Iran có thể phải 'chịu trận' vì căng thẳng ở Triều Tiên

My Lan |

Những đe dọa của Triều Tiên đã nhắc các cường quốc phương Tây về viễn cảnh tồi tệ, nếu họ không thể tìm ra một giải pháp cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Hôm 5/4, Iran và nhóm P5 + 1 (5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga cùng Đức) đã nhóm họp tại Almaty để đàm phán về vấn đề hạt nhân.

Ông Mark Fitzpatrick, thành viên Viện Nguyên cứu Chiến lược Quốc tế IISS cho biết: "P5 + 1 sẽ chú tâm hơn về sự cần thiết phải giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran trước khi nó tiến triển tới giai đoạn của Triều Tiên và sở hữu vũ khí hạt nhân - điều khiến cho tình hình ở Iran trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn rất nhiều".

Theo ông Fitzpatrick, nguy cơ chiến tranh cận kề tại Triều Tiên có thể không trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc hội đàm ở Almaty, song  "nó chắc chắn vẫn nằm trong tâm trí của nhiều người tham dự".


	Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran.

Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran.

Hiện các cường quốc phương Tây đang sử dụng các lệnh trừng phạt để ép Iran phải cắt giảm làm giàu uranium và đóng cửa cơ sở hạt nhân của mình tại Fordo. Trong khi đó, quốc gia này khẳng định rằng chương trình hạt nhân hoàn toàn được sử dụng vào mục đích dân sự.

Cuộc khủng hoảng hiện tại ở Triều Tiên có thể khiến cho các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sẽ cố gắng áp đặt lên Iran những lệnh trừng phạt mới.

Trong khi đó, Israel - vốn được coi là quốc gia đối đầu lớn và duy nhất của Iran, mặc dù không tuyên bố gì, song cũng có thể hành động. Trên thực tế, Israel nhiều lần đe dọa sẽ tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

"Tình hình Triều Tiên chắc chắn sẽ củng cố quan điểm của Israel rằng Iran không thể được phép sản xuất vũ khí hạt nhân, và quốc gia này sẽ làm bất cứ điều gì để ngăn chặn nó".

Theo ông Oliver Meier, thành viên Viện Các vấn đề An ninh và Thế giới (Đức), Bình Nhưỡng đã phải hứng chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Quốc gia này cũng bị cô lập về ngoại giao và kinh tế trong tình trạng bất ổn.

"Hành động của Triều Tiên không phải là không để lại hậu quả. Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Triều Tiên có thể chỉ cho Iran thấy rằng việc sở hữu vũ khí hạt nhân cũng sẽ dẫn tới tình trạng bị cô lập".

Ông Thraenert cho biết: "Iran đã theo sát tình hình trong và quanh Triều Tiên trong nhiều năm. Giờ đây, Tehran sẽ biết Triều Tiên đang phải chịu áp lực như thế nào".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại