Tiến sĩ kinh tế xấu hổ cảnh xả rác ngập bãi biển của người Việt

Hoàng Đan |

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, có nhiều dịp đi tới các địa điểm của Việt Nam, ông đã cảm thấy rất xấu hổ trước việc xả rác ngập bãi biển, khu du lịch của người Việt.

Thói quen xấu của người Việt

Kết thúc đợt nghỉ lễ kéo dài 4 ngày, nhiều du khách trở về với cuộc sống thường nhật, để lại những bãi biển, khu du lịch, vui chơi ngập ngụa rác thải.

Chưa kể, trong những ngày đó, tại không ít điểm vui chơi, du lịch, cảnh đông nghẹt người dẫn đến chen chúc, tắc đường rồi nạn chặt chém giá cả liên tục diễn ra.

Trao đổi với chúng tôi Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, người có nhiều năm sống ở nước ngoài cho hay, mỗi năm ở nước ta có những kỳ nghỉ lễ lớn như Tết Âm lịch, rồi nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Trong năm nay, 3 kỳ nghỉ lễ Tết âm lịch, giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5 là những kỳ nghỉ dài ngày, tần suất gần nhau.

"Trong thời gian khoảng 4 tháng mà có những kỳ nghỉ dài như thế thì về mặt kinh tế là điều bất lợi, bởi sau các kỳ nghỉ này thì nền kinh tế sẽ lại phải bắt đầu lại chu kỳ mới của nó.

Thứ hai là do nghỉ dài ngày, người dân có phương tiện đi lại du lịch nên cảnh đông đúc, chen chúc, chặt chém, phục vụ kém ở các khu du lịch là điều dễ xảy ra.

Nhưng một vấn đề là nhiều người dân Việt Nam lại rất thiếu ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, vệ sinh công cộng.

Điều này không chỉ làm gia tăng chi phí xã hội mà hiệu quả kinh tế cũng bị tác động mạnh. Đó là còn chưa kể đến vấn đề bia rượu, mất an toàn giao thông...", TS Hiếu nói.


TS Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Báo Lao động.

TS Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Báo Lao động.

TS Hiếu cũng bày tỏ, ông đã đi đến nhiều khu du lịch, bãi biển của Việt Nam và cảm thấy rất xấu hổ khi phải chứng kiến cảnh xả rác thản nhiên, vô tư của không ít du khách.

"Nhất là ở một số khu du lịch, bãi biển, tôi từng chứng kiến cảnh ngập ngụa những rác thải từ mẩu thuốc lá, các vỏ que kem, hoa quả, đến túi nilon... của du khách vứt lại. Thực tình, khi thấy những cảnh đó tôi có cảm giác rất xấu hổ.

Người Việt mình có cái thói quen rất xấu là cứ chỗ nào vứt rác được là vứt mà không đi tìm những chỗ có thùng rác hay nơi thu gom rác để bỏ vào.

Chưa kể, không chỉ trẻ em mà chính những người lớn tuổi cũng hồn nhiên vứt rác bừa bãi. Điều đó, cho thấy rõ ràng là ý thức bảo vệ môi trường của chúng ta còn quá yếu kém", TS Hiếu chia sẻ.

Vị TS từng nhiều năm sống ở nước ngoài cũng cho hay, ở những nước ông từng sinh sống, đi qua như Mỹ... cũng có những bãi biển đông đúc người nhưng ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường rất cao.

"Ở các bãi biển của họ cũng đặt rất nhiều các thùng chứa rác để tạo điều kiện cho người dân bỏ rác đúng quy định.

Tuy nhiên, chính người dân từ người lớn cho tới trẻ em ở đây đều rất có ý thức trong việc tìm đến các thùng, nơi chứa tác để bỏ rác chứ không vứt bừa bãi ở bãi biển như ở chúng ta.

Chưa kể, dù đông nhưng họ rất trật tự, nhã nhặn, không có những cảnh chặt chém, chen chúc như chúng ta", ông Hiếu cho biết thêm.

Ông Hiếu cũng cho hay, ở Việt Nam với các kỳ nghỉ lễ dài như thế này, nếu không có việc gì quan trọng phải đi tới các tỉnh thì ông thường ở lại thành phố để tận hưởng cảnh thưa vắng, giao thông đi lại an toàn, an lành.

"Tôi nghĩ rằng, những ngày nghỉ dài với ai không phải đi xa mà ở lại địa phương, thành phố của mình thì có lẽ sẽ hưởng thời gian an bình nhất", TS Hiếu nói thêm.

Giải pháp nào?

Theo TS Hiếu, để giải quyết vấn đề đông đúc, chặt chém, ngập ngụa rác ở các khu du lịch, bãi biển thì việc đầu tiên cần làm là không nên để những ngày nghỉ lễ kéo dài gần nhau.

"Những kỳ nghỉ lễ dài không nên quá gần nhau như thế này. Thứ hai nữa, chúng ta nên để cho các doanh nghiệp tự điều chỉnh kỳ nghỉ của họ chứ không nên có những kỳ nghỉ lễ quốc gia bắt buộc và tất cả các cơ sở phải đóng cửa như thế này.

Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, người dân nào có nhu cầu đi lại, nghỉ dài thì chúng ta nên xây dựng kỳ nghỉ hàng năm để làm chuyện đó.

Thành ra chúng ta nên xây dựng luật để làm sao cho các doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn hơn đối với các kỳ nghỉ của cán bộ, công nhân viên", TS Hiếu đề xuất.

Về các biện pháp cụ thể đối với việc chống vứt rác bừa bãi, theo vị TS này thì chúng ta cần giáo dục ý thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường, nhất là với trẻ em.

Thêm vào đó, tại các bãi biển, khu du lịch cần tăng cường các thùng chứa rác để người dân có điều kiện vứt rác đúng quy định, không vứt bừa bãi. Ngoài ra, cũng cần có chế tài để xử phạt nhằm tạo thói quen vứt rác đúng nơi quy định.

PGS.TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng, cảnh đông đúc, chặt chém, ngập ngụa rác trong những ngày nghỉ lễ ở các khu du lịch chính là do nhu cầu giải trí của người dân thì cao nhưng khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất lại không đủ, luôn trong tình trạng quá tải.

"Chính sự quá tải lại càng đẩy tới sự nhếch nhác, bẩn thỉu ở các bãi biển, khu du lịch khi những du khách không ngần ngại xả ra và đồng thời, những người phục vụ lấy cớ đó để không làm việc cho tử tế đối với khách hàng.

Nhưng quan trọng hơn đó chính là sự vị kỷ của người phục vụ cho rằng mình có quyền chặt chém, phục vụ kém khi khách hàng quá đông", TS Bình nói.

Cũng PGS.TS Bình, để giải quyết vấn đề này thì cần phải siết lại các kỷ cương đối với những người phục vụ ở các trung tâm, khu du lịch, bãi biển.

Còn đối với những du khách thì cần phải có một cuộc vận động xã hội, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở trong việc bảo vệ môi trường, vứt rác đúng nơi quy định, có ứng xử văn minh, lịch sự...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại