Toan tính của Nhật khi hợp tác quốc phòng với Ukraine

Tuấn Hưng |

Để gia tăng sức ép vào Nga, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, Nhật và Mỹ đã có chiến thuật của mình bằng cách hậu thuẫn cho Ukraine.

Nhật tăng cường hợp tác

Trong buổi đàm phán tại sự kiện ngoại giao với Đại sứ Nhật Bản tại Ukraine Sumi Shigeki mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak cho biết, cùng với Mỹ là quốc gia tài trợ nhiều về mặt quân sự cho Ukraine, từ năm 2014 Kiev cũng đã nhận được viện trợ quân sự từ Nhật Bản với trị giá 1,85 tỷ USD.

"Mặc dù hai nước có khoảng cách khá xa nhau về mặt địa lý nhưng quan hệ giữa Ukraine với Nhật Bản đang trở thành điển hình cho việc xây dựng các mối quan hệ hiệu quả. Chúng tôi hy vọng rằng hai bên sẽ tiếp tục phát triển và củng cố quan hệ song phương", người đứng đầu quân đội Ukraine nhấn mạnh.

 Toan tính của Nhật khi hợp tác quốc phòng với Ukraine  - Ảnh 1.

Ukraine tiếp nhận gói viện trợ quân sự từ Mỹ hồi đầu năm 2015

Tại sự kiện này, Bộ trưởng Poltarak đã trao cho Đại sứ Shigeki Huân chương Danh dự của Ukraine. Có mặt tại buổi đàm phán trên, tham tán quân sự Đại sứ quán Nhật Bản tại Ukraine Akihiro Haru cũng đã được trao tặng Huân chương "Vì sự giúp đỡ cho Lực lượng vũ trang Ukraine".

Về phần mình, Đại sứ Nhật Bản tại Ukraine cho biết phía Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với Bộ Quốc phòng Ukraine nhằm giúp Ukraine xây dựng quân đội hùng mạnh, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, cũng như củng cố quan hệ giữa Bộ Quốc phòng hai nước.

Cùng với các gói viện trợ trực tiếp cho phát triển quốc phòng từ Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Ukraine còn cho biết, các bệnh viện quân sự của họ mới đây cũng đã nhận được các trợ giúp trang thiết bị với trị giá 2,5 triệu USD.

Toan tính của Mỹ

Cùng với Nhật Bản, hiện nay Mỹ là nhà đầu từ được coi là lớn nhất vào Ukraine, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự và công nghiệp quốc phòng. Từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã sử dụng mọi phương án có thể, tuy nhiên vẫn chưa tìm được một biện pháp trừng phạt nào mang tính tối ưu đối với Moscow.

Việc chính phủ Mỹ cùng một số doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu của của nước này đầu tư vào Ukraine cũng được xem là hành động mở rộng và gia tăng sức ép của Washington đối với Moscow.

Thông qua hợp tác và đầu tư vào công nghiệp quốc phòng Ukraine, Mỹ có thể nắm được những tài liệu gốc về vũ khí, trang bị kiểu Nga với giá rẻ, từ đó giành lợi thế trong đối kháng quân sự và gây sức ép lên hoạt động xuất khẩu vũ khí của Moscow sau này.

Nga và Ukraine đều có thực lực công nghiệp quốc phòng rất mạnh, đặc biệt là Kiev có thể cạnh tranh ngang ngửa với Moscow trong các lĩnh vực động cơ máy bay, tàu thuyền; tàu mặt nước cỡ lớn; máy bay vận tải hạng nặng; tăng-thiết giáp và thiết bị điện tử chính xác.

Hiện nay, Ukraine cũng đang có trong tay một số cơ cấu quốc phòng nổi tiếng, đội ngũ các nhà khoa học và hàm lượng tích lũy công nghệ trong một số lĩnh vực ngang bằng, thậm chí vượt cả Nga.

Vấn đề mấu chốt là Nga và Ukraine có sự tương đồng về trang bị, vũ khí chủ chốt và các tiêu chuẩn kỹ thuật. Do đó, việc đầu tư ồ ạt vào ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine có thể sẽ giúp Mỹ nắm được các tài liệu kỹ thuật tiệm cận trình độ những vũ khí trang bị hiện có của Nga.

Điều này sẽ có vai trò rất quan trọng đối với việc khám phá những bí mật của nền công nghiệp quốc phòng và tính năng vũ khí trang bị của Nga, đồng thời sẽ có tác động trực tiếp đến việc gia tăng sức ép lên thị trường xuất khẩu vũ khí Nga trong tương lai.

Trước tình trạng nguy cấp của Kiev và trong tình hình tương đối hòa bình hiện nay, đầu tư của Mỹ vào Ukraine sẽ không bao giờ lỗ, thậm chí còn là quá hời đối với Washington.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại