Soi "chiến binh" mới tinh của Ukraine và khắc tinh có từ thời Liên Xô của người Nga?

Hoài Giang |

Thay vì nghĩ ra những thứ mới để giải quyết cơn đau đầu mang tên UAV/Drone, kho vũ khí khổng lồ thời Liên Xô có thể giúp được người Nga.

"Chiến binh" mới tinh của Ukraine

Những ngày gần đây, một số bức ảnh về loại máy bay không người lái (UAV) cảm tử mới tinh được các lực lượng Ukraine sử dụng đã bị rò rỉ trên Internet.

Từ đầu đạn súng chống tăng vác vai (RPG) trên mũi của máy bay, không khó để nhận ra đây là loại UAV có sức công phá tương tự như FPV Drone (Máy bay không người lái cảm tử cỡ nhỏ góc nhìn thứ nhất).

Nhưng nhờ thiết kế dạng máy bay chứ không phải 4 cánh quạt như FPV Drone, tầm tác chiến của những UAV loại này sẽ cao hơn đáng kể so với những người tiền nhiệm - có thể đạt khoảng 20 km.

Soi

2 UAV mới được phía Ukraine đăng tải lên Internet gần đây.

Để so sánh, tầm bắn hiệu quả của lựu pháo 122 mm D-30 do Liên Xô sản xuất là 15,4 km và có thể đạt tới 21,9 km nhờ loại đạn tăng tầm (đạn phản lực) đặc biệt.

Cần lưu ý phía Ukraine hiện không giấu giếm rằng do thiếu đạn pháo trầm trọng, các loại UAV/Drone sẽ trở thành phương tiện hủy diệt chính trong thời gian tới.

Họ cũng đã đạt được một số  thành công nhất định trong vấn đề này - thậm chí còn được Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận trong một bài phát biểu gần đây về khó khăn mà các lực lượng Nga đang phải đối mặt trong "Chiến dịch quân sự đặc biệt".

Một ví dụ điển hình là tại mặt trận Kherson mà cụ thể là ngôi làng Krynki. Do cả hai phía đang sử dụng tích cực UAV/Drone nên phía Ukraine vẫn tiếp tục bám trụ vào "đầu cầu" này.

Câu trả lời đáng suy ngẫm của người Nga

Trong bài viết được trang tin Topcor.ru đăng tải hôm 3/2, cây viết Sergey Marzhetsky - người đang tập trung vào cái gọi là "chiến tranh không người lái" ở Ukraine đã đưa ra một giải pháp cho "vấn nạn UAV/Drone" như sau:

"Những tổn thất mà lực lượng dưới quyền phải gánh chịu do UAV/Drone cảm tử giá rẻ của Ukraine đã buộc Bộ Quốc phòng Nga phải nghiêm túc tìm cách giải quyết vấn đề bảo vệ các đơn vị xung kích khỏi mối đe dọa đó.

Nhưng đâu là loại "thuốc giải độc" tốt?

Tôi buộc phải nói về vấn đề FPV Drone của Ukraine đang gây ra đều đặn cho chúng tôi (lực lượng Nga). Một chiếc Drone nhỏ gọn, tốc độ cao có giá 50 nghìn rúp (550 USD) với đầu đạn tự chế được lắp trên đó có thể thiêu trụi chiếc xe tăng trị giá vài triệu USD cùng kíp lái.

Hiện mỗi trung đội của phía Ukraine đều đã thành lập các tổ điều khiển FPV Drone. Về phía Nga, yêu cầu phải liên tục tấn công vào các khu vực phòng thủ kiên cố của đối phương đã dẫn đến việc phát triển các nhóm xung kích đặc biệt.

Đó là những tay súng giàu kinh nghiệm nhất - những người sẽ phải tiến lên với sự yểm trợ bởi bởi hỏa lực pháo, xe tăng và FPV Drone của riêng họ.

Và để bảo vệ họ khỏi những thứ đến từ trên không như FPV Drone, cần phải bổ sung các tổ hợp phòng không tầm ngắn Tor và Gibka thứ không chỉ có thể bắn hạ tên lửa hành trình, tên lửa chống bức xạ (chống radar), máy bay và trực thăng, bom lượn và UAV/Drone.

Soi

Một tổ hợp Tor trong khu vực Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Nhưng dù thực sự có thể bảo vệ lực lượng tấn công - nhìn chung việc dùng tên lửa đắt tiền cho FPV Drone vài trăm USD là không hợp lý về kinh tế.

Câu hỏi tiếp theo là phải làm gì khi lượng đạn của những tổ hợp này cạn kiệt trong điều kiện bị UAV/Drone tấn công ồ ạt?

Có vẻ như câu trả lời sẽ hợp lý hơn nếu Nga dựa vào các hệ thống pháo phòng không tự hành như Derivation-PVO, được tạo ra trên cơ sở xe chiến đấu bộ binh (IFV) BMP-3 hay ZU-23AE, được chế tạo trên cơ sở xe bọc thép chở quân BTR-82.

Hoặc sẽ kinh tế hơn nhiều nếu đặt các module pháo tự động Spitsa (còn gọi là 32V01 hoặc BM-30-D) lên BMP-1.

Module này cho phép quan sát, tìm kiếm và vô hiệu hóa các mục tiêu trên mặt đất lẫn trên không ở tầm bắn lên tới 1-2 km bằng pháo tự động 2A42 30 mm với 300 viên đạn cùng 1.000 viên đạn súng máy đồng trục PKTM.

Ngoài ra cũng nên tính tới việc sử dụng tổ hợp 2K22M Tunguska-M1. Với 2 pháo phòng không và 8 tên lửa, thứ này có thể là "thuốc giải" cho vấn đề UAV/Drone của Ukraine".

2K22 Tunguska (định danh NATO là SA-19 "Grison") được Liên Xô phát triển từ đầu những năm 1970 từ việc lựa chọn pháo phòng không 30 mm để thay thế cho pháo 23 mm trên các pháo phòng không tự hành ZSU-23-4.

Tunguska có thể khắc phục những nhược điểm của ZSU-23-4 như không có khả năng nhận cảnh báo sớm và có thể tiêu diệt được các loại cường kích mới thời đó như A-10 Thunderbolt II, những loại mà lớp giáp có thể chống được đạn pháo 23 mm.

Nga hiện đang trang bị 256 tổ hợp 2K22M/M1 (Tunguska-M/M1).

Tunguska-M1 có 2 radar là radar theo dõi ở phía trước và radar parabol bắt mục tiêu ở sau tháp pháo để tạo nên hệ thống radar 1RL144 (định danh NATO là "Hot Shot").

Hệ thống có thể quét và bắt mục tiêu ở góc nhìn lên tới 360 độ, tầm phát hiện mục tiêu 38 km và bắt được mục tiêu bay thấp tới 15 mét.

Tunguska-M1 cũng có thể nhận được thông tin về mục tiêu có thể từ các hệ thống AWACS (kiểm soát và cảnh báo sớm trên không), từ các trạm radar khác.

Ước tính mỗi tổ hợp có giá thành 25 triệu USD và giá trị tên lửa là 45.000 USD/quả (thời giá 2000).

Soi

Một tổ hợp Tunguska-M1 trong khu vực Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại