Tổng thống Trump tái đắc cử: “Món quà chiến lược” với Bắc Kinh?

Thế giới & Việt Nam |

Trong khi ông Donald Trump tự nhận xét mình là Tổng thống Mỹ đầu tiên có thái độ cứng rắn với Trung Quốc, song nhiều học giả và nhà phân tích lại cho rằng các chính sách của ông rất có lợi cho Bắc Kinh.

Bốn lĩnh vực chiến lược

Bình luận trên BBC, Adam Ni, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Macquarie tại Sydney (Australia) nhận định Tổng thống Trump là một “món quà chiến lược” cho Bắc Kinh bởi ông chủ Nhà Trắng đang làm suy yếu vị thế quốc tế và sự đoàn kết của Mỹ vào thời điểm quan trọng – khi nước này rất cần tập trung vào các thách thức chính, trong đó có thách thức Trung Quốc.

Tác giả lập luận trong khi ông Trump thách thức an ninh kinh tế và lợi ích khu vực của Trung Quốc, ông đã thất bại trong việc đưa ra một chiến lược hiệu quả để cạnh tranh lâu dài với nước này.

Theo Adam Ni, ông Trump tạo lợi thế chiến lược cho Bắc Kinh trong bốn lĩnh vực: An ninh khu vực, thương mại, cạnh tranh chiến lược và hệ thống chính trị.

Về an ninh khu vực, cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của Chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với các vấn đề quốc tế đang làm xói mòn vị thế lãnh đạo của Mỹ, mở ra không gian cho Bắc Kinh.

Ông Trump đang làm suy yếu hệ thống liên minh và uy tín của Mỹ trong khu vực, bằng cách gây sức ép buộc Nhật Bản và Hàn Quốc phải trả nhiều tiền hơn cho quân đội Mỹ đóng tại các quốc gia này và nhắm vào các đồng minh này trong các biện pháp bảo hộ thương mại. Những điều này gây tác động sâu sắc đối với khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc trong những năm tới.

Về thương mại, nhiều thành phần cử tri quan trọng ở Mỹ đang phải vật lộn với ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Áp lực chính trị từ quá trình luận tội làm tăng thêm áp lực cho ông Trump trong việc tìm kiếm một thỏa thuận với Bắc Kinh và tuyên bố “chiến thắng”.

Về cạnh tranh chiến lược dài hạn, các chính sách của Mỹ, bao gồm với Iran, Nga và Triều Tiên, đang tạo ra khả năng chuyển hướng chiến lược. Cuộc phiêu lưu của Mỹ ở Trung Đông là một bước ngoặt chiến lược tạo nhiều bất lợi.

Mặt khác, phân hóa chính trị trầm trọng tại Mỹ dưới thời Tổng thống Trump được chuyên gia Adam Ni đánh giá là đã cho Bắc Kinh một cơ hội vàng. Ở một mức độ sâu sắc hơn, vượt ra khỏi lợi ích trước mắt, quy trình luận tội và rối loạn của hệ thống chính trị Mỹ được các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem là thất bại của nền dân chủ kiểu phương Tây. Các giá trị tự do, kiểm soát và cân bằng, và phương tiện truyền thông tự do được coi là nguồn gốc của sự bất ổn hơn là sức mạnh.

Trang Foreign Policy trích lời Yan Xuetong, một trong những nhà tư tưởng chiến lược của Trung Quốc nhận định, ông Trump, qua sự phân cực chính trị Mỹ, làm tổn hại uy tín quốc tế cũng như tư thế lãnh đạo toàn cầu từ trước đến nay của Washington, phá hoại các thỏa thuận liên minh lâu dài, tạo cho Bắc Kinh một cơ hội chiến lược lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Tốt cho Trung Quốc về lâu dài

Giới ủng hộ ông Trump có thể phản biện rằng việc ông khơi mào một cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, cấm Huawei tham gia vào hệ thống mạng 5G của Mỹ rõ ràng là thái độ hết sức cứng rắn với Bắc Kinh. Vậy tại sao những chuyên gia này lại cho rằng sự hiện diện của ông tại Nhà Trắng là điều có lợi Trung Quốc?

Paul Haenle và Sam Bresnick, đồng tác giả của bài xã luận trên Foreign Policy, giải thích: “Đối với Bắc Kinh, nhược điểm của ông Trump quan trọng hơn những hành động phô trương của ông. Trong nhiều cuộc thảo luận riêng với các quan chức chính phủ và học giả Trung Quốc, chúng tôi thấy rằng ngày càng nhiều người trong số họ đang mong ông Trump tái đắc cử năm tới”.

Theo 2 chuyên gia này, vào thời điểm ảnh hưởng chính trị và khả năng quân sự của Trung Quốc đang tăng lên thì ông Trump đã dành cho Bắc Kinh một không gian để mở rộng ảnh hưởng trên khắp châu Á. Quan trọng hơn nữa ông đã làm suy yếu một cách toàn diện thế lãnh đạo toàn cầu của Washington. Thậm chí, nhiều người trong giới trí thức Trung Quốc còn kết luận rằng các chính sách của ông Trump là chiến lược rất tốt cho Trung Quốc về lâu dài.

Bên cạnh đó, việc ông Trump gây tổn hại cho các thể chế và cơ chế quản trị toàn cầu cũng giúp Bắc Kinh được lợi đáng kể. Chính quyền Tổng thống Trump đã bỏ việc sử dụng các tòa án của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong việc giải quyết các khiếu nại thương mại và ngăn chặn cuộc bổ nhiệm vị trí trong cơ quan phúc thẩm của tổ chức. Những hành động này không chỉ cản trở hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại quan trọng nhất của thế giới mà còn thúc đẩy các quốc gia khác xem thường luật pháp quốc tế.

Trong khi ông Trump đang hủy bỏ các hiệp định thương mại hợp tác vốn là trung tâm của chính sách kinh tế quốc tế của Mỹ thì Bắc Kinh đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một thỏa thuận sẽ ràng buộc Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Zealand, và 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành một khối thương mại lớn nhất thế giới.

Nếu học giả Bắc Kinh mong cho ông Trump tái đắc cử vì cho rằng sự có mặt của ông trong Nhà Trắng có lợi cho Trung Quốc, thì giới ủng hộ ông Trump cũng mong ông nắm quyền lực thêm bốn năm nữa, nhưng với một lý do hoàn toàn trái ngược. Những người ủng hộ ông tin rằng chỉ ông Trump mới hóa giải được Trung Quốc, và ông là vị Tổng thống thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ với nước này.

Dù vậy, không phải mọi học giả hay quan chức Trung Quốc đều muốn ông Donald Trump giữ chức Tổng thống Mỹ thêm 4 năm nữa. Một số người cho rằng chính sách của ông Trump gây bất lợi cho cả lợi ích của Trung Quốc lẫn Mỹ, và có thể khiến trật tự quốc tế bị ảnh hưởng sâu sắc cũng như làm sự trỗi dậy của Bắc Kinh phức tạp thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại