"Tiền nhiều gấp 10 lần" Nga, Mỹ cũng không thể tạo ra "phép màu"

Trương Mạnh Kiên |

Mặc dù có ngân sách quân sự 635,5 tỷ USD, Mỹ vẫn có điểm yếu chí tử đó là mất quá nhiều thời gian để thay thế một con tàu bị đánh chìm trong trường hợp chiến tranh.

Tổng thống Nga Putin

Tổng thống Nga Putin

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, đã công bố một nghiên cứu về khả năng ứng biến của tổ hợp công nghiệp- quân sự Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự quy mô lớn với cường độ cao.

Nghiên cứu cho thấy Mỹ sẽ mất nhiều năm để thay thế nguồn vũ khí quân sự hiện có trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh lớn. Điều này ảnh hưởng rõ ràng nhất đối với hải quân, bởi những con tàu bị tổn thất trong cuộc xung đột sẽ không thể được thay thế ngay lập tức.

Ngân sách phân bổ không hợp lý

Mỹ từ trước đến nay vẫn là quốc gia có ngân sách quân sự lớn nhất trên thế giới. Năm 2021, chi tiêu quân sự của Mỹ sẽ là 740,5 tỷ USD. Việc phân bổ kinh phí như sau: 635,5 tỷ USD cho "nhu cầu cơ bản", 69 tỷ USD cho các hoạt động cần thiết ở nước ngoài và 26,6 tỷ USD cho các chương trình an ninh quốc gia khác nhau.

Ngân sách quân sự của Mỹ gấp khoảng 10 lần ngân sách Nga và gấp ba lần chi tiêu quân sự của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục đứng thứ hai thế giới sau Mỹ về chi tiêu quân sự.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIRPI), vài năm trở lại đây, Nga luôn ở vị trí thứ 3-4 trong top 5 quốc gia có chi tiêu quân sự cao nhất, cạnh tranh với Ấn Độ.

Một đặc điểm nổi bật của ngân sách quân sự khổng lồ của Mỹ là sự phân bổ đối với nhiều thành phần khác nhau. Không phải tất cả kinh phí được phân bổ đều được chuyển cho tổ hợp công nghiệp-quân sự.

Theo Grigory Tishchenko, một chuyên gia về chính sách quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga, có tới 40% ngân sách quân sự của Mỹ được chi cho các khoản chi phí phi sản xuất – như tiền lương cho quân nhân, lương hưu cho cựu chiến binh, bảo trì các bệnh viện quân sự và cơ sở hạ tầng. 60% còn lại được Lầu Năm Góc sử dụng cho mục đích còn lại.

Chính vì vậy, các chuyên gia Nga thường coi chi tiêu quân sự của Mỹ là phóng đại và thổi phồng, đồng thời tốc độ phát triển của tổ hợp công nghiệp-quân sự của nước này là không tương xứng với số tiền.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế lưu ý rằng khả năng thay thế vũ khí và thiết bị quân sự của tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ đã giảm đáng kể kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và tiếp tục giảm cho đến ngày nay.

Cơ sở công nghiệp ngày càng trở nên mỏng manh hơn và thời gian trung bình để thay thế các kho dự trữ quân sự hiện có đã tăng từ 6,6 năm vào năm 1999 lên 8,4 năm vào năm 2020.

Mất nhiều năm để thay thế vũ khí

 Tiền nhiều gấp 10 lần Nga, Mỹ cũng không thể tạo ra phép màu - Ảnh 2.

Đóng tàu sân bay lớp Nimitz.


Trong nghiên cứu của CSIS, các chuyên gia đã tính toán xem sẽ mất bao lâu để tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ bổ sung đủ kho vũ khí và thiết bị quân sự cơ bản hiện có.

Trung bình, nền kinh tế Mỹ sẽ cần 8,4 năm để thay thế các loại vũ khí chính. Đồng thời, sự biến thiên của thời gian thay thế là rất lớn.

Ngoài ra, các vũ khí hiện đại có tính chất kỹ thuật vô cùng phức tạp sẽ đòi hỏi công việc của một số lượng lớn các nhà thầu nằm rải rác trên khắp thế giới. Một bài báo phân tích của CSIS cung cấp một ví dụ về máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35, trong quá trình sản xuất có khoảng 300 bộ phận đặc thù được sử dụng.

Khi Mỹ loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình tiêm kích F-35 vì lý do Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga , người Mỹ đã phải tìm kiếm các bộ phận thay thế được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng cộng, khoảng một nghìn bộ phận khác nhau cho máy bay chiến đấu F-35 được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Washington đã mất vài năm để thay thế hoàn toàn và tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế số lượng này.

Tình hình khó khăn nhất được thể hiện rõ trong lĩnh vực đóng tàu. Việc chế tạo tàu chiến là một quá trình tốn rất nhiều thời gian, đòi hỏi chi phí khổng lồ và nỗ lực của ngành công nghiệp, vượt xa chi phí sản xuất các hệ thống vũ khí và thiết bị quân sự khác.

CSIS lưu ý chu kỳ ở đây thay đổi đáng kể - từ 11 năm để thay thế các tàu tiếp tế, đến nửa thế kỷ khi thay thế tất cả 11 tàu sân bay. Đối với tàu ngầm, thời gian thay thế ước tính là 20 năm, đối với tàu chiến mặt nước cỡ lớn - 40 năm.

Thời gian thay thế cho dù chỉ một con tàu là rất lâu (3-8 năm) nên trên thực tế, bất kỳ tàu nào của hải quân Mỹ bị mất trong các cuộc chiến đều khó có thể được bù đắp cho đến khi xung đột kết thúc. Cuộc đối đầu quân sự quy mô lớn của các cường quốc lớn trên thế giới càng kéo dài, hạm đội Mỹ sẽ càng nhỏ lại.

Tính đến năm 2019, Mỹ chỉ có một nhà máy đóng tàu nơi mà tàu sân bay hạt nhân có thể chế tạo và sửa chữa. Đây là một xưởng đóng tàu ở Newport, Virginia.

Trong thời bình, điều này không nghiêm trọng, nhưng trong một cuộc chiến toàn diện, nó có thể trở thành một vấn đề lớn. Vì sự tổn thất của bất kỳ tàu sân bay nào hoặc bản thân nhà máy đóng tàu bị phá hủy sẽ là một đòn giáng mạnh vào khả năng chiến đấu của hạm đội Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại