Triển khai tàu Izumo, Nhật gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc?

Cao Lực |

Niềm tự hào của Lực lượng Tự vệ bờ biển Nhật Bản (JMSDF), tàu JS Izumo, sẽ thực hiện hành trình chưa từng có xuyên suốt lãnh hải các quốc gia châu Á trong vòng 3 tháng tới.

Izumo là tàu lớn nhất được Nhật Bản đóng kể từ sau Thế chiến II và có hình dáng như một tàu sân bay. Giới quan chức Hải quân Nhật Bản đã mô tả con tàu này là "tàu khu trục trực thăng" có khả năng chở hơn 20 máy bay trực thăng.

Hiện tại, người dân Nhật Bản ngày càng ủng hộ Tokyo có các phản ứng mạnh mẽ hơn đối với những hành động quân sự ngang ngược của Trung Quốc xung quanh vùng lãnh hải Nhật Bản. Lực lượng Tự vệ bờ biển Nhật Bản đã tăng cường hoạt động trong khu vực sau khi Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe, quyết định nới lỏng hiến pháp đối với vai trò của lực lượng tự vệ nước này.

Việc Nhật Bản triển khai tàu Izumo đến khu vực tranh chấp biển Đông là một động thái cực kỳ nhạy cảm đối với Trung Quốc, đặc biệt là khi Tokyo mạnh mẽ tuyên bố ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lí của Bắc Kinh trên biển Đông thông qua đường chín đoạn do nước này đơn phương vẽ ra.

Phía Trung Quốc có thể lập luận rằng chỉ cần một số thay đổi nho nhỏ, Izumo có thể chở chiến đấu cơ cất cánh và hạ cánh cánh thẳng đứng, bao gồm chiến đấu cơ tàng hình F-35.

Do đó, với Trung Quốc, tàu Izumo và những bổ sung mới của JMSDF chính là biểu tượng của sự bành trướng quân sự. Tuy nhiên, với Nhật Bản, những tàu chiến ấn tượng như Izumo mang hai sứ mệnh. Thứ nhất, chúng cho thấy lập trường cứng rắn hơn của Bộ Quốc phòng Nhật Bản (JMOD) trong việc bảo vệ an ninh khu vực và quốc tế. Thứ hai, chúng thể hiện sự đóng góp quốc phòng của Nhật Bản đối với đồng minh Mỹ.

Triển khai tàu Izumo, Nhật gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc? - Ảnh 1.

Trung Quốc mới đây hạ thủy tàu sân bay nội địa tự đóng đầu tiên. Ảnh: Reuters

Hải quân và lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản trong những năm gần đây đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc đối phó tham vọng xâm chiến lãnh hải Nhật Bản của Trung Quốc.

Nổi bật là vụ tranh chấp xoay quanh quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Trước thời điểm 2012, khi chính phủ Nhật mua Senkaku từ những chủ sở hữu tư nhân người Nhật, tàu Trung Quốc ít khi xâm nhập vùng lãnh hải này. Tuy nhiên, sau khi vụ việc trên xảy ra, Trung Quốc liên tục xâm nhập khu vực này. Vào thời điểm 2012, số lượng tàu hải cảnh Nhật Bản và Trung Quốc trong khu vực Senkaku lần lượt là 51 và 40. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản ước tính đến năm 2019, số tàu Trung Quốc sẽ tăng lên 135 so với 65 của Nhật Bản.

Trong khi đó, số vụ Nhật Bản xuất kích chiến đấu cơ chặn máy bay Trung Quốc xung quanh khu vực biển Hoa Đông và Senkaku gia tăng đột biến, vượt qua con số 994 vụ/năm trong giai đoạn Chiến tranh lạnh. Chiến đấu cơ Nhật Bản tuần tra những năm gần đây cũng đối mặt với những cuộc đụng độ nguy hiểm ngày càng tăng với chiến đấu cơ Trung Quốc trên không phận biển Hoa Đông và biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại