Thể thao Trung Quốc: Ác mộng kéo dài cho những đứa trẻ

Đoàn Dự |

(Soha.vn) - Trung Quốc có rất nhiều tham vọng trong thể thao và điều đó đã giết chết các giấc mơ con trẻ…

Tính trong lĩnh vực thể thao, Trung Quốc đã và đang có rất nhiều tham vọng. Chẳng thế mà quốc gia này đã hình thành rất nhiều trung tâm huấn luyện tài năng trẻ đầy khắc nghiệt nếu chưa nói là mất tình người.

Ở những trung tâm huấn luyện này, các em nhỏ mới 4-6 tuổi đã phải bắt đầu giáo trình nặng nề như của người lớn. Các bài tập khó như uốn dẻo, tập tạ… diễn ra hàng ngày, với cường độ cực lớn khiến khuôn mặt các em hiếm khi nào nở nụ cười.

Những đứa trẻ Trung Quốc phải tập luyện gian khổ từ rất nhỏ

Những đứa trẻ Trung Quốc phải tập luyện gian khổ từ rất nhỏ

Hành hạ về thể xác, nhiều trung tâm huấn luyện thể thao Trung Quốc còn “đầu độc” tinh thần các tài năng trẻ. Các HLV đã nhồi nhét vào tâm tưởng của các em rằng bằng mọi giá phải chiến thắng các đối thủ từ Mỹ và bất cứ nơi đâu trên thế giới; rằng trong thể thao nếu thất bại sẽ chẳng là gì. Những thứ như tinh thần thể thao, tình người đều bị gạt sang một bên.

Các em được huấn luyện phải chiến thắng bằng mọi giá trước mọi đối thủ

Các em được huấn luyện phải chiến thắng bằng mọi giá trước mọi đối thủ

Với cách thức huấn luyện đầy khắc nghiệt ấy, phải công nhận là thể thao Trung Quốc đang có những bước tiến vượt bậc. Ở Olympic London 2012, Trung Quốc đứng thứ 2 với 38 HCV, 27 HCB, 23 HCĐ và chỉ đứng sau Mỹ. Nhưng phía sau thành công, nền thể thao khắc nghiệt để lại vô số bi kịch…

Lin Qingfeng – VĐV Trung Quốc đoạt chức vô địch cử tạ ở Olympic London 2012, đã phải xa gia đình tới hơn 6 năm để tập luyện. Thật đau lòng khi biết ở khoảnh khắc anh lên bục nhận HCV, chính bố mẹ VĐV này cũng đã không nhận ra con trai.

Lin Qingfeng đánh đổi tuổi thơ và hơn 6 năm không gặp gia đình để lấy HCV Olympic

Lin Qingfeng đánh đổi tuổi thơ và hơn 6 năm không gặp gia đình để lấy HCV Olympic

“Đã 6 năm rưỡi vợ chồng tôi không gặp con trai. Thậm chí khi nó giành chiến thắng, tôi cũng không thể nhận ra”, cha đẻ Lin Qingfeng chia sẻ.

Trường hợp của Lin Qingfeng không hề hiếm trên khắp đất nước Trung Quốc. Có rất nhiều VĐV đã phải xa gia đình từ nhỏ và nhiều năm không được gặp gỡ người thân.

Khi câu chuyện của Lin Qingfeng được công bố, thậm chí chính người dân nước này cũng tỏ ra đau xót và phẫn nộ. Đã có rất nhiều người lên tiếng cho rằng Bộ thể thao nước này nên thay đổi cách đạo tạo trẻ. Nhưng có vẻ như vô hiệu!

“HCV để chứng minh gì khi một quốc gia khiến con người quên hết những giá trị đạo đức cơ bản? Thật là xấu hổ nếu cộng đồng quốc tế biết được những câu chuyện như thế này”, một người dân Trung Quốc bức xúc.

Một em bé Trung Quốc phải rèn luyện trong đau đớn

Một em bé Trung Quốc phải rèn luyện trong đau đớn

Khi tình cảm cơ bản của con người bị xâm phạm, chính các VĐV cũng bị tổn thương sâu sắc. Rất nhiều VĐV Trung Quốc chia sẻ đã bị đánh mất tuổi thơ, thứ chắc chắn rất ám ảnh và đáng quý hơn một chiếc huy chương.

“Ở Trung Quốc, chúng tôi chỉ có tập luyện và tập luyện triền miên”, Chính Lục Doanh - nữ VĐV giành HCB ở Olympic London môn bơi lội chia sẻ.

Làm gì khi sự khắc nghiệt xuất phát từ chính các bậc cha mẹ Trung Quốc?

Giới thể thao Trung Quốc khắc nghiệt và nhẫn tâm với con trẻ đã đành, chính các ông bố, bà mẹ ở đất nước này cũng rất độc đoán. Một ông bố Trung Quốc tên Hà Liệt Thắng từng bắt con trai 4 tuổi - Hà Nghi Đức, cởi trần mặc quần đùi đứng giữa trời tuyết trắng ở New York hồi năm 2012.

Hà Nghi Đức bị bố bắt ở giữa trời tuyết trắng trong khi vận độc chiếc quần lót

Hà Nghi Đức bị bố bắt ở giữa trời tuyết trắng trong khi vận độc chiếc quần lót

Theo Hà Liệt Thắng giải thích, ông bố này muốn đẩy con trai tới những giới hạn chịu đựng cuối cùng để phát tiết ra những khả năng xử lý tình huống đặc biệt. Kết quả rất khả quan, Hà Nghi Đức vô cùng khỏe mạnh, hoạt bát dù còn rất bé.

Cùng năm đó, Nghi Đức thậm chí còn leo lên độ cao 1000 mét ở núi Phú Sĩ. Nhưng đó chỉ là mặt tốt của vấn đề. Còn về mặt xấu, Nghi Đức đã bị say độ cao trong lần chinh phục núi Phú Sĩ. Đội cứu hộ đã phải tới và giải cứu cậu bé. Tất nhiên đó là 1 tình huống có thể gây nguy hiểm tới tình mạng.

Ngay cả trong lần cậu bé phải đứng giữa trời tuyết trắng ở New York, em cũng có thể thất bại trong việc chống chọi lại với thời tiết và mắc các căn bệnh hô hấp nguy hiểm. Liệu có là việc nên làm khi đem con ra giữa lằn ranh của sự sống và cái chết để tìm kiếm kì tích không thực sự cần thiết như vậy???

Với cách huấn luyện của nền Thể thao Trung Quốc, của các ông bố, bà mẹ bị gọi là sói, là đại bàng, là hổ… rõ ràng nước này đã đạt được không ít thành tích. Nhưng tham vọng bành trướng trong thế giới thể thao của họ đã phải đánh đổi bằng máu, bằng nước mắt và quan trọng nhất bằng tuổi thơ và hạnh phúc gia đình của rất nhiều em nhỏ. Như thế thật quá tàn ác và khắc nghiệt!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại