Tận dụng sự trỗi dậy của Iran: Nga đưa vũ khí "len lỏi" vào vùng Vịnh, "phế truất" quyền lực Mỹ?

Quốc Vinh |

Nga đã sẵn sàng để chứng minh rằng, các quốc gia ở phương Tây sẽ không thể bảo vệ cho các đồng minh của mình ở Trung Đông ngay lúc này.

Nga đang mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực giữa bối cảnh Iran đang bị cô lập trong cuộc khủng hoảng với Mỹ và Saudi Arabia.

Động thái này là một phần trong chiến lược quy mô lớn nhằm thúc đẩy vai trò của Nga ở Trung Đông, nối tiếp thành công từ sự can thiệp quân sự ở Syria bốn năm trước.

Đối tác không thể thiếu

Tổng thống Iran Hassan Rohani mới đây vừa có chuyến thăm tới Armenia để tham dự các cuộc họp của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), một hiệp hội kinh tế do Nga dẫn đầu, với sự tham gia của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Ông đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề các cuộc họp ở Armenia để đàm phán về thỏa thuận hạt nhân cũng như vấn đề an ninh ở vùng Vịnh.

Chuyến đi của ông Rohani được thực hiện sau khi các nỗ lực tổ chức cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump thất bại và các cường quốc phương Tây đổ lỗi cho Tehran đứng sau cuộc tấn công các cơ sở dầu của Saudi hôm 14/9.

Tận dụng sự trỗi dậy của Iran: Nga đưa vũ khí len lỏi vào vùng Vịnh, phế truất quyền lực Mỹ? - Ảnh 1.

Iran vẫn được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ trước lệnh trừng phạt đến từ Mỹ.

Phát biểu trước cuộc họp tại Armenia, Tổng thống Rohani nhấn mạnh yêu cầu tham gia EAEU của Iran, đồng thời bổ sung rằng một thỏa thuận thương mại tự do với khối sẽ sớm có hiệu lực.

"Đây là một bước rất quan trọng trong trường hợp người Mỹ vẫn tìm cách gây áp lực và trừng phạt đối với Iran", nhà lãnh đạo Iran nhấn mạnh.

Orhan Gafarli, một chuyên gia về Nga tại Trung tâm chính sách Ankara đánh giá, sẽ còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết trước khi Iran có thể tham gia EAEU.

Tuy nhiên, động thái này của Tehran là rất quan trọng, vì nó được coi là một bước đi chính trị để giảm bớt lệnh cấm vận của Mỹ.

Mở rộng quan hệ kinh doanh với Nga sẽ cung cấp cho Iran khả năng xoay sở trước các lệnh trừng phạt có khả năng làm tê liệt nền kinh tế đến từ Mỹ.

Tehran cũng hy vọng xây dựng mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Moscow. Truyền thông Iran mới đây đưa tin, nước này đang có kế hoạch lần đầu tiên tập trận hải quân với các lực lượng Nga và Trung Quốc.

Trong khi đó, các lực lượng Nga và Iran vẫn đang có sự hợp tác tốt ở Syria, đồng thời Moscow cho biết họ sẵn sàng xem xét việc chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 hiện đại của mình cho Tehran.

Nga cũng rất quan trọng đối với Iran trên mặt trận chính trị. Cùng với các cường quốc như Trung Quốc và châu Âu, Moscow ủng hộ các nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran mặc dù Mỹ đã rút khỏi.

Khuôn khổ mới

Tận dụng sự trỗi dậy của Iran: Nga đưa vũ khí len lỏi vào vùng Vịnh, phế truất quyền lực Mỹ? - Ảnh 3.

Nga đang thách thức khuôn khổ an ninh mà Mỹ thống trị ở vùng Vịnh.

"Tehran và Moscow có mối quan hệ chiến lược và Nga luôn sát cánh bên Iran trong những giai đoạn khó khăn", Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ca ngợi trong chuyến thăm Moscow vào tháng 9.

Ông Zarif hoan nghênh đề xuất của Nga về một khuôn khổ đảm bảo an ninh ở vùng Vịnh. Kế hoạch này cũng được Trung Quốc hậu thuẫn và dự kiến ​​một hội nghị quốc tế về an ninh và hợp tác ở vùng Vịnh sẽ tạo ra một tổ chức an ninh khu vực mới.

Nếu được thực thi, đề xuất này sẽ làm giảm đáng kể ảnh hưởng của Washington tại đây, nơi lực lượng hải quân và không quân hùng mạnh của Mỹ vẫn đang đảm bảo tuyến thương mại tự do và bảo vệ các đồng minh như Saudi Arabia.

"Moscow đã tiến hành cẩn thận", chuyên gia Gafarli nói. "Về vấn đề thỏa thuận hạt nhân với Iran, Nga rất gần với lập trường của Đức. Điện Kremlin đang cố gắng theo đuổi cách tiếp cận cân bằng và tránh thách thức trực tiếp của Mỹ".

Bên cạnh đó, Nga rất muốn phát triển mối quan hệ với các quốc gia thù địch với Iran trong khu vực. Trong tháng này, Tổng thống Putin sẽ đến thăm Saudi Arabia.

Tập đoàn công nghiệp quốc phòng nhà nước của Nga cũng cho biết, họ sẽ thảo luận với các nước ở Trung Đông về mua bán hệ thống vũ khí chống máy bay không người lái, tập trung vào thị trường Mỹ thống trị từ lâu. Nhóm vũ khí chống máy bay không người lái của Nga sẽ được trưng bày tại Dubai Airshow vào tháng 11.

Theo giới phân tích, các Chính phủ trong khu vực đang sẵn sàng lắng nghe Nga nhiều hơn so với quá khứ, vì các chính sách của Mỹ đã làm lung lay niềm tin của họ về vai trò trọng tài của nước này ở Trung Đông.

"Nếu tôi là Saudi, tôi sẽ mở con đường đến Moscow, hoặc một con đường tới Bắc Kinh, để tìm ai đó đáng tin cậy hơn Mỹ", Kori Schake, cựu giám đốc chiến lược quốc phòng tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói với AFP.

"Có những cơ hội mà Nga sẽ thu hoạch được từ khoản đầu tư của họ ở Syria", Schake đánh giá. "Hiện tại, họ sẵn sàng chứng minh rằng các quốc gia ở phương Tây sẽ không thể bảo vệ cho Saudi lúc này".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại