Bệnh thủy đậu đang “hành” dân

Theo Đại đoàn kết |

Các bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Da liễu Trung ương... thông báo: Hiện số người mắc thủy đậu đến khám đều tăng 50 - 70 ca/ngày.

Bệnh nhân (BN) tử vong tại BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM là N.V.T (51 tuổi, trú ở thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp). Trước đó, BN T được điều trị tại BV FV TP HCM trong tình trạng suy hô hấp, nhưng không cải thiện. BN được chuyển tiếp đến BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM khi đã viêm phổi và suy hô hấp quá nặng, nên tử vong ngay sau đó do sốc nhiễm trùng.

Theo TS Lê Mạnh Hùng - Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM, tử vong do thủy đậu rất hiếm khi xảy ra. Từ năm 2008 đến nay, BV mới ghi nhận một ca mắc bệnh thủy đậu bị tử vong là bệnh nhân T. Điều này khiến nhiều người giật mình về quan niệm chỉ trẻ em mới mắc bệnh thủy đậu, hoặc người lớn có mắc bệnh này cũng chẳng sao.

Những ngày này BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Nhi Trung ương, Khoa Nhi, BV Bạch Mai, Khoa Nhi, BV Xanh Pôn cũng có nhiều BN đến khám và điều trị bệnh thủy đậu, rubella, quai bị. Tại BV Nhi Trung ương, mỗi ngày có trên 60 trẻ đến khám thủy đậu. Phần lớn BN vào viện trong tình trạng viêm phổi nặng do bội nhiễm vi khuẩn liên cầu, tụ cầu. Nguyên nhân do trẻ gãi nhiều và không được chăm sóc vệ sinh chu đáo… nên các nốt phỏng bị bội nhiễm khiến trẻ viêm da nặng, biến chứng viêm cầu thận cấp tính hoặc nhiễm khuẩn máu do vi khuẩn tụ cầu…

TS Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Thời điểm này ở miền Bắc rất dễ bùng phát bệnh thủy đậu và sởi. Hiện BV đã tiếp nhận nhiều ca thủy đậu, nhưng chưa có ca nào biến chứng nặng. Khoa Nhi, BV Bạch Mai mỗi ngày tiếp nhận và điều trị trên 30 trường hợp. BV Da liễu Trung ương mỗi ngày cũng tiếp nhận 35 - 40 BN thủy đậu.

Hầu hết có nhiều mụn đỏ mọng nước trên da, có BN đã nhiễm trùng mưng mủ. Không ít BN vẫn chữa bệnh thủy đậu bằng cách đắp gạo, đỗ xanh nhai nát lên mụn nước gây nhiễm trùng, vết thương sâu  để lại sẹo trên da.

Theo TS Nguyễn Hồng Hà, thủy đậu là bệnh thường lành tính với trẻ nhỏ, nhưng khi xảy ra ở trẻ lớn và người lớn, thì nguy cơ gặp các biến chứng nhiều hơn. Đặc biệt biến chứng viêm phổi hay gặp ở người lớn hơn là trẻ em và thường xuất hiện vào ngày thứ 3 - 5 của bệnh. Viêm phổi có thể diễn tiến nhẹ, hồi phục nhưng cũng có thể diễn tiến nặng dẫn tới suy hô hấp, phù phổi... và nguy hiểm tính mạng.

Riêng trường hợp bị viêm não, tỉ lệ tử vong chiếm 5 - 20%, ngay cả khi được cứu sống vẫn có thể để lại di chứng nặng nề hoặc phải sống thực vật trong suốt quãng đời còn lại. Vì vậy kể cả người lớn và trẻ em nếu thấy xuất hiện các nốt phỏng trên da cần đi khám chuyên khoa da liễu để dùng đúng thuốc, điều trị sớm, tránh biến chứng, không để lại sẹo trên da. Tuyệt đối không dùng cách chữa dân gian.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại