Thế giới gồng mình chạy đua chống virus viêm phổi 'lạ'

SONG HY |

Giới chức các nước tăng cường các biện pháp đề phòng virus gây bệnh viêm phổi lạ ở Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia tỷ dân vừa ghi nhận trường hợp thiệt mạng thứ 6 liên quan tới căn bệnh này.

Vài giờ sau khi Trung Quốc thông báo virus corona gây ra viêm phổi lạ đang bùng phát ở nước này có khả năng lây từ người sang người, Bắc Kinh xác nhận đã có 6 người thiệt mạng liên quan tới căn bệnh này.

Số ca nhiễm cũng theo đó tăng lên tới 291 trường hợp, được ghi nhận ở nhiều thành phố khác nhau như Vũ Hán - nơi bùng phát dịch bệnh, Bắc Kinh, Quảng Đông cùng một số ca nghi nhiễm ở Tứ Xuyên, Vân Nam, Thượng Hải, Quảng Tây và Sơn Đông.

Tuy nhiên, báo cáo được các nhà khoa học thuộc Trung tâm Phân tích Bệnh truyền nhiễm Toàn cầu tại Đại học Hoàng gia ở London cho biết số người bị ảnh hưởng trong thành phố có thể lên tới hơn 1.000 trường hợp.

Đài Loan cho tới nay ghi nhận 4 ca nghi nghiễm trong khi tại Hong Kong, 90 người bị cách ly và mới chỉ 14 trường hợp được trở về sau khi xác nhận không mắc bệnh.

Việc dịch bệnh lạ bùng phát vào thời điểm "Xuân vận" khiến giới chức Trung Quốc lo ngại nỗ lực kiểm soát dịch bệnh này trở nên khó khăn hơn.

Tại Vũ Hán, thành phố ban bố hàng loạt các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của virus, trong đó có quyết định hủy các chương trình chào mừng năm mới dự đoán sẽ thu hút hàng trăm nghìn người tham dự.

Các công ty du lịch bị cấm đưa khách ra khỏi Vũ Hán, máy đo thân nhiệt cũng được lắp đặt thêm ở các khu vực công cộng.

Cảnh sát giao thông thành phố này những ngày qua tăng cường kiểm tra các phương tiện tư nhân ra vào thành phố để phòng ngừa trường hợp chuyển gia cầm và động vật hoang dã vào bên trong thành phố. Chợ hải sản ở Vũ Hán và động vật hoang dã được cho là nguồn phát tán của virus corona.

Ở Hong Kong, người dân đặc khu theo theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh.

"Virus SARS cũng giống như virus ở Vũ Hán nên tôi rất lo", một người dân địa phương cho biết.

Hôm 21/1, Hong Kong công bố quy định mới yêu cầu các hành khách trên các chuyến bay từ Vũ Hán đến Hong Kong phải điền vào tờ khai báo sức khỏe. Các hành khách không hợp tác có thể bị phạt tiền thậm chí phạt tù. Tờ khai này cũng sẽ lưu lại thông tin liên lạc của hành khách để tiện theo dõi tình hình sức khỏe của họ.

Giới chức Hong Kong cũng gửi thông báo yêu cầu các bệnh viện và bác sỹ tư cần phải giám sát chặt chẽ các ca bệnh đến từ Vũ Hán và toàn bộ tỉnh Hồ Bắc.

Với việc ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên hôm 21/1, Đài Loan phải nâng mức cảnh báo thứ 2 đối với người dân đi du lịch tới Vũ Hán hay ngược lại. Người dân được khuyến cáo không đến bất kỳ chợ gia cầm sống nào.

Thế giới gồng mình chạy đua chống virus viêm phổi lạ - Ảnh 1.

Sân bay Narita ở Tokyo (Nhật Bản) quét thân nhiệt hành khách đến từ Trung Quốc. (Ảnh: Kyodo News)

Không chỉ trong lãnh thổ Trung Quốc, dich viêm phổi do chủng virus corona lan sang nhiều quốc gia trên thế giới. Các trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận ở Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Một trường hợp nghi nhiễm cũng xuất hiện ở Australia.

Trước các diễn biến tiêu cực này, các quốc gia đang bắt đầu chạy đua với các biện pháp tự bảo vệ mình.

Các nhà chức trách sân bay tại Mỹ, Australia cũng như nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Nepal và Hàn Quốc nhiều ngày qua tăng cường sàng lọc hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc, đặc biệt là Vũ Hán.

Tại Hàn Quốc, Bộ Y tế nước này điều tra những người từng tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm bệnh, trong đó có các hành khách đi cùng chuyến bay và ngồi gần bệnh nhân Trung Quốc này nhập cảnh vào Seoul hôm 19/1. Cơ quan y tế Hàn Quốc kiểm dịch ở mức độ nghiêm ngặt nhất bằng cách đo nhiệt độ từng hành khách nhập cảnh qua cổng đón các máy bay xuất phát từ Vũ Hán.

Giới chức Nga hôm 21/1 cho biết các sân bay nước này đang đẩy mạnh khâu kiểm tra các du khách tới từ Trung Quốc. It nhất 4 sân bay gồm Sheremetyevo và Vnukovo tại Matxcơva, sân bay tại Yekaterinburg và Irkutsk công bố các biện pháp kiểm tra nhằm xác định các trường hợp lây nhiễm.

Ở Nhật Bản, Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản khuyến cáo bất cứ ai đến từ Trung Quốc có triệu chứng ho, nhiệt độ cao lập tức tìm đến các bác sỹ để xin tư vấn. Các poster khuyến cáo với nội dung tương tự với nhiều thứ tiếng được dán ở tại các sân bay và nhiều nơi công cộng.

Cùng nỗi lo chung với các nước, tại Việt Nam, sân bay Nội Bài đã bố trí các máy đo thân nhiệt từ xa để theo dõi thân nhiệt hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Sáng 21/1, đoàn công tác của Bộ Y tế đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Tại Mỹ, các chuyên gia y tế của nước này đang nghiên cứu phát triển một loại vaccine chống lại dịch bệnh mới. Mặc dù vậy, họ thừa nhận sẽ phải mất tới vài tháng trước khi vaccine này được đưa vào thử nghiệm lâm sàng và có thể là 1 năm trước khi nó được sử dụng chính thức.

Trong hôm nay, 22/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn để tìm cách ứng phó với virus corona. Cuộc họp nhằm quyết định liệu có tuyên bố đợt bùng phát virus này là "tình trạng y tế công cộng khẩn cấp cần được quốc tế quan tâm" hay không. Đây là chỉ định hiếm hoi chỉ được đưa ra với các dịch bệnh cực kỳ nghiêm trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại