Man City sang Việt Nam: Sự nhược tiểu của một nền bóng đá

Hà Quang Minh |

Một hoạt động, một bàn thắng đủ nói lên bản chất của trận giao hữu giữa Man City với ĐTQG Việt Nam. Còn "một" điều gì khác nữa, nó sẽ thuộc về cảm nhận của mỗi người…

Cuối mùa giải 2014/15, HLV Arsene Wenger nói ông muốn hạn chế các chuyến du đấu mùa Hè của Arsenal vì ông nhận ra các cầu thủ của mình bị vắt kiệt sức ở giai đoạn khởi đầu Premier League sau đó.

Nhưng dường như Wenger không thể chống lại cả một trào lưu và Arsenal vẫn du đấu mùa Hè này, dù có tính toán kỹ lưỡng hơn.

Đơn giản, đi du đấu, hay nói một cách nôm na là đi đấu dạo, là một hoạt động cần phải làm của các đội bóng muốn nuôi mộng xây dựng một thương hiệu lớn.

Nhiều người từng thắc mắc tại sao Man United, Real, Barca, Milan, Inter hay thậm chí là Liverpool (đội bóng vẫn được coi là thương hiệu hạng nhất nhì của Premier League) chưa tới Việt Nam.

Dễ hiểu, chúng ta chưa có một thị trường tiêu thụ bóng đá đúng nghĩa, một thị trường không chỉ có doanh số từ vé vào sân mà còn là cơ hội doanh số từ bản quyền truyền hình, các vật phẩm thương mại gắn liền với quảng bá danh hiệu...

Sẽ vô cùng phí phạm nếu một CLB lớn như Man United không mở một cửa hàng chuyên bán đồ của Man United tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh bởi lượng CĐV người Việt của Man United là cực lớn.

Man City du đấu Việt Nam

Man City sang Việt Nam chỉ đơn thuần kiếm tiền và quảng bá thương hiệu (Ảnh: Hải Hà)

Song sẽ phí phạm hơn nữa nếu họ mở một cửa hàng như thế để rồi hàng năm vật lộn với con số doanh thu không đạt mức yêu cầu.

Dễ hiểu, người Việt chưa quen với việc dùng hàng xịn (authentic) và kể cả những người có ý thức sử dụng hàng authentic đi nữa cũng không phải lúc nào cũng sẵn tiền để tiêu dùng cho các món hàng xa xỉ ấy.

Không có phương tiện để kiểm đếm nhưng chúng ta ai cũng dám chắc, số áo rởm của Arsenal năm 2013 hay của Man City hôm vừa rồi trên khán đài Mỹ Đình đảm bảo sẽ áp đảo mạnh mẽ số áo authentic.

Chính vì thế, đối với các CLB đã, đang và sẽ đến Việt Nam, cơ bản họ chỉ kiếm tìm một cơ hội quảng bá thương hiệu và hơn nữa là để kiếm khoản phí thi đấu không nhỏ chút nào.

Và chúng ta cũng nhận ra rất rõ mục đích Man City sang Việt Nam vừa rồi cũng không nằm ngoài những nhận định trên.

Họ đến Việt Nam vì đó là một hoạt động trong chuỗi hoạt động mùa Hè của họ. Năm 2013, Arsenal cũng đến vì lý do ấy, một hoạt động trong chuỗi hoạt động Hè.

Động lực của Arsenal, nếu có, chỉ hơn Man City ở chỗ ở Việt Nam ít ra cũng có một học viện gắn với thương hiệu của họ.

Hơn nữa, trên sân của họ cũng có nhiều lần xuất hiện bảng quảng cáo một thương hiệu của Việt Nam, cái thương hiệu với người ngoài Đông Nam Á là hoàn toàn xa lạ và để biết thương hiệu ấy chuyên về sản phẩm gì, có lẽ họ sẽ phải google nó khá khó khăn.

Man City du đấu Việt Nam

Người Anh nói về thủ tục trước trận đấu Việt Nam - Man City quá rườm rà (Ảnh: Lao Động)

Khi các đội bóng lớn sang Việt Nam theo cùng một hình thức (tức một hoạt động tiếp thị) thì người Việt cũng chơi bóng với khách mời của mình theo cùng một mục đích:

Tìm Một Bàn Thắng. Giữa trận thua Arsenal năm 2013 và trận thua Man City năm 2015 đều có những điểm chung nổi bật ở phía chủ nhà Việt Nam.

Thứ nhất, quan chức của chúng ta phát biểu quá nhiều và quá dài. Thứ nhì, cả hai lần ĐTQG đều ra sân mà không cử quốc thiều, khiến người yêu màu áo đỏ có cảm giác buồn lặng người như thể ĐTQG đã bị mang ra lợi dụng như thể đi đá chui.

Và thứ ba, tất cả những gì chúng ta miệt mài làm trên sân suốt 90 phút thi đấu chỉ là kiếm tìm một bàn thắng mà thôi.

Man City du đấu Việt Nam

Trận đấu Việt Nam - Man City kết thúc chẳng thể khiến CĐV vui mừng (Ảnh: SN)

Vâng, một bàn thắng đủ để có thể trở thành câu chuyện "lẫy lừng" cho người ghi bàn khi họ giải nghệ.

Hãy thử hình dung thế này, con trai của Văn Quyết lớn lên với một lời khen ngợi từ ai đó kiểu như "ngày xưa ba cháu là người ghi bàn vào lưới Man City đấy", chắc chắn đứa bé sẽ cảm thấy tự hào nhiều.

Câu chuyện cũng có thể tương tự với Mạnh Dũng, người ghi bàn vào lưới Arsenal 2 năm trước hoặc bất kỳ ai ghi được bàn thắng vào lưới một CLB lớn sẽ sang Việt Nam trong tương lai.

Đúng là ở cương vị cá nhân, một cầu thủ ra sân, nhất là cầu thủ tấn công, luôn mong muốn ghi được bàn thắng và nếu bàn thắng vào lưới đối thủ mạnh hơn mình thì càng tốt.

Nhưng ở cương vị tập thể, không chỉ là một đội bóng mà còn là cả một nền bóng đá, chuyện đá một trận cầu mà chỉ có một mục đích duy nhất là tìm bàn thắng danh dự thì quá buồn.

Tất nhiên, đội bóng của chúng ta chẳng có một mục đích cụ thể nào khác trước những đội bóng siêu sao châu Âu ngoài mục đích tìm kiếm bàn thắng gỡ gạc thể diện.

Man City du đấu Việt Nam

Một bàn thắng vào lưới Man City đủ để cầu thủ Việt Nam cảm thấy tự hào (Ảnh: Hải Hà)

Nhưng chính cái mục đích duy nhất ấy nó khiến ta thấy tổn thương nhiều hơn là tự hào. Nó thể hiện sự tự ti, hèn kém, thậm chí là tiểu nhược.

Cái nhược tiểu tự ti ấy nó càng nổi bật hơn khi người gỡ gạc danh dự cho tập thể ấy lại còn được thưởng lớn, giải thưởng thậm chí còn có giá trị vật chất lớn hơn cả giải thưởng khi ghi bàn cho đội tuyển ở một giải đấu chính thức hoặc cho CLB ở V-league.

Hai mục đích của hai đội bóng quá chênh lệch nhau trong một trận đấu dạo chỉ làm tấy thêm cái nỗi buồn lớn của những người yêu bóng đá. Việt Nam có những người giàu tầm cỡ, mà trong đó có những ông bầu bóng đá.

Nhưng cách họ chiêu đãi người hâm mộ một trận cầu có các ngôi sao đẳng cấp quốc tế thì không tầm cỡ chút nào.

Khi người Tàu, thậm chí người Thái, người Mã chiêu đãi dân họ bằng cuộc chơi của hai CLB châu Âu, giống như dân họ là khán giả thưởng lãm một cuộc giác đấu thật sự, thì người Việt lại làm khác.

Man City du đấu Việt Nam

Các cầu thủ Việt Nam muốn học hỏi từ đối thủ hàng đầu (Ảnh: Hải Hà)

Phải thừa nhận, các danh thủ Việt Nam cũng thích được ra sân với các siêu sao, đá xong đổi áo kỷ niệm với họ nhưng họ muốn được chơi để học hỏi chứ không phải chơi trong cái tâm thế kiếm tìm một bàn thắng là thỏa mãn.

Và học hỏi thì không thể nôn nóng được bởi để học cho hiệu quả, người ta phải trải qua từng cấp độ một Nhưng có buồn thế, buồn nữa cũng chẳng giải quyết được gì.

Chỉ cần nhìn vào cách chúng ta đón khách thôi, như cái video clip tràn lan “Hey Sterling, say Hi Vietnam” (Này Sterling, nói Chào Việt Nam đi!) là ví dụ điển hình, chúng ta sẽ nhận ra rằng cái sự tự ti nhược tiểu nó không chỉ nằm trong bóng đá, ở những người làm bóng đá mà ở chính mỗi chúng ta, từng con người bình thường nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại