranh ở những chiến trường cách xa cả ngàn dặm và giữa nỗi lo bảo vệ công ăn việc làm cho dân Mỹ.

"Chưa sẵn sàng"

"Đằng sau các động thái của TQ tại biển Hoa Đông và Biển Đông suốt vài năm qua là một niềm tin mãnh liệt (của Bắc Kinh-PV) rằng Mỹ không đủ quyết tâm phản công lại các đòn của TQ một cách mạnh mẽ," trích lời Hugh White, giáo sư chiến lược học tại ĐH Quốc gia Australia ở Canberra và tác giả cuốn "Lựa chọn Trung Quốc".

Nếu TPP thất bại, "điều đó sẽ khuyến khích TQ nghĩ rằng Mỹ chưasẵn sàng gánh chịu các chi phí và rủi ro cần thiết để đẩy lùi họ, và như vậy TQ càng có cớ để 'thử' Mỹ."

Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã đề xuất khả năng cắt giảm viện trợ quân sự cho các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc, và bắt đầu cuộc chiến thương mại với TQ.

Liệu Trump có thể làm tốt được hay không thì chưa rõ, nhưng cán cân (hai đảng) trong Quốc hội Mỹ có thể là rào cản với ông. Dù vậy, Trump vẫn nhận được sự ủng hộ đáng kể từ những cử tri ủng hộ quan điểm "dân túy" của ông.

Trong khi đó, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton có thể sẽ tìm cách bảo toàn những mối quan hệ ở khu vực, trong khi vẫn cần quản lý được những ồn ào chính trị ở Mỹ.

Trump và TPP: Hai rắc rối của Mỹ khiến TQ ngày càng ngông cuồng - Ảnh 1.

Chủ trương đối ngoại của Trump khiến các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là ở châu Á-Thái Bình Dương, phải lo ngại. (Ảnh: menstrait)

Tái cân bằng châu Á

Dưới thời ông Obama, nước Mỹ dấn thân vào cuộc tái cân bằng quân sự và kinh tế ở châu Á, bằng chính sách được cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton soạn thảo năm 2011.

Theo Bloomberg, mặc dù Washington hướng đến cam kết hỗ trợ các nước trong khu vực, TQ đã "tô vẽ" thành bức tranh Mỹ muốn chế ngự khu vực. Chính sách này có 2 đề mục chính – xây dựng quân sự ở phía tây Thái Bình Dương, và sự ủng hộ của Mỹ với TPP.

Phán quyết của PCA là một thất bại ngoại giao của Tập Cận Bình, nhưng nó chưa thể ngăn nổi TQ tiếp tục quân sự hóa phi pháp trên các đảo nhân tạo ở biển Đông.

TQ cũng đưa máy bay thả bom ra khu vực tranh chấp, tuyên bố tập trận hải quân với Nga, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn kêu gọi sẵn sàng "chiến tranh nhân dân trên biển."

"Các yêu sách của TQ trên Biển Đông thể hiện phảnứng giận dữ trước phán quyết của Tòa trọng tài, khiến Mỹ nhận ra thách thức mang tính quyết định đối với độ tin cậy của nước này ở Đông Nam Á," trích mộtbài báo có sự đóng góp của Patrick Cronin, giám đốc Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới (CNAS).

"Tổng thống cần bảo đảm với các đồng minh và đối tác rằng những động thái (từ Trung Quốc-PV) xem thường phán quyết lịch sử có thể gây một cuộc đối đầu với Hoa Kỳ."

Bắc Kinh cũng đang kiếm tìm sự giúp đỡ nhằm lật đổ ảnh hưởng về kinh tế của Mỹ, trong bối cảnh chưa rõ liệu hiệp địnhTPP có được Quốc hội Mỹ thông qua hay không.

"Thất bại trong việc thông qua TPP sẽ gây hậu quả," theo Catherine A. Novelli, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách phát triển Kinh tế, Năng lượng và Môi trường.

"TQ đang ráo riết hoạt động tại châu Á, có mối quan hệ sâu sắc với nước láng giềng và chúng tôi dự đoán điều này sẽ tiếp diễn.

Hiệp định TPP mang đến thế cân bằng cho khu vực,và đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho quy tắc minh bạch cũng như giao thương mở và công bằng," bà nói.

TQ không phải là thành viên TPP, Hiệp định được quảng bá như một siêu thỏa thuận thương mại, không chỉ giảm thuế giữa các thành viên mà còn đưa ra những tiêu chuẩn chung về nhân công và môi trường.

Ông Obama đã cam kết thúc đẩy TPP trong kỳ họp Quốc hội sau bầu cử.

Những nỗ lực của Tổng thống để TPP được phê chuẩn gần đây nhận được sự ủng hộ của một nhóm cựu quan chức của đảng Cộng hòa, những người bị Trump làm chán nản và tuyên bố ủng hộ Clinton, đồng thời mong bà xem xét lại quan điểm cá nhân về TPP.

Họ viết trong một lá thư mở: "Không thông qua được TPP nghĩa là nhường lại cho TQ quyền quyết định luật thương mại cho khu vực."

Bắc Kinh đã thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) trị giá 100 tỷ USD nhằm xúc tiến kế hoạch "Một vành đai, một con đường" của ông Tập, xây dựng hệ thống cảng biển và mạng lưới giao thông từ châu Á tới châu Âu.

Tập Cận Bình đã chào hàng đầu tư và thương mại trong khu vực nhằm giảm bớt các lo ngại về tham vọng quân sự của TQ, cũng như thúc đẩy một hiệp định thương mại khác thay thế TPP.

Trump và TPP: Hai rắc rối của Mỹ khiến TQ ngày càng ngông cuồng - Ảnh 2.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do tương tự TPP ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, do Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo và được Bắc Kinh xem như "đối trọng" với TPP (Ảnh: Ezlawblog)

Mỹ không thể ngừng "xoay trục"

Trong khi TQ có thể thu lợi ngắn hạn từ việc TPP không thành công, các chiến lược gia ở Bắc Kinh lo rằng lợi thế có thể bị phung phí.

Thời Ân Hoằng, giám đốc Trung tâm Mỹ học tại Đại học Nhân dân TQ và là cố vấn chính sách ngoại giao cho Nhà nước, đánh giá:

"[TPP đổ vỡ] có khả năng khiến TQ cảm thấy tự mãn. Bắc Kinh sẽ giảm bớt áp lực từ bên ngoài để cải tổ kinh tế, và động lực nhằm cải thiện quan hệ với các nước láng giềng cũng sẽ mờ nhạt."

Về phía Mỹ, các chuyên gia chính sách ngoại giao lập luận rằng thất bại TPP sẽ không hoàn toàn xóa sổ mọi nỗ lực dưới thời Obama, dẫn chứng một hiệp định quốc phòng mới với Philippines, quan hệ đồng minh khởi sắc với Tokyo và sự tham gia nhiệt tình các hội nghị như Hội nghị Đông Á mà ông Obama sẽ tham dự tại Lào trong tháng tới.

Cánh tay dài vươn ra của hải quân TQ vẫn bị lu mờ bởi duy nhất một chiếc máy bay Mỹ, Bloomberg bình luận.

"Một quan điểm nhận được nhiều đồng thuận đó là Mỹ cần đầu tư nhiều hơn vào châu Á, bởi vì cả thực tiễn kinh tế lẫn lo ngại về sự nổi lên của TQ và ý nghĩa với khu vực," theo Michael Fuchs, phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương từ 2013 đến 2016.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại