"Trong tương lai, tuyển Philippines có thể đứng đầu Đông Nam Á, vượt Việt Nam - Thái Lan"

Đoàn Dự |

Không chỉ ở riêng giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2022 mà BLV Quang Tùng cho rằng trong tương lai, tuyển Philippines có thể sẽ "thống trị" khu vực Đông Nam Á.

BÓNG ĐÁ NỮ PHILIPPINES SẼ "THỐNG TRỊ" KHU VỰC ĐÔNG NAM Á?

Rất nhiều năm qua, tuyển nữ Việt Nam - Thái Lan cùng nhau "thống trị" khu vực Đông Nam Á, không tồn tại đối thủ thứ 3 tương xứng. Tuy nhiên, kể từ năm 2019, bóng đá nữ Philippines thay đổi về chiến lược, thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng lực lượng cầu thủ con lai trên khắp thế giới (chủ yếu tới từ Mỹ - nền bóng đá nữ mạnh bậc nhất thế giới).

Từ đó tới nay, rất nhanh chóng, bóng đá nữ Philippines liên tục gặt hái thành quả. Năm 2022, họ lần đầu tiên đoạt vé dự một VCK World Cup. Tới giải vô địch ĐNÁ cách đây ít ngày, nữ Philippines với lực lượng chủ yếu là cầu thủ con lai (22/25 người), đã đăng quang theo cách "không thể ngăn cản". Họ thắng nữ Việt Nam 4-0 ở Bán kết, thắng nữ Thái Lan 3-0 ở Chung kết.

Nhận định về sự vượt trội rất nhanh của nữ Philippines (còn vừa thua nữ Việt Nam 1-2 ở SEA Games cách đây ít tháng), BLV Quang Tùng nói:

"Tôi nghĩ ở đây có 2 chiều.

Thứ nhất, Philippines đang hoàn thiện mình, sau một quá trình chuyển đổi lực lượng sang con lai. Đây là lần thứ hai họ khẳng định được chất lượng của mình. Trước đó là khi họ có lần đầu tiên giành vé dự một VCK World Cup nữ. Trước đó ở SEA Games, họ làm chưa tốt. Nhưng giải ĐNÁ này thì họ đã khẳng định được chất lượng.

Con đường của họ đã mang về kết quả. Còn cách làm ấy đúng hay sai thì tùy từng đội bóng chứ không phải mẫu số chung. Với trường hợp của Philippines, họ có điều kiện để sử dụng lực lượng con lai một cách quyết liệt. 22/25 người của họ là con lai mà. Họ đã thay cả về lượng lẫn chất. Con đường này đi là hợp lý cho họ, mang về những kết quả tương xứng. Không quá lâu, khoảng 2-3 năm sau khi họ bắt đầu chiến dịch này, đã mang về kết quả.

Trong tương lai, tuyển Philippines có thể đứng đầu Đông Nam Á, vượt Việt Nam - Thái Lan - Ảnh 1.

Từng thắng nữ Philippines 2-1 ở SEA Games 2022, nhưng tới giải vô địch ĐNÁ 2022, nữ Việt Nam lại thua đậm 0-4 ở Bán kết.

Ở chiều ngược lại, khi nữ Việt Nam có kết quả tốt tại SEA Games cũng thắng Philippines 2-1, nghĩa là chúng ta vẫn có thể chơi ngang ngửa, thậm chí tốt hơn trước Philippines. Về mặt chất lượng, ta có thể duy trì sự cạnh tranh với đối thủ.

Nhưng bóng đá còn có vấn đề phong độ, mỗi trận đấu một khác. Việc ta thua Philippines một trận như vậy (0-4) chỉ ra rằng ở giải này, sự chuẩn bị, phong độ của chúng ta chưa tốt nhất.

Còn để khẳng định Philippines đã hơn hẳn Việt Nam chưa, thì không thể chỉ căn cứ ở kết quả 4-0. Nếu vỡ trận thì một bên thua đậm hơn bình thường là dễ hiểu.

Sự tiến bộ của Philippines không có gì bất ngờ cả. Họ sử dụng một lực lượng mạnh mẽ như vậy, thì chất lượng phải tốt lên. Với cá nhân tôi, tôi đã lo ngại sức mạnh của Philippines từ trước SEA Games 2022 cơ, rằng nữ Việt Nam có thể không thành công. Nhưng chúng ta đã làm thành công, chứng tỏ chúng ta vẫn có chất lượng.

Nhưng sức cạnh tranh của Philippines sẽ lớn hơn rất nhiều, khiến chúng ta vất vả hơn rất nhiều trong các chiến dịch tới".

Trong tương lai, tuyển Philippines có thể đứng đầu Đông Nam Á, vượt Việt Nam - Thái Lan - Ảnh 2.

Không chỉ là chức vô địch ĐNÁ năm 2022, tới đây tuyển nữ Philippines có thể sẽ "thống trị" khu vực trong nhiều năm.

Khi được hỏi, tương lai gần tới đây, liệu bóng đá nữ Philippines có bao trùm, "thống trị" khu vực Đông Nam Á hay không, BLV Quang Tùng tiếp:

"Philippines hoàn toàn có thể sẽ là đội mạnh nhất Đông Nam Á, không có gì lạ cả với lực lượng con người như thế này. Bóng đá có rất nhiều yếu tố, bao gồm câu chuyện truyền thống. Nhưng ở bóng đá nữ, vấn đề truyền thống có thể bị bỏ qua rất nhanh, nếu một bên được đầu tư lớn với lực lượng vượt trội giống trường hợp Philippines.

Tầm vóc, thể lực của họ tốt, kĩ thuật ổn thì câu chuyện còn lại chỉ là làm sao kết nối tốt với nhau, nhưng cũng không mất nhiều thời gian đâu. Ở bóng đá nữ, nhất là tại khu vực ĐNÁ, sự phát triển thấp hơn bóng đá nam rất nhiều. Yếu tố chiến thuật cũng có nhưng chưa phức tạp. Một đội bóng chỉ cần sử dụng lợi thế về thể hình, thể lực thôi cũng đã rất khó cho nữ Việt Nam và phần còn lại rồi".

BÓNG ĐÁ NỮ VIỆT NAM CẦN BIẾT CÁCH CHẤP NHẬN THỰC TẾ, TIẾP TỤC ĐẦU TƯ MẠNH ĐỂ CẠNH TRANH

Bóng đá nữ Việt Nam đã quen với việc liên tục thành công ở khu vực Đông Nam Á. Thậm chí gần đây, chúng ta còn đang vượt trên cả Thái Lan. Vậy nếu tương lai tới, bóng đá nữ Việt Nam thật sự bị Philippines vượt trên, cần nhìn nhận vấn đề thế nào. Bóng đá nữ Việt Nam cần đi con đường như thế nào?

"Đây là một câu chuyện thực sự khó, không giống các lĩnh vực khác để 1+1=2. Đây là vấn đề liên quan tới con người, tới quá trình xây dựng, phát triển của xã hội, chưa kể tới các tác động mang tính thế giới phẳng nữa.

Philippines nhập tịch được, sử dụng lực lượng con lai được còn mình không chắc đã được. Không phải vấn đề cơ chế, mà chúng ta không tìm đâu ra từng đấy con người gốc gác Việt Nam để thay đổi bộ máy nhân sự hiện tại, "thay máu" được đội tuyển.

Cơ chế có thể giải quyết được, nhưng con người lấy đâu ra? Chúng ta bây giờ có tìm hết lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài, liệu lấy được 10 cầu thủ nữ chất lượng không? Với Philippines là nhờ cả yếu tố lịch sử, gốc gác của họ thì mới làm được như vậy. Chúng ta có khởi động chiến dịch tương tự thì may ra cũng cần 10 năm nữa, mới có tín hiệu khả quan. Đấy là một vấn đề.

Trong tương lai, tuyển Philippines có thể đứng đầu Đông Nam Á, vượt Việt Nam - Thái Lan - Ảnh 3.

Trước sự vươn mình mạnh mẽ của bóng đá nữ Philippines, bóng đá nữ Việt Nam rất cần những sự ủng hộ.

Vấn đề thứ hai, ở góc độ NHM, cần nhìn nhận sự vươn lên mạnh mẽ của Philippines thế nào? Chúng ta phải xem điều kiện phát triển của bóng đá nữ Việt Nam, điều kiện con người, xã hội của chúng ta. Nếu chúng ta cứ nhìn vào hiện tại rồi bảo "thế thì đá gì", sẽ không bao giờ thấy tương lai.

Hoặc chúng ta cứ nhìn vào quá khứ, rồi bảo "Ngày xưa chúng ta nhất, sao bây giờ lại thua", nghĩa là đang lạc hậu về thông tin, về tình thế. Chúng ta phải nhìn thấy một điều là không thể thay đổi nhanh được với con người, thể trạng hiện tại. Câu chuyện thay đổi thể trạng không phải 5 – 10 năm mà có thể cần mấy chục năm. Đấy là câu chuyện mang tính xã hội rồi, là bài toán rất lớn.

Yếu tố nhập tịch, con lai thì chúng ta cũng cần tính tới, mà chắc chắn cũng tính rồi nhưng nó không phải con đường thuận lợi với Việt Nam.

Chúng ta cần có sự chia sẻ ở đây. Nếu thất bại lại đến (trước Philippines), chúng ta cần đặt vị trí ở những người làm bóng đá nữ, những cầu thủ, để hiểu vấn đề.

Và thử xét xem chúng ta đã làm gì cho bóng đá nữ. Chúng ta đã đi xem, đã đi cổ vũ họ ở cấp CLB bao giờ chưa? Chúng ta đã làm cho phong trào bóng đá nữ được phát triển rộng rãi chưa? Nếu chúng ta làm những điều đó, tôi tin NHM sẽ biết cách ứng xử phù hợp, nếu sắp tới bóng đá nữ Việt Nam có thua kém Philippines.

Chúng ta cần góp phần giúp bóng đá nữ Việt Nam phát triển. Mỗi người góp một tiếng nói, một chân tay vào giúp, chúng ta phải đi xem, ủng hộ bóng đá nữ một cách thực chất như mua vé, mua đồ lưu niệm của CLB, của tuyển… Mỗi CLB mà giờ thêm 3000, 5000 khán giả/trận thì sẽ rất khác.

Nếu chúng ta tạo được một bầu không khí sôi động cho bóng đá nữ, thì bóng đá nữ Việt Nam chắc chắn sẽ được củng cố, phát triển sâu rộng hơn. Từ đó, chúng ta sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn và hy vọng rằng khi đó, Việt Nam có thể duy trì sự cạnh tranh ở khu vực.

Chúng ta cũng không bỏ qua nguồn lực từ kiều bào ở nước ngoài. Nhưng chưa có gì khẳng định, nguồn lực ấy có thể giúp chúng ta đạt được kết quả giống Philippines".

Nhiều ý kiến cho rằng cách sử dụng lực lượng cầu thủ con lai trên tuyển quốc gia của Philippines là "xây nhà từ nóc". Nhưng LĐBĐ Philippines lại lập luận, họ cần thành tích để thúc đẩy phong trào, từ đó phát triển bóng đá nữ một cách bền vững.

Với bóng đá nữ Việt Nam, nhiều năm qua sức hút ngày càng lớn nhờ liên tiếp đoạt danh hiệu. Sự chú ý của NHM, của các đơn vị tài trợ tăng lên thấy rõ. Vậy nếu tương lai, thành tích bóng đá nữ Việt Nam sút giảm, liệu có bị NHM và các nhà tài trợ "quay lưng"?

"Cách Philippines giải thích về chiến lược của họ là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng phải chờ xem tương lai bóng đá nữ của họ phát triển thế nào, độ bền vững đến đâu. Còn việc họ cần kích hoạt thành tích, tạo ra sự hưng phấn, tạo ra nền tảng mới là tư duy logic.

Với Việt Nam, nếu chúng ta hiểu và chia sẻ, có niềm tự hào dân tộc, có góc nhìn đúng đắn, trách nhiệm thì dù tuyển nữ không còn thường xuyên vô địch AFF Cup hay SEA Games, vẫn sẽ duy trì được sức sống cho bóng đá nữ. Người Việt Nam chúng ta vẫn có đủ tấm lòng và trách nhiệm. Tôi chỉ mong là trên mạng xã hội, ở một bộ phận CĐV, nên nhìn nhận câu chuyện theo cách có trách nhiệm.

Trong tương lai, tuyển Philippines có thể đứng đầu Đông Nam Á, vượt Việt Nam - Thái Lan - Ảnh 4.

Các cô gái đá bóng của Việt Nam cần những sự chung tay, ủng hộ thiết thực để cạnh tranh với Philippines, Thái Lan...

Nếu chúng ta nhìn vào sự vươn lên của Philippines rồi nói bóng đá nữ Việt Nam sa sút, là không đúng. Chúng ta vẫn đang đi lên, nhưng tốc độ đi lên của người ta thì gấp mấy lần mình, trong một thời gian ngắn.

Công cụ, đòn bẩy của người ta là cái gì, chúng ta nhìn rất rõ. Nó khác gì câu chuyện bóng bàn Singapore đưa toàn tuyển thủ Trung Quốc về thì làm sao Việt Nam thắng được!

Ở môn bóng bàn, Singapore nhiều tuyển thủ thuộc Top 10 Trung Quốc chuyển sang. Nhưng rồi có lúc chúng ta cũng thắng, để có HCV ở ĐNÁ. Điều đó đến từ tình yêu của chúng ta, đến sự tinh thần trách nhiệm thì mới làm được như vậy. Còn ngay lập tức thì chúng ta không thể thắng được.

Trong tương lai, tuyển Philippines có thể đứng đầu Đông Nam Á, vượt Việt Nam - Thái Lan - Ảnh 5.

BLV Quang Tùng

Tất nhiên đây là chúng ta lo xa. Chưa chắc vấn đề chuyên môn của Philippines đã hơn hẳn được chúng ta. Một trận 4-0 chưa nói lên điều gì. Vì cách đó mấy tháng chúng ta vẫn thắng họ. Nhưng với chiến thắng vừa rồi của họ, với cách họ đi, thì ta cảm nhận là sự cạnh tranh đang lớn lên rồi, tương lai nữ Việt Nam sẽ khó khăn hơn.

Câu chuyện có thể không phải thế chân vạc, hay thế tay đôi Việt Nam – Thái Lan nữa. Rất có thể nó sẽ lệch và tỷ lệ của Việt Nam không phải 49-51 nữa mà chỉ là 25-30% thôi. Điều đó có thể xảy ra. Nhưng cần sự chia sẻ, hiểu biết, ủng hộ bằng hành động.

Bóng đá nữ Việt Nam vẫn phải làm, chỉ có làm và làm quyết liệt hơn, cùng bền bỉ với mục tiêu. Bóng đá nữ Việt Nam muốn nhảy vọt, thì kinh tế - xã hội cũng phải nhảy vọt mới được".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại