Tên lửa "Ba ngón tay Thần Chết" ra đòn, phi công tiêm kích Israel sấp mặt

Tuấn Sơn |

Hiếm có vũ khí phòng không nào do Liên Xô sản xuất như tên lửa 2K12 Kub (Kvadrat) lại nhận được tôn trọng của đối phương và được đặt biệt danh đặc biệt là "Ba ngón tay Thần Chết".

Thực tế, chính tính năng thiết kế đột phá và môi trường tác chiến phù hợp đã mang lại danh tiếng cho tổ hợp 2K12 Kub.

Thay đổi tư duy thiết kế đột phá của phòng không Liên Xô

Những bài học chiến trường đã chứng minh, vũ khí cần phải luôn thay đổi đề phù hợp với tư duy tác chiến, cũng như những kinh nghiệm đúc rút trên chiến trường. Và tổ hợp tên lửa phòng không 2K12 Kub (tên mã NATO: SA-6 Gainful) có thể coi là một trong những điểm chứng minh điều này.

Trước khi Kub xuất hiện, các tổ hợp tên lửa phòng không Dvina (S-75) hay Pechora (S-125) đều được đặt trên các bệ phóng cố định có thời gian triển khai và thu hồi lâu, cũng như khả năng cơ động kém. Trong trường hợp trận địa bị phát hiện, khả năng bị áp chế và tiêu diệt là rất cao.

Tuy nhiên, điều này đã hoàn toàn khác trên tổ hợp Kub, khi toàn bộ các thành phần được đặt trên xe dã chiến bánh xích AT-T có khả năng cơ động cực cao.

Phương thức thiết kế mới cho phép các đơn vị phòng không có thể bám sát các đơn vị lục quân cơ động và tạo ô phòng không bảo vệ chúng. Tư duy thiết kế này vẫn được Liên Xô và Nga áp dụng tới ngày nay trên các tổ hợp vũ khí phòng không.

Tên lửa Ba ngón tay Thần Chết ra đòn, phi công tiêm kích Israel sấp mặt - Ảnh 1.

Tổ hợp SA-6 "Gainful" (2K12 Kub) do Liên Xô chế tạo

Tổ hợp Kub được thiết kế Viện nghiên cứu và thiết kế công cụ NIIP từ năm 1958 với mục đích phát triển vũ khí phòng không mới đối phó tốt với các mục tiêu bay ở độ cao thấp và trung bình.

Tuy nhiên, do những vấn đề về kỹ thuật, quá trình phát triển Kub kéo dài gần 10 năm. Tới tận năm 1967, nguyên mẫu Kub đã vượt qua các bài thử nghiệm và được chấp nhận vào trang bị Quân đội Liên Xô.

Khi được trang bị, tổ hợp Kub được coi là dòng vũ khí phòng không có thời gian triển khai, thu hồi ngắn nhất ở thời điểm đó với chỉ 5 phút.

Tổ hợp Kub đáp ứng khả năng tạo ô phòng không với khoảng cách giám sát và phát hiện rộng 75km; tầm bắn tối đa đạt 25km, trần bắn 14km và khả năng ngăn chặn các mục tiêu bay có tốc độ 420-600m/giây.

Điểm đặc biệt nữa là thiết kế đạn tên lửa của tổ hợp Kub có khả năng kháng nhiễu cao nhờ việc sử dụng cơ chế dẫn đường bán chủ động có hiệu chỉnh quỹ đạo pha giữa và tự dẫn chủ động ở pha cuối.

Tên lửa Ba ngón tay Thần Chết ra đòn, phi công tiêm kích Israel sấp mặt - Ảnh 2.

Tổ hợp SA-6 "Gainful" (2K12 Kub) do Liên Xô chế tạo

"Ba ngón tay thần Chết" đối với phi công Israel

Sau khi được trang bị cho Quân đội Liên Xô, tổ hợp Kub sau đó được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó sớm nhất là các quốc gia Cận Đông và từng tham gia nhiều cuộc chiến nảy lửa tại đây.

Trong số những trận chiến giữa Israel và khối Ả rập, cuộc chiến Yom Kippur (tên một ngày lễ thiêng liêng của người Do Thái) năm 1973 đã làm nên danh tiếng và biệt danh đặc biệt của tổ hợp Kub.

Do nắm bắt được các yếu điểm của tổ hợp Dvina, Pechora là rất khó đối phó được với các mục tiêu bay thấp, trong cuộc chiến Yom Kippur, không quân Israel tiếp tục sử dụng chiến thuật này. Với việc bay thấp bám địa hình và đột ngột công kích, các máy bay chiến đấu Israel tưởng như sẽ giành lợi thế trên không hoàn toàn trước khối Ả rập.

Tuy nhiên, họ không biết rằng, có một mối nguy hiểm mới đang rình rập. Những máy bay chiến đấu bay thấp của Israel đã trở thành mồi ngon cho các tổ hợp tên lửa Kub. Những trận địa tên lửa phòng không Kub theo sát các đoàn chiến xa khối Ả rập đã giáng nhưng đòn chí mạng tới không quân.

Tên lửa Ba ngón tay Thần Chết ra đòn, phi công tiêm kích Israel sấp mặt - Ảnh 3.

Máy bay chiến đấu F-4 Phantom của Không quân Israel.

Do là tổ hợp tên lửa mới, hệ thống máy thu phát tín hiệu và cảnh báo SAM trang bị trên máy bay chiến đấu A-4 Skyhawk, F-4 Phantom đều không nhận diện và cảnh báo sớm cho phi công Israel khi bị ra-đa chiếu xạ của Kub bám theo. Có thể nói, trong cuộc chiến Yom Kippur, không quân Israel đã hoàn toàn bất lực trước Kub.

Hiệu quả chiến đấu của tổ hợp Kub được tổng kết sau cuộc chiến Yom Kippur do phía Ả rập chỉ ra cho thấy, đã có 65 máy bay chiến đấu Israel bị hạ với 95 tên lửa được phóng lên bởi các tổ hợp Kub. Tuy nhiên, phía Israel chỉ thừa nhận đã mất hơn 100 máy bay trong cuộc chiến, trong đó có 40 máy bay bị bắn hạ bởi Kub.

Chính vì uy lực bất ngờ của tổ hợp Kub, phi công Israel đã đặt biệt danh cho dòng vũ khí phòng không này là "Ba ngón tay thần Chết" vì mỗi bệ phóng Kub mang theo 3 đạn tên lửa.

Sau cuộc chiến Yom Kippur, Israel đã phải gấp rút phát triển phương tiện đối phó và cảnh báo giúp hạn chế khả năng chiến đấu cảu Kub. Trong khi đó, khối Ả rập lại không có những thay đổi cần thiết tương ứng, nên hiệu quả tác chiến của Kub sau này bị hạn chế nhiều.

Tổ hợp SA-6 "Gainful" (2K12 Kub) do Liên Xô chế tạo thực hành bắn đạn thật, diệt mục tiêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại