Tình hữu nghị 'không giới hạn' Nga-Trung gặp thử thách: Mỹ tăng trừng phạt, giao thương hai nước sụt giảm

Hữu Hiển |

Các ngân hàng Trung Quốc đang thắt chặt giám sát giao dịch với Nga vì lo sợ phải chịu các lệnh trừng phạt mới của Mỹ liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Theo AFP, thương mại của Trung Quốc với Nga đã đạt mức cao kỷ lục trong những năm gần đây, làm dấy lên cáo buộc rằng nước này đang giúp thúc đẩy nền kinh tế của đồng minh lâu năm, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Trung Quốc trong hai ngày 16 và 17/5.

Tình hữu nghị 'không giới hạn' Nga-Trung gặp thử thách: Mỹ tăng trừng phạt, giao thương hai nước sụt giảm- Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 18/10/2023. Ảnh: Reuters

Nhưng việc Washington gần đây tuyên bố sẽ truy lùng các tổ chức tài chính hỗ trợ Moscow tài trợ cho cuộc xung đột đã đặt ra thử thách với sự thân thiện của Bắc Kinh, và khiến các ngân hàng Trung Quốc lo sợ bị trừng phạt.

Một lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 12/2023 cho phép các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng nước ngoài giao dịch với những thực thể tham gia vào cỗ máy chiến tranh của Nga, cho phép Bộ Tài chính Mỹ loại các ngân hàng đó ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu được dẫn dắt bởi đồng đô la.

Kể từ đó, một số ngân hàng Trung Quốc đã tạm dừng hoặc làm chậm lại các giao dịch với khách hàng Nga, những người có liên quan đến thương mại xuyên biên giới ở cả hai nước cho biết.

"Hiện tại, rất khó để kiếm được tiền từ Nga", một nhà bán buôn quần áo Trung Quốc cho biết khi ông ngồi bên ngoài cửa hàng của mình tại một trung tâm thương mại rộng lớn ở Bắc Kinh.

"Các ngân hàng không đưa ra lý do... nhưng có lẽ là do mối đe dọa (từ các lệnh trừng phạt) từ Mỹ", ông nói khi một số du khách Nga đang xem qua các kệ hàng.

Một thương nhân Trung Quốc khác cho biết, các ngân hàng đang áp dụng biện pháp kiểm tra bổ sung đối với các hoạt động thanh toán xuyên biên giới để loại trừ mọi nguy cơ bị trừng phạt. Việc kiểm tra này có thể mất nhiều tháng và làm tăng chi phí, gây ra khủng hoảng dòng tiền tại các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhỏ hơn.

Một chủ doanh nghiệp người Nga nói với AFP rằng, họ buộc phải dừng các hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc và quay trở lại Nga vì họ "không thể nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ khách hàng".

Các thương nhân từ chối nêu tên do tính nhạy cảm của việc thảo luận về mối quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và Moscow.

Việc thanh toán gặp khó trùng hợp với sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga trong tháng 3 và tháng 4, giảm so với mức tăng đột biến hồi đầu năm nay.

Pavel Bazhanov - luật sư chuyên phục vụ các doanh nghiệp Nga tại Trung Quốc - nói với AFP rằng: "Mặc dù các lệnh trừng phạt được áp dụng để (cản trở) việc xuất khẩu một số mặt hàng từ Trung Quốc, nhưng chúng cũng có một số tác động đến thương mại thông thường."

Sự chậm lại trong quá trình xử lý thanh toán trái ngược "hoàn toàn" với việc xử lý nhanh chóng các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ trong quá khứ, Bazhanov nói.

"An toàn là trên hết"

Theo số liệu hải quan Trung Quốc, thương mại giữa nước này và Nga đã bùng nổ kể từ khi xung đột tại Ukraine bắt đầu, và đạt 240 tỷ USD vào năm 2023.

Tuy nhiên, thông tin cho rằng các công ty Nga đang gặp khó khăn trong việc thanh toán với các ngân hàng Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện trên các kênh truyền thông Nga vào đầu năm nay.

Điện Kremlin đã thừa nhận vấn đề này vào tháng 2, và người phát ngôn Dmitry Peskov sau đó đã chỉ trích áp lực "chưa từng có" của Mỹ đối với Trung Quốc.

Mặc dù Bắc Kinh chưa từng công khai thừa nhận sự chậm trễ trong việc thanh toán, nhưng Bộ Ngoại giao nước này nói với AFP rằng họ phản đối "các biện pháp trừng phạt đơn phương và bất hợp pháp của Mỹ".

Alexander Gabuev - giám đốc Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia ở Berlin - cho biết: "Việc tìm hiểu xem các khoản thanh toán có liên quan đến tổ hợp công nghiệp - quân sự của Nga hay không đang tạo ra một thách thức đáng kể cho các công ty và ngân hàng Trung Quốc."

"Họ đang hoạt động theo nguyên tắc an toàn là trên hết, và giảm khối lượng giao dịch", Gabuev nói với AFP.

Hạn chế cạnh tranh với Mỹ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện tình hữu nghị "không giới hạn" giữa hai nước. Và nhà lãnh đạo Nga đã lên kế hoạch thăm Trung Quốc trong hai ngày 16 và 17/5.

Tuy nhiên, tăng trưởng nội địa chậm lại ở Trung Quốc đã tạo ra động lực để Bắc Kinh cố gắng không gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế của mình, William Pomeranz – chuyên gia thuộc tổ chức tư vấn Wilson Center có trụ sở tại Washington - cho biết.

Các chuyên gia khác cho biết, sự thận trọng gần đây của các ngân hàng Trung Quốc phản ánh mong muốn của Bắc Kinh trong việc hạn chế cạnh tranh với Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ổn định trong những tháng gần đây sau những tranh cãi kéo dài nhiều năm về thương mại, công nghệ và các vấn đề khác.

Wang Yiwei - người đứng đầu Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc - cho biết, giới chức Trung Quốc có thể đã chỉ đạo các ngân hàng xem xét kỹ lưỡng các khoản thanh toán của Nga để đảm bảo chúng không tạo ra "vấn đề gây chia rẽ trong cuộc bầu cử Mỹ".

Học giả quan hệ quốc tế Shen Dingli ở Thượng Hải cho biết, Bắc Kinh sẽ không để một ngân hàng lớn tài trợ cho cuộc chiến của Nga.

"(Họ) sẽ không để Mỹ lựa chọn áp đặt các biện pháp trừng phạt hoàn toàn", Shen nói.

Tình hữu nghị 'không giới hạn' Nga-Trung gặp thử thách: Mỹ tăng trừng phạt, giao thương hai nước sụt giảm- Ảnh 3.

Ký hiệu đồng nhân dân tệ bên trong một ngân hàng ở Hồng Kông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters


Hệ thống tài chính không có đồng bạc xanh

Các chuyên gia cho biết, một phần của giải pháp có thể là một động thái được khuyến khích từ lâu bởi các quốc gia muốn bảo vệ mình khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ: hệ thống tài chính độc lập với đồng đô la Mỹ.

Alexandra Prokopenko - cựu cố vấn tại Ngân hàng Trung ương Nga - nói với AFP rằng, việc Moscow chuyển trục sang châu Á trong thời chiến đã chứng kiến "sự tinh chỉnh của hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng tiền tệ quốc gia (nhân dân tệ và rúp)".

Hệ thống này cho phép các ngân hàng bỏ qua cơ sở hạ tầng tài chính truyền thống như hệ thống nhắn tin SWIFT, bảo vệ họ khỏi tác động của các biện pháp trừng phạt, Prokopenko nói.

Nhưng những trục trặc trong hoạt động thanh toán hiện tại cho thấy cách tiếp cận đó "không phải là thuốc chữa bách bệnh", Prokopenko nói với AFP.

Tuy nhiên, "Moscow và Bắc Kinh khá thành thạo trong việc thích ứng với các quy trình trong một môi trường luôn thay đổi", bà nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại