Sự thật không thể ngờ sau cảnh hoành tráng phim The Jungle Book

Gia Linh |

Vừa ra mắt nhưng bộ phim điện ảnh The Jungle Book đã gây ấn tượng mạnh tới khán giả bằng những thước phim hoành tráng và lộng lẫy trên màn ảnh.

Bộ phim hoạt hình The Jungle Book sản xuất năm 1967, mới đây đã được làm lại hoàn toàn thành một phiên bản phim điện ảnh do người đóng.

Một bộ phim mà phần lớn các nhân vật là các loài động vật khiến khán giả không khỏi băn khoăn rằng làm thế nào mà hãng phim đưa được những "diễn viên" đặc biệt này lên màn ảnh.

Những cảnh quay hoành tráng trong trailer phim The Jungle Book.

Giải pháp của bộ phim chính là công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính CGI, một giải pháp hoàn toàn quen thuộc ở kinh đô điện ảnh Hollywood.

Thế nhưng những gì mà nhà sản xuất phim The Jungle Book thể hiện trên màn ảnh lại không hề tầm thường chút nào.

Mang tiếng là một bộ phim do người đóng nhưng dường như quá trình làm phim lại đi theo hướng ngược lại.

Có duy nhất nam diễn viên nhí Neel Sethi đảm nhiệm vai diễn Mowgli có mặt trên phim, còn lại tất cả các nhân vật Gấu Baloo, Hổ Shere Khan, Rắn Kaa,... đều là thành phẩm của công nghệ CGI và được lồng tiếng bởi các diễn viên nổi tiếng.

Một cảnh phim ấn tượng trong The Jungle Book.
Một cảnh phim ấn tượng trong The Jungle Book.

Lấy bối cảnh trong một khu rừng ở Ấn Độ nhưng phim trường của The Jungle Book chưa bao giờ vượt ra khỏi những nhà kho ở Los Angeles.

Khán giả mới đầu đã tỏ ra rất e ngại và nghi ngờ tính chân thực của bộ phim.

Thế nhưng đội ngũ sản xuất phim đã chứng minh điều ngược lại rằng công nghệ CGI chính là phương tiện giúp cho sự sáng tạo của con người phát huy đến vô tận.

Khán giả và các nhà phê bình phim đều cho rằng The Jungle Book quá chân thực và thậm chí gây sợ hãi đối với trẻ nhỏ.

Đầu tiên, phần phông màn cũng có sự khác biệt đối với các bộ phim khác cũng sử dụng công nghệ CGI.

Trong quá trình quay phim The Jungle Book, người ta chủ yếu sử dụng phông màn xanh da trời thay vì xanh lá cây như thông thường nhằm làm nổi bật lên cảnh thiên nhiên xanh trong phim.

Một cảnh phim trước và sau khi được xử lý qua công nghệ CGI.
Một cảnh phim trước và sau khi được xử lý qua công nghệ CGI.

Đằng sau những phông màn đó chính là một đội ngũ sản xuất vô cùng hùng hậu có kinh nghiệm trong việc sử dụng công nghệ CGI trên phim bom tấn.

Đạo diễn Jon Favreau chính là người đạo diễn cho hai phần phim Iron Man đầu tiên và đạo diễn hình ảnh chính là Rob Legato, người đoạt giải Oscar từng tham gia thực hiện bom tấn Avatar.

Để những hình ảnh trên phim không bị "giả", những người thực hiện bộ phim phải biết kết hợp sao cho diễn xuất của diễn viên phải thật ăn khớp với hình.

Đây là một điều khó khăn đối với Neel Sethi khi em chưa hề có kinh nghiệm diễn xuất.

May sao các nhà làm phim đã sử dụng những con rối trong quá trình quay phim để diễn xuất của Neel Sethi được tự nhiên, chân thực nhất có thể. Những hình ảnh con rối đó tất nhiên sẽ được xử lý bằng công nghệ CGI sau khi quay xong.

Toàn cảnh quá trình thực hiện bộ phim The Jungle Book.

Theo đạo diễn Legato, phần xử lý hình ảnh chính là công đoạn khó khăn và mất nhiều thời gian, công sức nhất. Mỗi khung hình trung bình phải mất từ 30 đến 40 giờ để hoàn thành.

Phần mềm xử lý hình ảnh được chính xưởng phim hoạt hình Pixar phát triển, bảo đảm thành phẩm cuối cùng có chất lượng tốt nhất.

Doanh thu mở màn vô cùng ấn tượng cùng vô vàn lời khen từ khán giả và giới chuyên môn hứa hẹn The Jungle Book là một bom tấn mở màn cho hè này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại