Tiêm kích J-16 Trung Quốc "bội phần nguy hiểm" nhờ sao chép tên lửa Mỹ?

Sao Đỏ |

Tiêm kích đa năng J-16 đang tỏ ra là chiến đấu cơ lợi hại nhất của Không quân Trung Quốc trong tương lai với khả năng sử dụng rất đa dạng các loại vũ khí công nghệ cao.

Theo đánh giá từ các chuyên gia quân sự quốc tế, "sứ giả chiến tranh" của những cuộc oanh kích phủ đầu trong tương lai đến từ Quân đội Mỹ sẽ không còn là tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến BGM-109 Tomahawk nữa, mà được thay đổi sang tên lửa không đối đất tấn công ngoài tầm phòng không điểm.

Vũ khí đại diện cho học thuyết tác chiến trên của Mỹ chính là AGM-158 JASSM (đối với châu Âu là Scalp-EG/Storm Shadow). So với Tomahawk thì loại đạn này có ưu điểm nằm ở độ linh hoạt cao hơn rất nhiều khi không yêu cầu huy động biên đội tàu chiến đồ sộ mà chỉ cần một vài chiếc máy bay tiêm kích âm thầm xâm nhập để phóng đạn.

Ngoài ra, AGM-158 JASSM còn nguy hiểm hơn Tomahawk ở chỗ nó có thiết kế tàng hình và cấu tạo bởi vật liệu hấp thụ sóng radar, thực hiện được đường bay phức tạp, khiến cho việc phát hiện ra nó để đánh chặn gần như bất khả thi. Hiệu quả của vũ khí này đã thể hiện qua cuộc tập kích vào Syria do liên quân được Mỹ dẫn đầu tiến hành hồi tháng 4/2018.

Tiêm kích J-16 Trung Quốc bội phần nguy hiểm nhờ sao chép tên lửa Mỹ? - Ảnh 1.

Tên lửa hành trình tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM

Nhìn thấy những ưu điểm của tên lửa hành trình không đối đất tấn công ngoài tầm phòng không điểm của Mỹ và NATO, dĩ nhiên một cường quốc quân sự vốn nổi tiếng về khả năng sao chép vũ khí như Trung Quốc sẽ chẳng thể nào bỏ qua.

Đúng như dự đoán, Trung Quốc đã chính thức giới thiệu một vũ khí có tên gọi TL-500 với mã xuất khẩu GB-6 do Tập đoàn NORINCO chế tạo. Đây là một quả bom lượn dẫn đường với cấu trúc module, có thể lắp thêm động cơ để tăng tầm bắn khiến nó trở thành một tên lửa hành trình không đối đất, ngoài ra vũ khí này còn mang được nhiều kiểu đầu đạn khác nhau tùy nhiệm vụ.

Quan sát hình dáng bên ngoài dễ nhận thấy TL-500 của Trung Quốc được thiết kế "lấy cảm hứng" từ tên lửa AGM-158 JASSM của Mỹ khi có rất nhiều nét tương đồng, tính năng kỹ chiến thuật của bản nội địa mặc dù chưa được công bố rõ ràng (phiên bản xuất khẩu có tầm xa 300 km) nhưng nhiều khả năng cũng không quá khác biệt.

Tiêm kích J-16 Trung Quốc bội phần nguy hiểm nhờ sao chép tên lửa Mỹ? - Ảnh 2.

Bom lượn dẫn đường TL-500 hay còn gọi là GB-6 của Trung Quốc

Mới đây Trung Quốc đã công bố hình ảnh thử nghiệm bom dẫn đường/tên lửa TL-500 từ tiêm kích đa năng J-16, bộ đôi này dự kiến sẽ trở thành át chủ bài trong các chiến dịch tập kích đường không được không quân nước này thực hiện trong tương lai.

J-16 hiện là tiêm kích hạng nặng có khả năng tích hợp nhiều loại vũ khí nhất của Trung Quốc, ban đầu có nhiều nhận định cho rằng nó là bản sao của Su-30MK2 nhưng thực tế đây là một chiến đấu cơ khác biệt hoàn toàn và không "đụng hàng" với máy bay Nga.

Đối phó "cặp bài trùng" tên lửa/bom dẫn đường TL-500 phóng đi từ tiêm kích J-16 chắc chắn là nhiệm vụ không hề đơn giản đối với phía phòng thủ, kể cả khi trong tay họ có những tổ hợp tên lửa phòng không tối tân nhất như S-300PMU-2 Favorit hay thậm chí là S-400 Triumf.

Sức mạnh đáng sợ của tên lửa hành trình tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại