Tình kháng chiến hay câu chuyện về một chiến sỹ tình báo

Xuân Ba |

Những ngày tản cư về trọ nhà tôi ở làng Việt Yên cuối năm 1949 còn gọi là Làng Lon là quãng thời gian khó của vợ chồng bác giáo Tiến.

Xa ngái làng Lon

Những ngày tản cư về trọ nhà tôi ở làng Việt Yên cuối năm 1949 còn gọi là Làng Lon là quãng thời gian khó của vợ chồng bác giáo Tiến.

Làng Lon mười tám nóc nhà… Câu ấy có lẽ về sau chứ hồi ấy đâu đủ 18 hộ? Dân túng đói quanh năm. Ăn còn chẳng đủ biết gì đến cái màn. Cứ chặp chiều một thứ âm thanh nghe rờn rợn là tiếng đập cánh và có thể là tiếng kêu của hàng vạn muỗi vằn muỗi thường, hợp nên thứ âm thanh u quái, khiếp. Nạn sốt rét hoành hành. Có thời làng quang cả người vì chứng sốt rét bụng báng. Chứng sưng lách ấy mau chết lắm. Người qua được cũng chả thọ.

Khi đã lơn lớn, qua chỗ chuồng trâu có mấy cột gỗ nhãn mà giống mọt kẽo kẹt lâu ngày đã thành thứ hình khối lỗ chỗ khá bắt mắt, mẹ tôi lại nhắc chuyện về bác giáo Tiến.

Tình kháng chiến hay câu chuyện về một chiến sỹ tình báo - Ảnh 1.

Hiếm hoi cuộc gặp giữa ông bà bác giáo Tiến và mẹ tôi năm 1984 ở Hà Nội

Chuyện, hai vợ chồng bác giáo tản cư hơn một năm đã phải ở tạm gian chuồng trâu này. Nhà chật ở chung mãi không tiện. Thày tôi thưng tạm thành một gian. Ở riêng thì phải ăn riêng. Hai vợ chồng bác giáo chẳng nghề ngỗng chẳng biết làm thứ gì cho ra miếng ăn nơi xứ lạ khỉ ho có gáy này. Có lẽ trông chờ vào chút tiền vụn giắt lưng theo từ khi rời Hà Nội, Khu Ba. Thi thoảng thày mẹ tôi cũng có chút san sẻ.

Cái niêu đất nhà bác giáo có tí gạo cõng lổn nhổn những sắn nạo cùng củ dong riềng. Cái giống dong riềng nạp vô bụng khi đói, xót ruột lắm. Nhưng không dằn bụng thì biết lấy thức gì thế vô? Bác giáo trai hăm hở miệt mài câu cá ngoài đồng chiêm. Thời ấy cá mú sẵn. Một hôm, được con cá sộp rõ to, bác phấn khởi oang oang từ ngoài ngõ. Đám hương nông (tự vệ) vốn ghét dân tản cư, ngứa mắt tịch thu nói cá là tài sản chung rồi ra lệnh cấm câu. Thày tôi nói cũng chả lại…

Bác giáo Tiến, hồi đầu chưa có cái tên ấy? Chỉ khi bác nhiệt thành bày tỏ với thày tôi là thưa với lãnh đạo xã cho bác làm công tác bình dân học vụ. Cả hai vợ chồng đều tham gia nhiệt tình. Bác giai tích cực nhất. Họ năng nổ nhiều việc của nông hội như đổi công và cả làm thuê làm mướn nhưng việc chính vẫn là lên lớp ở cái sân đất nện phẳng phiu nhà tôi. Có nhiều buổi tranh thủ học đêm. Lứa các cụ trật tuổi mẹ tôi trong làng đã võ vẽ đọc được sách báo nhờ vào cách truyền thụ theo cung cách mà sau này mới biết là của ông Hoàng Xuân Hãn “O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội nón Ơ thì thêm râu”. Nhưng rồi sau này khi vợ chồng bác giáo chuyển đi thì mẹ tôi tái mù chữ cho đến tận ngày về với ông bà năm 90 tuổi!

Thày tôi từng nhiệt tình khuyến khích bác giáo tham gia công tác bình dân học vụ và thuế nông nghiệp một thời gian sau, người lại khuyến khích ý đồ kinh doanh hơi bị lạ của bác giáo! Ấy là việc mở một cái quán ngay dưới chân Cây Cáo Một. Cây gạo (quê tôi gọi là cáo) cổ thụ cách làng hơn cây số gần Dốc Cuội hay Eo Cuội. Con dốc ngày đó khá hiểm trở bắt vào huyện Thạch Thành có những địa danh như Kim Tân gần với Rịa Nho Quan gần như tụ điểm của vùng tự do kháng chiến Khu Tư.

Cái quán cháo (cháo hoa nấu loãng ăn với cà muối), nước chè xanh và kẹo bột của hai vợ chồng bác giáo tản cư thèo đảnh dưới Gốc Cây Cáo Một, một dạo dài khá xôm tụ dân tản cư. Rồi cứ vắng dần. Họa hoằn cả buổi mới có khách ghé. Đến tận bây giờ nhiều bậc cao niên làng Lon vẫn rành rẽ chi tiết hồi ấy làm lụng ở mấy thửa gần quán, thi thoảng lại vọng ra chất giọng thanh thanh của chị Giáo “Con lỗi phép ông/ bà bát cháo nhé”. Ấy là nhà bác Giáo đang qua bữa bằng nồi cháo hoa ế khách.

Một thời gian sau quán đóng cửa. Cô con gái đầu lòng đặt tên là Hiền còn đỏ hỏn đã phải cùng gia đình bác Giáo dạt mãi lên mạn Kim Tân. Chỗ họ đậu lâu nhất là xã Thành Long, vùng đa số người Mường. Thày tôi thi thoảng vẫn từ làng Lon, cuốc bộ qua Dốc Cuội hơn chục cây số lên Thành Long thăm gia đình bác giáo. Rồi chuyện khắp làng cái tin hai vợ chồng bác giáo vẫn tham gia bình dân học vụ và thuế nông nghiệp lại được địa phương chia ruộng cày cấy. Nhưng vẫn chưa quen việc làm nông. Hẵng còn lóng ngóng lắm!

Lóng ngóng. Ấy là sau này nghe mẹ tôi cứ mỗi lần nhắc chuyện bác giáo lại chép miệng pha chút thở dài. Chuyện về những ngày gieo neo của người Hà Nội tản cư. Bác giáo, hai vợ chồng người cứ trắng như cái ngó cần. Chẳng hề biết chi cái việc cày bừa cấy hái mà cứ phải nhao ra đồng ra ruộng. Bác giai đánh cái áo ba túi lụng thụng. Một bên túi thường xuyên thõng xuống, không bỏng ngô thì ngô rang để nhấm nháp cho đỡ cơn đói. Xo xúi tất tả là thế mà cấm thấy hai vợ chồng gắt gỏng nặng lời. Có chuyện chi thì cả hai dùng tiếng Pháp với nhau nên bà con xóm giềng chịu không biết họ có chuyện gì!

Những cuốn họa báo ngoại quốc

Khoảng giữa năm 1960.

Thày tôi tiếp được thư của anh cả tôi là cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Tuyên Quang báo tin anh đã nhập ngũ. Trước khi vào bộ đội anh đã gửi cái xe đạp Thống Nhất cùng mấy thứ lặt vặt ở nhà bác giáo Tiến!

Mẹ tôi thức suốt đêm để chế món bánh gai gạo nếp đỗ xanh cho thày tôi mang ra Hà Nội làm quà. Mẹ tôi gói một mo tướng cơm nếp lạc. Mấy quả trứng gà luộc cho thày tôi ăn đường. Lần đầu tiên người đi Hà Nội. Bằng tàu hỏa.

Thày tôi được gia đình bác giáo lưu lại chơi Thủ đô hơn mười ngày nhưng chuyện thày kể cho bà con làng Lon về nhà bác giáo Tiến, về chuyến đi Hà Nội thì có cả nhiều năm sau…

Rồi cứ đều đặn hằng tháng, anh bưu tá giao thông xã lại trực tiếp đưa đến làng Lon bọc dày cộp bưu phẩm. Quà của bác giáo Tiến. Đó là những cuốn họa báo của Lào, của Rumani, của Pháp. Ấn phẩm của những cơ quan Đại sứ quán các nước ấy tại Việt Nam mà bác giáo Tiến đã lần lượt tòng sự.

Khỏi nói niềm vui của gia đình tôi đặc biệt là lứa tuổi tôi hân hoan khi có được những tờ họa báo sặc sỡ còn thơm phúc mùi mực in. Thứ này bọc sách bọc vở rất tuyệt, được phân phát cho khắp làng. Nhiều nhà đem trưng, dán lên tường nay vẫn đang còn!

Còn tôi một đêm lạnh năm 1972, lần đầu đến Hà Nội theo lộ trình nhập học đã rụt rè lẫn háo hức gõ cửa ngôi nhà 22 phố Châu Long. Nhà bác giáo Tiến.

Những năm ở khoa Ngữ văn ĐHTH, cứ vài tuần tôi lại ghé phố Châu Long. Ký ức ấm áp là những bữa cơm gia đình ấm bụng. Thi thoảng bác gái lại dúi cho mấy đồng bạc lẻ.

Kết thúc thời sinh viên, nhà tôi xảy ra biến cố lớn. Thày tôi vướng K dạ dày. Mấy tay BS Bệnh viện Thanh Hóa ngu dốt lại làm ẩu. Mổ nhưng nối ngược quai. Hậu quả là uống tí nước vô là nôn!

Còn nước còn tát. Ông anh cả và ông anh hai (anh đã mất năm 2003) cậy nhờ bác giáo Tiến đưa thày ra bệnh viện Việt Đức...

Chuyện về nhân viên Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu

Cái làng Lon xa ngái thi thoảng lại trở lại trong câu chuyện với bác giáo Tiến khi bác đã hưu.

Tôi hơi bị choáng khi lần ấy bác giáo Tiến đã nhẩn nha rành rẽ về một quá vãng.

Trước khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945, anh thanh niên Phạm Duy Tiến 19 tuổi đã được giác ngộ cách mạng. Từng là tổ trưởng Tổ Thanh niên cứu quốc khu Bộ Việt Minh thành Hà Nội. Sau Cách mạng Tháng Tám, Phạm Duy Tiến trong Ban tuyên truyền Thành bộ Việt Minh, kiêm Tiểu đội trưởng chiến đấu thuộc Đại đội Nguyễn Trang, Tiểu đoàn Hồng Kỳ thuộc Trung đoàn Siêu Hải Hà Nội.

Tình kháng chiến hay câu chuyện về một chiến sỹ tình báo - Ảnh 2.

Một trang lý lịch bác Tiến lưu ở Bộ Ngoại giao

Rồi Phạm Duy Tiến được Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu lựa chọn. Năm 1947, ông trở thành nhân viên mật của Ban tình báo Liên Khu I thuộc Bộ Tổng tham mưu hoạt động đơn tuyến. Sau đợt tập nghiệp vụ ở Ỷ La, Tuyên Quang, Tổ trưởng tổ tình báo thuộc chi tình báo Bắc Kạn Phạm Duy Tiến được tung vào Khu Tư hoạt động dưới vỏ bọc dân tản cư.

Và kế đó là những ngày gian nan gieo neo ở làng Lon rồi làng dân tộc Mường Vân Du thuộc xã Thành Long của Khu Tư như đã kể trên.

Tôi cứ nghĩ mãi về bác Tiến gái.

Con gái một gia đình tư sản có máu mặt ở Hà thành ấy gần như đã theo không người yêu mình là chiến sĩ tự vệ Thành Hà Nội. Đám cưới của họ được tổ chức vội vã gần thời điểm Hà Nội ầm vang 19/12/1946, Ngày Toàn quốc kháng chiến.

Cho đến tận thời điểm này, tôi vẫn chưa hay rằng bác Tiến gái có biết công việc nhiệm vụ của bác giai không mà dám cùng chồng dấn thân vào chốn tản cư mịt mùng gian khó? Đâu phải ngày một ngày hai mà dằng dặc hơn 9 năm giời?

Mẹ tôi kể, lần đầu tiên lội ruộng gặp đỉa, bác gái đã ngất xỉu, hết thoa dầu đánh gió mãi mới hồi lại được! Ấy thế mà rồi phải quen!

Những chịu đựng trải nghiệm thời kháng chiến gian nan đã biến cô gái Hà thành trở nên có một nghị lực đáng nể! Tôi đã chứng kiến gia đình bác giáo nhất là bác gái đã chịu đựng cú sốc chị Hiền, rồi em Tâm bao năm tật bệnh rồi tuột khỏi những vòng tay thân yêu của người thân ra đi!

Trở lại cái quán cháo hoa cà muối ở chân Cây Cáo Một thuở ấy theo sáng kiến của bác giai được thày tôi khuyến khích chính là cái Trạm tin trong đường dây hoạt động. Mãi sau này tôi mới mang máng cái thế đắc địa của làng Lon và sau này là Vân Du mà gia đình bác Giáo từng ở. Hồi những đường 45, 44 qua làng tôi chỉ là vệt đường mòn chưa thênh thang như bây giờ nhưng đó là những lối tắt để gần với quốc lộ số Một, những con lộ 217, 45B thông với đường chiến lược 15A, 15B là những huyết mạch khu Ba với Khu Bốn!

Tình kháng chiến hay câu chuyện về một chiến sỹ tình báo - Ảnh 3.

Nơi ngày ấy là Quán Cháo Cây Cáo Một

Từ cái quán thèo đảnh này, những báo cáo về tình hình địch ở đầu mối Khu Ba và Khu Tư, về vài tổ chức tôn giáo trá hình, về tình hình thuế nông nghiệp… đã được tình báo viên Phạm Duy Tiến đều đặn báo cáo về cấp trên, về Bộ Tổng tham mưu.

… Tôi nhớ mình đã háo hức hỏi bác giai rằng, cái hồi thày tôi ra Hà Nội, bác có hé cho biết cái vỏ bọc hợp pháp của mình không?

Bác giai cười, trước khi lảng sang chuyện khác rằng “Nói mà làm gì! Ông ấy chẳng biết hết… Nhưng mang máng từ lâu rồi… Bố cậu là đảng viên từ năm 1947 cơ mà!”.

Cái nghề tình báo! Cụm từ ấy huyền bí, cao xa mà cũng thật giản dị.

Khi nghe bác gái kể lại là trở về Hà Nội sau ngày Giải phóng Thủ đô, bác giai đã phải đi trông giữ xe đạp đi làm bảo vệ ở công sở này khác một thời gian. Tôi cứ nghĩ là cách kiếm sống trong những ngày khó khăn? Nhưng đó chỉ là vỏ bọc… Cũng như cái công việc từng là Trưởng Ban bảo vệ Kiêm Phó Ban Đại biểu dân phố Khu Hai Bà Trung, đột nhiên nhảy sang làm công tác Quản trị ở Đại sứ quán Rumani và Lào. Rồi thoắt cái bác lại là phụ trách Công đoàn các cơ quan Sứ quán trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam. Rồi có thời gian là tùy viên văn hóa Lãnh sự Pháp tại Hà Nội vv…

… Một dịp giỗ thày ở quê nhà làng Lon, tôi và người anh cả (người đã gửi đồ ở nhà bác giáo trước khi vào bộ đội) cùng ngồi lâu với Phạm Duy Hiến, người con trai trưởng của bác giáo Tiến. Có lẽ Hiến là người nối được cái nghề ngoại giao của bố? Từng kinh qua bộ đội nhiều năm, Hiến chuyển sang Bộ Ngoại giao. Từng là cán bộ Sứ quán Việt Nam tại nhiều nước ở châu Âu, nay cũng đã hưu.

Tình kháng chiến hay câu chuyện về một chiến sỹ tình báo - Ảnh 4.

Cuộc hội ngộ 2 người con trưởng

Chuyện nối chuyện. Khi ngậm ngùi, khi sôi nổi về một quá vãng gian khó, thương mến. Anh tôi chỉ cho Hiến chỗ bác giáo hay ngồi bởi sau này, mấy lần hiếm hoi từ khu nghỉ mát Sầm Sơn của Bộ Ngoại giao, bác giáo hối hả tranh thủ nhảo qua thăm lại bà con ở Làng Lon.

…Những sải chân chúng tôi như thật chậm qua nơi chị Hiền đã từng cất tiếng khóc chào đời. Và Cây Cáo Một thuở ấy (nay đã không còn) địa danh từng lưu lại những bóng hình thân yêu thời kháng chiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại