Tác giả các tấm ảnh trong câu chuyện "bác sĩ Khoa": Mẹ và bé đều khỏe chứ không hề có chuyện mắc Covid-19

PV |

Tác giả hình ảnh em bé sơ sinh trong bài viết của "bác sĩ Khoa" khẳng định, theo quy định thì bác sĩ không có quyền rút máy thở của người này cho người kia.

Theo Trung tâm Báo chí TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM hôm nay cho biết, thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng "bác sĩ nhường máy thở của người thân để cứu sản phụ song thai" là hư cấu. Tại các bệnh viện của TP.HCM không có việc rút ống thở để nhường cho bệnh nhân.

Sở Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ nguồn gốc bài đăng này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tối qua, xuất hiện nội dung chia sẻ trên facebook của một người tên Trần Khoa, nhận là bác sĩ sản phụ khoa, đã quyết định "nhường chiếc máy thở của ba mẹ mình đang dùng cho một sản phụ đang cần". Tài khoản này đăng kèm hình ảnh hai bé song sinh được cho là hai bé mà bác sĩ này vừa phẫu thuật.

Tuy nhiên, hình ảnh của em bé song sinh mà tài khoản Trần Khoa đăng là của bác sĩ Cao Hữu Thịnh (công tác tại Bệnh viện An Sinh).

Bác sĩ Thịnh chia sẻ trên báo Người lao động, hình ảnh em bé sơ sinh trong bài viết của "bác sĩ Khoa" lan truyền tối qua là do chính ông chụp sau ca mổ tại Bệnh viện An Sinh ngày 21/7. Hai em bé ở hai ca mổ khác nhau, mẹ và bé đều khỏe chứ không hề có chuyện mắc Covid-19.

Ông chia sẻ, 2 ca sinh này được ông theo dõi khám thai, tới đủ ngày đủ tháng thì mổ sinh cho họ và ngày mổ sinh chình là ngày ông đăng lên Facebook.

"Tôi không biết câu chuyện thực hư thế nào. Nhưng chắc chắn đó là hình ảnh của tôi. Bên cạnh đó, sau khi đọc câu chuyện, tôi thấy bất hợp lý.

Thứ nhất, theo quy định thì bác sĩ không có quyền rút máy thở của người này cho người kia. Đặc biệt, bây giờ Covid-19 chỉ có 1% là ca nặng, 99% là diễn tiến nhẹ và trung bình không cần máy thở. Máy thở không đến nỗi thiếu như vậy mà phải rút của người này cho người kia", bác sĩ Cao Hữu Thịnh chia sẻ trên báo Người lao động.

Tác giả các tấm ảnh trong câu chuyện bác sĩ Khoa: Mẹ và bé đều khỏe chứ không hề có chuyện mắc Covid-19 - Ảnh 2.

Ảnh chụp màn hình bài viết sai sự thật được đăng trên tài khoản có tên Trần Khoa, trang này sau đó đã bị xóa. (nguồn: Trung tâm báo chí TP.HCM)

Tác giả các tấm ảnh trong câu chuyện bác sĩ Khoa: Mẹ và bé đều khỏe chứ không hề có chuyện mắc Covid-19 - Ảnh 3.

Hình ảnh bác sĩ Cao Hữu Thịnh mổ từ tháng 4/2021 nhưng được mạng gán ghép là "bác sĩ Khoa mổ bắt con sau khi rút ống thở của mẹ để nhường lại cho sản phụ". Ảnh: Người lao động

Bà Lưu Thị Hồng (chuyên gia về sản khoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế) khẳng định trên Tuổi trẻ online, "bác sĩ Khoa" không có quyền cắt nguồn oxy nếu bố mẹ đang được điều trị, kể cả bác sĩ là con đẻ. Việc rút ống thở hay không là tùy thuộc vào các chỉ số sinh tồn của người bệnh và phải thông qua hội chẩn, nếu không sẽ có nguy cơ dẫn đến vô tình giết người và vi phạm các quy tắc nghề nghiệp.

Cũng theo bà Hồng, dù trong mùa dịch Covid-19 bệnh viện quá tải, nhưng rất khó có chuyện sắp xếp cho một sản phụ thai đôi nhiễm Covid-19 sắp sinh lại cùng phòng với 2 bệnh nhân Covid-19 nặng, đều phải dùng thiết bị trợ thở.

Theo thuật lại của PV Hương Thảo trên Tuổi trẻ online, khi phóng viên nhắn tin cho tài khoản Facebook của "bác sĩ Khoa" để tìm hiểu sự việc thì "bác sĩ Khoa" chỉ nói "cảm ơn" và không chia sẻ thông tin gì thêm.

Sáng nay, tất cả các thông tin mà "bác sĩ Khoa" đăng tải trên Facebook cá nhân đã bị xóa.

Tiền phong cho hay, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam, thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định thông tin vụ việc "bác sĩ Khoa" là tin giả. Hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội về hai em bé song sinh được cho là con của sản phụ được nhường máy thở là ảnh cũ, được chỉnh sửa từ ảnh gốc chụp tại Bệnh viện Từ Dũ, do tài khoản facebook Cao Hữu Thỉnh đăng lên ngày 21/7, không phải ảnh chụp ngày 7/8 như mạng xã hội chia sẻ.

"Một câu chuyện cảm động được nhiều tài khoản facebook lan truyền, coi "bác sĩ Khoa" như người truyền cảm hứng nhưng lại là câu chuyện giả dối, làm giảm đi ý nghĩa của những điều tốt đẹp trên thực tế đang được biết bao bác sĩ và các lực lượng phòng chống dịch âm thầm làm", Tiền phong dẫn thông tin từ Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại