Suốt 11 năm qua, bất chấp nắng mưa, chàng trai này luôn đứng phân luồng giao thông miễn phí

Vân Anh - Huy Lê, clip:Kingpro |

Suốt 11 năm qua, chàng thanh niên này vẫn tận tụy làm công việc phân làn giao thông, tự nguyện và miễn phí.

Cậu bé hơn 10 năm tự nguyện làm người phân làn giao thông

Những ngày giữa tháng 3/2017, Hà Nội đón đợt mưa lạnh kéo dài, không khí ẩm ướt khó chịu. Những cụ già lôi áo ấm ra mặc để tránh cơn ho sù sụ, những em bé mặt nổi chàm đỏ ửng 2 bên má vì thời tiết đột ngột biến động. Đường phố thì đông như nêm. Chật cứng.

Và trong những ngày thời tiết lạ lùng khắc nghiệt đó, chúng tôi vô tình đọc được dòng chia sẻ khá dài của ca sĩ Duy Khoa về chàng thanh nhiên trẻ tuổi anh gặp trên đường - một người vô cùng đặc biệt.

Duy Khoa kể, mỗi lần đi qua đoạn đường ấy (ngã 4 Cầu Mọc), dù nắng chang chang hay mưa xối xả, dù trời rét căm căm hay nóng bức nhễ nhại, thì anh vẫn thấy cậu ta xuất hiện ở đó với cây gậy chỉ đường, nhiệt tình phân làn giúp đỡ người tham gia giao thông.

Điều đặc biệt, cậu ta không phải cảnh sát giao thông hay thành viên đội dân phòng, cũng không phải sinh viên tình nguyện. Mà chỉ là một người dân bình thường - tự trao cho mình "sứ mệnh" giúp đỡ người dân thoát khỏi cảnh tắc đường, để trở về nhà AN TOÀN.

Suốt 11 năm qua, bất chấp nắng mưa, chàng trai này luôn đứng phân luồng giao thông miễn phí - Ảnh 2.

Chàng thanh niên Duy Khoa nhắc đến trong bài viết của mình

Hơn mười năm phân luồng giao thông miễn phí

Chàng trai đó tên Nguyễn Hoàng Thắng, năm nay 22 tuổi, đang học lớp 10 (hệ bổ túc) tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh Xuân.

Thắng sống cùng bố mẹ tại con ngõ nhỏ đầu đường Quan Nhân - Thanh Xuân - Hà Nội. Mẹ Thắng là công chức nhà nước, còn bố là bộ đội về hưu, hiện đang làm công việc bơm vá xe để kiếm thêm thu nhập.

Như bao người con khác, Thắng được sinh ra với kỳ vọng lớn lao của cha mẹ. Thế nhưng, ngay từ khi còn nhỏ, Thắng đã chịu nhiều thiệt thòi. Mẹ Thắng kể: "Hồi nhỏ em nó hay bị ốm, suốt ngày thuốc thang rồi bệnh viện, chẳng lớn được".

Đến tuổi đi học, Thắng cũng không thông minh, nhanh nhẹn được như bạn bè đồng trang lứa. Học hết lớp 5, một phần do không theo kịp bạn bè nữa, Thắng buộc phải dừng công việc học lại. Cũng kể từ đó, Thắng bắt đầu "đi làm". Và công việc cậu bé 11 tuổi khi ấy chọn chính là giúp đỡ mọi người tham gia giao thông.

"Ngày ấy gia đình vất vả lắm, Thắng nghỉ học ở nhà, bố mẹ bận làm cũng không trông nom được. Thế là đi khắp nơi, thấy đoạn nào tắc thì đứng chỉ đường phân làn giúp mọi người.

Hồi đó em nó nhỏ lắm, có biết gì đâu nhưng mà cứ thích làm. Cô chú biết thì cấm, không cho đi đâu. Sợ con bị lạc, gặp nguy hiểm, đường phố thì đông đúc thế. Thắng toàn trốn đi. Bố mẹ mắng thì bảo bố mẹ đừng lo, con đi học làm cảnh sát giao thông.

Vừa buồn cười, vừa thương con. Nhưng hoàn cảnh lúc đó cũng không làm khác được", mẹ Thắng nhớ lại.

Thế mà thắm thoắt đã hơn chục năm trôi qua, cậu bé Thắng nhỏ nhắn đau ốm ngày nào giờ đã lớn hơn, trưởng thành hơn. Chỉ có một điều không thay đổi, là suốt chừng ấy thời gian, Thắng vẫn tiếp tục làm công việc yêu thích của mình, TỰ NGUYỆN và MIỄN PHÍ.

Suốt 11 năm qua, bất chấp nắng mưa, chàng trai này luôn đứng phân luồng giao thông miễn phí - Ảnh 3.

Mẹ Thắng mỉm cười nhớ lại tuổi thơ của Thắng

Những năm gần đây, Thắng không di chuyển nhiều nơi như trước nữa mà tập trung làm tại nút thắt Cầu Mộc (ngã 4 đường Quan Nhân giao với Giáp Nhất).

Những ai từng đi qua đoạn đường này đều biết rõ đây là một "điểm nóng" giao thông trên địa bàn. Đường khá nhỏ, lượng xe di chuyển qua đây nhiều, lại không có đèn báo hiệu giao thông. Lực lượng công an cũng hiếm ít khi xuất hiện tại vị trí này.

Vì vậy, chẳng cứ giờ tan tầm, mà bất kỳ lúc nào trong ngày, chỉ cần một vụ va chạm nhỏ hoặc một chiếc ô tô lớn đi qua, là đoạn đường cũng có thể bị tắc, ùn ứ trong nhiều giờ liền.

Những lúc này, Thắng lại xuất hiện với cây gậy phân làn sơn sọc đỏ trắng trên tay, làm công việc của mình, một cách tận tụy và cần mẫn. Bất kể hôm đó nhiệt độ ngoài trời đang là 10 hay 40 độ C. Hoặc đang ập xuống một cơn mưa tầm tã.

"Đang nằm ở nhà mà có ai gọi bảo đường đang tắc kia kìa là em nó bật dậy luôn. Làm không thấy mệt. Có hôm mưa quá chú ra gọi bảo về thôi. Nhưng trời càng mưa thì đường càng tắc, Thắng không về. Thế là chú phải về lấy cho cái áo mưa mang ra cho mặc", bố Thắng kể.

Với những người dân thường xuyên đi qua đây, Thắng là một người quen. Còn với những cán bộ dân phòng tham gia điều khiển giao thông trên đoạn đường này, thì Thắng chẳng khác gì "đồng nghiệp".

Bác Dũng - một cán bộ dân phòng của Phường Nhân Chính tâm sự: "Anh em ở đây làm còn có lương, còn cháu nó thì làm không công. Nhiều khi thấy nó vất vả lắm. Anh em bọn chú chỉ làm hết giờ thôi, còn cháu nó có hôm làm đến 8-9 giờ tối, đến lúc hết tắc mới về".

Suốt 11 năm qua, bất chấp nắng mưa, chàng trai này luôn đứng phân luồng giao thông miễn phí - Ảnh 4.

Bố Thắng rất thương, nhưng cũng rất tự hào về con trai mình

Thử quan sát một buổi làm việc của Thắng ở đây mới thấy việc công việc này quả không hề đơn giản. Giữa ngã 4 ùn ùn xe qua lại, Thắng vừa phải quan sát tứ phía, vừa phải đưa ra hiệu lệnh chính xác bằng còi và gậy, vừa qua lại để trợ giúp người tham gia giao thông.

Điều kỳ lạ là chẳng cần mặc trên người bộ quần áo của lực lượng chức năng, nhưng người đi đường lại "răm rắp" đi theo hiệu lênh của cậu thanh niên nhỏ nhắn đó.

Bởi họ đã quá quen với công việc "vác tù và hàng tổng" của Thắng mỗi khi đi qua đoạn đường này. Và trong số họ, không ít người thầm cảm ơn Thắng, vì đã giúp họ kịp giờ đón con, kịp đến điểm hẹn đúng giờ, hay kịp về nhà an toàn ăn bát cơm nóng trong nụ cười trìu mến của vợ.

Thắng kể, đợt Tết nguyên đán vừa rồi cậu được rất nhiều người cho tiền. Người 5 chục, 100, có người cho 200, 500 nghìn đồng. Trong số đó có rất nhiều anh lái taxi.

Họ cho tiền, khen Thắng làm tốt lắm và gửi lời cảm ơn tới chàng trai này vì đã phần nào giúp công việc của họ suôn sẻ, thuận lợi hơn.

"Em chỉ ước mơ có một bộ quần áo đẹp"

Thế nhưng cũng có những người không hiểu công việc Thắng đang làm nên đã buông lời chửi bới, gây gổ. Người dân xung quanh đây đã vài lần phải đứng ra can ngăn để không làm ảnh hưởng đến Thắng.

Dù công việc vất vả và cũng phức tạp như vậy, nhưng khi hỏi đã bao giờ muốn bỏ chưa. Không ngần ngại đến một giây, Thắng trả lời: "Không".

Thắng tâm sự rằng làm công việc này với mong muốn góp một phần sức nhỏ bé của mình, tham gia phân làn, giúp đỡ mọi người tham gia giao thông thông suốt.

Vả lại, những người không hiểu anh chỉ là số ít, rất hiếm khi. Còn đa phần mọi người nói chuyện với Thắng đều khen anh "LÀM TỐT".

Chỉ cần 2 chữ làm tốt ấy thôi, Thắng đủ động lực để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.

Cũng chính vì ước mơ đó, mà Thắng quyết định 1 lần nữa cắp sách tới trường. Hiện Thắng đang học bổ túc (bậc trung học phổ thông) với mong muốn sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, sẽ có cơ hội trở thành một chiến sĩ cảnh sát giao thông.

Khi thấy con trai quyết tâm như vậy, bố mẹ Thắng vừa mừng vừa lo. Vì hơn ai hết, cô chú hiểu điều đó hơi quá sức với Thắng. Dù giấc mơ đó thật đẹp, thật ý nghĩa nhưng có thể nó sẽ chẳng thực hiện được.

"Cô chỉ mong Thắng có thể kiếm được một việc làm gì đó, tự lo được cho bản thân mình. Cô chú già sẽ già đi, sẽ chẳng ở bên Thắng mãi được..." - đôi mắt mẹ Thắng vừa lên niềm tự hào đã phảng phất nỗi niềm chất chứa về tương lai của cậu con trai út.

Suốt 11 năm qua, bất chấp nắng mưa, chàng trai này luôn đứng phân luồng giao thông miễn phí - Ảnh 5.

Đó là nỗi niềm và ước mơ của bố mẹ Thắng. Còn Thắng thì đơn giản hơn. Thằng cười bảo "bây giờ em chỉ muốn có một bộ quần áo đẹp để đứng phân làn thôi chị ạ".

Kết thúc buổi gặp gỡ, chúng tôi ra đường để trở về nhà. Cứ mỗi lần đi qua ngã 3 ngã 4, trong đầu lại thấp thoáng hình ảnh của Thắng với chiếc còi inox buộc dây xanh và cây gậy nhựa sọc đỏ trắng.

Có thể nhiều người sau khi đọc bài viết này sẽ chép miệng bảo "có điên mới làm thế". Còn những người làm chương trình chúng tôi lại ước mong mỗi lần đường tắc nghẹt lại xuất hiện một "kẻ điên" như Thắng, để có thể tham gia giao thông an toàn hơn.

Vâng, chỉ AN TOÀN là đủ!

ĐIỀU GIẢN DỊ là chương trình do Báo điện tử Trí thức trẻ khởi xướng và thực hiện. Chúng tôi sẽ mang tới những điều tốt đẹp, bất ngờ cho những số phận đặc biệt. Chúng tôi mong muốn, mọi người hãy sống tốt, cùng mang lại cho nhau niềm tin yêu vào cuộc sống, thông qua những hành động giản dị nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại