Đừng lấy giao hữu mà luận anh hùng!

Nhất Huy |

Nếu ai hỏi tôi chiến thuật của Olympic Việt Nam trong trận hòa Olympic Uzbekistan là gì, thì tôi xin trả lời rằng, đó là chiến thuật... không có chiến thuật gì cả! Cứ hậu vệ có bóng là phát dài lên phía trên rồi mạnh ai nấy đá, đó là bình luận của một HLV nổi tiếng sau trận đấu hòa 0-0 của Olympic Việt Nam với Olympic Uzbekistan.

Nhưng ngược lại, cũng không ít bài viết khen Olympic Việt Nam về trận hòa này, dựa vào tỉ số. Vâng, Olympic Uzbekistan là đội bóng đến từ nền bóng đá đáng nể của châu Á.

Những đội tuyển khét tiếng của châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc mà gặp Uzbekistan thì cũng phải là 5 ăn 5 thua chứ chẳng phải đùa.

Vậy mà Olympic Việt Nam hòa trong thế thắng, có nhiều cơ hội ghi bàn hơn, thì quả là một chiến tích sau ba tuần tập trung.

Thật ra, theo chúng tôi, cả ba trận giao hữu vừa qua, thậm chí cả sắp tới với Olympic Thái Lan và cả vòng loại U-23 châu Á vào cuối tháng này, cũng chưa thể lấy đó là cơ sở để luận bàn rằng ông Miura có làm được trò trống gì với U-23 hay không.

Bởi chúng ta hãy xem nhiệm vụ, chỉ tiêu số một của VFF giao cho ông Miura trong năm nay là gì? Đó chính là SEA Games diễn ra vào tháng 6 tại Singapore.

Xưa nay, chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều lần đội tuyển quốc gia, tuyển U-23 rơi vào tình trạng đá rất ngon lành trong những giải mang tính giao hữu lúc tập huấn, nhưng khi vào đến đấu trường chính thì lại thua.

Đến độ, dư luận chẳng phải đã đúc kết các đội tuyển Việt Nam có truyền thống “đốt thử thì kêu, đốt thiệt thì xịt” là gì.

Chuyện ấy thường xảy ra với đội tuyển, đội U-23 dưới thời các HLV Tavares, Dido, Riedl...

Chỉ riêng dưới thời ông Calisto là ngược lại, không biết mùi chiến thắng cả chục trận giao hữu hồi năm 2008, nhưng cuối cùng thì bưng Cúp AFF 2008 - chức vô địch đầu tiên của bóng đá Việt Nam từ ngày thống nhất đất nước đến giờ.

Sở dĩ bóng đá Việt Nam có tình trạng đó là vì, cầu thủ của chúng ta tuy mang danh chuyên nghiệp nhưng chưa thật chuyên nghiệp.

Phong độ của cầu thủ còn lên xuống thất thường, thể lực thì chưa đủ mạnh, ý thức chiến thuật không cao...

Đặc biệt, khoảng cách giữa CLB với Đội tuyển quốc gia còn khá lớn. Chẳng ai hình dung được cái việc đã là tuyển thủ mà khi tập trung thì các ông thầy ngoại còn phải làm lại từ đầu, từ việc rèn thể lực trở đi!

Từ đó, mới có một chuyện không giống ai so với thiên hạ, đó là đội tuyển Việt Nam thường phải tập trung thật dài ngày. Với các nước khác, chỉ cần một tháng tập trung là đủ, còn với bóng đá Việt, phải vài ba tháng mới đủ.

Nhưng việc tập trung dài này lại gây ra chuyện bất ổn khác, đó là cầu thủ phải “cắm trại” quá nhiều, dễ dẫn đến những bất ổn về tâm lý.

Nhân đây, chúng tôi xin nhắc lại một đề xuất của nhiều chuyên gia bóng đá có tâm huyết, đó là phải sớm tổ chức lại Hội đồng HLV quốc gia theo kiểu các nước tiên tiến, là tập hợp của HLV các đội bóng dự giải vô địch quốc gia.

Phải để đội ngũ này ngồi chung với HLV trưởng đội tuyển thì họ mới hỗ tương nhau thật tốt, có tiếng nói chung từ CLB lên đến tuyển và ngược lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại