Chông chênh giấc mơ bóng đá

KHƯƠNG XUÂN |

Sau kỳ nghỉ Tết dương lịch, các cầu thủ đội U13, U15 và U19 Ninh Bình bất ngờ được CLB thông báo giải tán đội bóng. Mấy chục em nhỏ chỉ biết ôm nhau khóc rồi thu dọn đồ đạc về quê.

Giấc mơ trở thành cầu thủ của những đứa trẻ đến từ nhiều miền quê đang đứng trước nhiều thử thách...

Chưa biết về đâu

Có mặt tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF chiều 7-1 chỉ với một balô nhỏ với mấy bộ quần áo, đôi giày tập, cầu thủ Bùi Văn Sơn của đội U-19 Ninh Bình đi tìm việc ở đội U-19 Quảng Ninh.

Mới bước sang tuổi 18, cái tuổi mà các bạn cùng trang lứa có nhiều sự lựa chọn cho tương lai thì Sơn đã sớm phải đối mặt với sự khắc nghiệt của nghiệp “quần đùi áo số”.

Bùi Văn Sơn là một trong mấy chục cầu thủ của các đội trẻ Ninh Bình đang bơ vơ chưa biết tương lai sẽ ra sao sau khi CLB tuyên bố giải tán.

Sinh năm 1997, Sơn là cậu bé dân tộc Mường sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2010 vì quá yêu bóng đá, mặc cho mẹ ngăn cản, Sơn ra Ninh Bình thi tuyển vào lớp năng khiếu và trúng tuyển. 13 tuổi, cậu bé nông dân đã xa gia đình với ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Chia sẻ với chúng tôi, Sơn ứa nước mắt khi nghĩ đến tương lai của mình. Sơn kể: “Đợt Tết dương lịch, CLB cho chúng tôi về nghỉ một tuần.

Sau đó, khi ra tập trung lại thì ban lãnh đạo thông báo giải tán đội bóng. Lúc đó chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc vì không biết đi đâu, làm gì.

Không chỉ cầu thủ, HLV cũng khóc vì thầy trò đã gắn bó bên nhau mấy năm trời. Các bạn thu dọn đồ về quê hết, còn tôi vẫn chưa về vì có người hứa giúp đưa tôi lên đội Quảng Ninh thử việc.

Những ngày này, không có tiền, không có nơi ở, tôi được một anh phóng viên tốt bụng đưa về nhà cho ở nhờ tại Hà Nội”.

Bùi Văn Sơn đứng trước tương lai mịt mờ - Ảnh: Nam Khánh

Bùi Văn Sơn đứng trước tương lai mịt mờ - Ảnh: Nam Khánh

Cùng đội với Sơn, tiền vệ Đỗ Minh Tú (quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết sau khi đội giải tán, em về quê phụ giúp bố mẹ việc nhà.

Tú năm nay mới 17 tuổi và cũng đã gia nhập đội Ninh Bình ba năm. Giờ Tú và các bạn cùng đội không biết đi đâu để được tiếp tục tập bóng đá.

Tú nói: “Lúc vào tuyển Ninh Bình, em mới 14 tuổi nên đâu biết gì, cũng không rõ hợp đồng CLB ký với mình có điều khoản ràng buộc đến năm bao nhiêu tuổi.

Gia đình em là nông dân nên nghèo lắm, nếu giờ CLB đòi phải trả phí đào tạo trong ba năm ở đội thì bố mẹ em không có tiền trả.

Tìm bến đỗ mới để họ trả tiền đưa mình về cũng khó vì chúng em chỉ là những cầu thủ trẻ, có trình độ chơi bóng bình thường. Em yêu bóng đá và muốn trở thành cầu thủ nhưng giấc mơ này quá khó!”.

Tiền đạo Nguyễn Văn Tám (17 tuổi) thuộc biên chế đội U-19, đang theo học lớp 11 hệ bổ túc tại Ninh Bình.

Những ngày này, Tám phải bỏ học về quê vì CLB giải tán. Tám nói vài ngày nữa bố em sẽ đến Ninh Bình rút hồ sơ để Tám về quê học văn hóa chứ không theo bóng đá nữa.

Với các cầu thủ không tiếp tục theo bóng đá, CLB Ninh Bình nói sẽ thanh lý hợp đồng sớm và không cần trả phí đào tạo.

Vì vậy, gia đình Tám quyết cho em bỏ bóng đá để trở lại học văn hóa. Trước khi ra Ninh Bình, Tám theo học văn hóa chính quy nhưng giờ em chỉ có thể học lớp bổ túc văn hóa nên sau này không biết có thi được vào trường nào để có nghề nghiệp.

Giấc mơ bóng đá và bao dự định cho cuộc đời của Tám bỗng trở nên dang dở và bi đát hơn bao giờ hết.

Rắc rối phí đào tạo cầu thủ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chủ tịch CLB Ninh Bình Phạm Văn Lệ cho biết việc giải tán CLB là điều chẳng ai muốn nhưng ông chủ CLB đã quá chán nản, không còn tâm huyết để đầu tư cho bóng đá nữa.

Ông Lệ nói đến thời điểm này CLB mới thông báo cho các em dừng tập luyện để chờ quyết định chính thức từ UBND tỉnh Ninh Bình.

Nếu UBND tỉnh đồng ý tiếp nhận ba đội bóng trẻ thì CLB sẽ bàn giao các em cho Sở VH-TT&DL Ninh Bình hoặc doanh nghiệp nào tiếp nhận để họ quản lý và duy trì đội bóng. Trong trường hợp tỉnh không tiếp nhận thì các đội sẽ giải tán và xóa sổ hoàn toàn.

Khi được hỏi liên quan đến hợp đồng của các VĐV trẻ với Ninh Bình có điều khoản nào ràng buộc các em phải cống hiến cho CLB đến bao nhiêu tuổi và khi CLB giải tán các em có phải trả phí đào tạo cho CLB, ông Lệ cho biết CLB Ninh Bình sẽ hỗ trợ tối đa các cầu thủ trẻ sớm thanh lý hợp đồng để họ tìm tương lai mới.

“Với gia đình khó khăn, chúng tôi sẵn sàng thanh lý hợp đồng cho các em mà không đòi tiền đào tạo. Với các em có tài năng, tùy từng trường hợp CLB sẽ yêu cầu mức phí nhất định” - ông Lệ nói.

Ông Nguyễn Thành Vinh - bố của cầu thủ Nguyễn Hải Linh (đội U-15 Ninh Bình) - cho rằng Ninh Bình không thể đòi tiền đào tạo các cầu thủ trẻ này bao năm qua tập luyện để cống hiến cho Ninh Bình.

Hiện nay Ninh Bình đơn phương giải tán CLB chứ không phải các cầu thủ tự ý xin đi nên không có cớ gì thu phí đào tạo trong mấy năm trời của gia đình các em nhỏ vốn đã chịu thiệt đủ đường vì CLB giải tán.

Tỉnh không có chủ trương tiếp nhận đội bóng

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Hữu Bình - phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - cho biết ông rất tiếc vì đội bóng Ninh Bình giải tán. Tuy nhiên quan điểm của tỉnh là không thể tiếp nhận và duy trì đội bóng được.

Ông Bình cho biết: “Vụ chín cầu thủ Ninh Bình bán độ phải ra tòa khiến tình yêu và niềm tin vào bóng đá sạch của CĐV Ninh Bình bị lung lay.

Tôi cho rằng tiêu cực thật sự là vấn nạn của bóng đá VN hiện nay... Đến thời điểm này CLB không duy trì được các tuyến trẻ nữa, nắm được thông tin, tôi đã yêu cầu CLB và Sở VH-TT&DL báo cáo và tham mưu hướng giải quyết.

Tuy nhiên đến thời điểm này, quan điểm của chúng tôi là khó có thể tiếp nhận các đội bóng trẻ vì không có nguồn lực để duy trì.

Hơn nữa, nếu chỉ tiếp nhận đội U-19 thì cũng không giải quyết vấn đề gì vì bóng đá là phải đào tạo hệ thống từ lớn đến nhỏ. Nếu duy trì một đội bóng thì vài năm nữa mỗi năm tỉnh lại phải bỏ ra vài chục tỉ đồng để nuôi đội bóng, bóng đá lại do Nhà nước chi tiền thì không ổn.

Việc giới thiệu doanh nghiệp khác trong tỉnh nhận đội bóng cũng không khả thi vì không có doanh nghiệp nào tiếp nhận”.

Nhiều cầu thủ có triển vọng

Theo đánh giá của HLV Bùi Hữu Nam (U-19 Ninh Bình), trong đội hình U-19 Ninh Bình bị giải tán có nhiều em có triển vọng có thể trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp.

Đội hình U-19 Ninh Bình với hơn nửa là các em mới 17-18 tuổi, chơi khá đồng đều, có kỷ luật, chất lượng chuyên môn tốt. Nếu tìm được bến đỗ mới, hi vọng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp trong vài năm tới là rất khả quan.

“Hiện nay cũng có vài CLB liên hệ với tôi để giới thiệu các em đội U-19 về đầu quân cho họ, nhưng vì tỉnh vẫn chưa có quyết định cuối cùng nên tôi chưa thể giới thiệu được.

Em nào có chỗ về đầu quân rồi thì thôi, những em chưa có chỗ CLB sẽ tìm chỗ để giới thiệu giúp các em có lối đi” - HLV Nam nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại