Siêu bão Hagibis tăng cấp dữ dội, khả năng đe dọa châu Á: Vùng nào sẽ bị tấn công trực tiếp?

Trang Ly |

Siêu bão Hagibis là một trong những siêu bão có tốc độ tăng cấp mãnh liệt nhất trong lịch sử khí tượng.

Siêu bão Hagibis tăng cấp dữ dội, khả năng đe dọa châu Á: Vùng nào sẽ bị tấn công trực tiếp? - Ảnh 1.

Theo tin tức mới nhất của tờ Washington Post (Mỹ), siêu bão Hagibis đang xuất hiện trên vùng Tây Bắc Thái Bình Dương (từ hôm 6/10) được chuyên gia khí tượng thế giới đánh giá là một trong những siêu bão có tốc độ tăng cấp mãnh liệt nhất trong lịch sử khí tượng; đồng thời là siêu bão có kỷ lục tăng cấp nhanh nhất trong lịch sử Thái Bình Dương mùa bão 2019 - Đúng như tên gọi của nó Hagibis (nghĩa là Tốc độ).

Cụ thể, chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ tính từ ngày 6-7/10, từ sức gió 161km/giờ, siêu bão Hagibis đã tăng lên thành siêu bão Cấp 5 - cấp mạnh nhất trên thang đo bão Saffir–Simpson phương Tây, với sức gió mạnh nhất vùng tâm bão đạt 260km/giờ, gió giật 315km/giờ (7/10).

Siêu bão Hagibis tăng cấp dữ dội, khả năng đe dọa châu Á: Vùng nào sẽ bị tấn công trực tiếp? - Ảnh 2.

Hình ảnh mắt bão đáng sợ của siêu bão Hagibis. Ảnh: NASA

Phát biểu trên Washington Post, chuyên gia nghiên cứu bão Philip Klotzbach thuộc Đại học Colorado (Mỹ) nhận định:

"Đây là sự tăng cấp sức mạnh siêu nhanh của một cơn bão nhiệt đới mà chúng tôi đo được trong lịch sử. Từ bão nhiệt đới với sức gió 161km/giờ, Hagibis đã tăng cấp đột biến để trở thành siêu bão Cấp 5 trong 18 giờ - một trong những tỷ lệ tăng cấp nhanh nhất từng được quan sát trên Trái Đất. Riêng tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong mùa bão 2019, chúng tôi ghi nhận đây là kỷ lục một cơn bão gia tăng sức mạnh nhanh đến vậy."

Siêu bão Hagibis tăng cấp dữ dội, khả năng đe dọa châu Á: Vùng nào sẽ bị tấn công trực tiếp? - Ảnh 3.

Tính cho đến nay, siêu bão Hagibis đang duy trì sức gió tối đa là 250km/giờ, thậm chí lớn hơn trong ít nhất 36 giờ tới, theo dữ liệu của vệ tinh Suomi NPP từ NOAA-NASA.

Hiện, vùng tâm bão đang đi qua các hòn đảo thuộc Quần đảo Mariana (cụ thể là Agrihan) và các đảo khác như Rota, Guam, với sức gió mạnh khủng khiếp.

Siêu bão Hagibis tăng cấp dữ dội, khả năng đe dọa châu Á: Vùng nào sẽ bị tấn công trực tiếp? - Ảnh 4.

Siêu bão Hagibis đang tấn công các khu vực hòn đảo ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Ảnh: NASA

Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp Mỹ - JTWC (lực lượng liên hợp giữa Hải quân và Không quân Mỹ), dự báo siêu bão Hagibis (tên bão nghĩa là Tốc độ) sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh của một siêu bão cấp mạnh nhất rồi sau đó có xu hướng suy yếu chậm khi di chuyển về phía tây bắc.

Cụ thể, siêu bão Hagibis có khả năng de dọa các khu vực tại châu Á, cụ thể là tấn công trực tiếp vào Nhật Bản vào cuối tuần này, gây nên những trận mưa dữ dội, cuồng phong và lụt lội vùng duyên hải.

Các khu vực đông dân như đảo Honshu, thủ đô Tokyo... được JTWC khuyến cáo nên có những biện pháp đối phó nhanh chóng.

Siêu bão Hagibis tăng cấp dữ dội, khả năng đe dọa châu Á: Vùng nào sẽ bị tấn công trực tiếp? - Ảnh 6.

Thái Bình Dương được chuyên gia khí tượng nhận định là khu vực sinh ra siêu bão nhiệt đới dữ dội nhất so với bất kỳ nơi nào trên Trái Đất.

Năm 2019, khu vực này chứng kiến nhiều trận siêu bão không chỉ dữ dội mà còn 'kỳ dị', khác thường hơn rất nhiều.

Đơn cử là siêu bão Hagibis. Điểm kỳ dị của nó là sự tăng cấp dữ dội, nhanh nhất trong vòng chưa đầy 24 giờ để lên siêu bão Cấp 5 (thang Saffir–Simpson).

Trước đó, vào tháng 8/2019, khu vực Tây Thái Bình Dương xuất hiện cùng lúc 2 cơn bão mạnh là siêu bão Lekima và bão Krosa. May mắn là chúng không sáp nhập nhau rồi tấn công các khu vực đông dân.

Khi bão ngày một khó lường, dị thường hơn thì nguyên nhân đến từ đâu?

Tháng 9/2019, Quần đảo Bahamas (thuộc Đại Tây Dương) hứng chịu siêu bão Cấp 5 mạnh nhất trong lịch sử nước này. Tang thương là điều không bao giờ có thể tránh khỏi từ thảm họa tự nhiên này (Hội Chữ thập đỏ ước tính, có tới 13.000 ngôi nhà tại đảo Grand Bahama và Abaco bị phá hủy và hư hỏng nặng sau khi siêu bão Dorian đổ bộ; Liên Hợp Quốc cho biết, khoảng 60.000 người dân nước này cần hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu khẩn cấp.)

Chuyên gia khí tượng của National Geographic đã cung cấp bài viết lý giải về những trận siêu bão đang sợ năm 2019. Theo đó, các siêu bão PHÙ HỢP với những tiên liệu sẽ có trong một thế giới khi mà sự nóng lên toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong bản phúc trình lần thứ 4 của cơ quan Đánh giá Khí hậu Quốc gia Mỹ (NCA) đề cập đến vấn đề: Các cơn bão trong tương lai có thể dữ dội hơn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn trong bối cảnh khí hậu ấm hơn.

Điều đáng nói là, đại dương của chúng ta ngoài việc đối mặt với thảm họa rác thải nhựa, nó còn ngày càng trở nên ấm hơn. Đại dương ấm hơn sẽ sinh ra nhiều siêu bão hơn. Đây là dự đoán đáng sợ của tất cả các quốc gia ven biển, quốc đảo và đảo trên thế giới!

Bài viết sử dụng nguồn: Washingtonpost, Earthobservatory.nasa, Theweathernetwork

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại