Saudi Arabia mắc kẹt trong "dự án quyền lực" ở Trung Đông

Phan Tùng |

Quá nhiều đầu việc lớn trong bối cảnh nguồn lực suy giảm khiến cho những tham vọng khu vực của Riyadh đang có nguy cơ đổ bể.

Các email trao đổi giữa cựu đại sứ Mỹ tại Israel và đại sứ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ở Mỹ hé lộ ý định của Saudi Arabia thoái lui khỏi các điểm nóng khu vực.

Những thông tin này vừa bị rò rỉ trên truyền thông cho thấy Vương quốc Hồi giáo này cảm thấy bị sức ép khi phải đảm nhận cùng lúc các nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.

Cách tiếp cận, vì thế, sẽ là tiếp tục ‘sang nhượng’ các ý tưởng đang triển khai, hoặc hạ nhiệt quan hệ với đối thủ trong khu vực.

Cụ thể, những bức thư của đại sứ UAE tại Mỹ cho biết thái tử Saudi tỏ ý muốn rút lui khỏi cuộc xung đột ở Yemen và sẵn sàng để Mỹ thay thế vị trí của nước này trong cuộc đối đầu với các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở đây.

Một thông tin đáng chú ý khác là việc Saudi Arabia sẽ trở nên ‘thân thiện’ hơn với Iran - đối thủ tại khu vực. Điều này được xác nhận cuối tuần trước khi Iran và Saudi Arabia cho biết sẽ sớm tiến hành các chuyến thăm ngoại giao lẫn nhau. Việc thay đổi đường hướng gợi ý những chiến thuật mới với Iran.

Rõ ràng những email này đã chỉ ra rằng Thái tử Muhammad bin-Salman mong muốn đưa Saudi ra khỏi cuộc xung đột đang diễn ra tại Yemen. Nhà lãnh đạo Saudi bảo lưu quan điểm này bất chấp thực tế rằng chính ông đã nhất quyết khởi đầu cuộc chiến tại Yemen sau khi phiến quân Houthi chiếm thủ đô Sanaa và loại bỏ chính phủ được phương Tây và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh hậu thuẫn.

Cuộc chiến này là cơ hội đầu tiên của nhà lãnh đạo trẻ để đáp trả sự phát triển của phong trào Shiite tại Vùng Vịnh do Iran đứng sau hỗ trợ. Điều thú vị còn lại là giờ đây bin-Salman muốn Mỹ đóng vai trò của Saudi Arabia trong nỗ lực kiềm chế Iran.

Nhiều câu hỏi đang chờ lời giải sau khi một Hoàng tử mới được đưa lên hàng kế vị, người từng không giấu diếm ý định theo đuổi chính sách đối ngoại phiêu lưu, lại đang có vẻ đánh mất khí thế.

Nguyên nhân do đâu?

Dư luận nghiêng về ba khả năng. Thứ nhất cuộc chiến của Saudi Arabia ở Yemen đã thất bại. Mohammed bin-Salman khởi đầu cuộc chiến khi ông còn làm Bộ trưởng Quốc phòng. Điều này đã giúp hồ sơ lý lịch của bin-Salman ‘sáng’ hơn lúc nào hết.

Còn bây giờ, khi đã đạt được mục tiêu ngồi vào chiếc ghế kế vị, Thái tử Saudi có thể không có nhiều việc để làm.

Thứ hai, với việc Nga áp đảo Mỹ ở chiến trường Syria, một kế hoạch khác của Saudi Arabia tại khu vực cũng không thành. Đó là gây rối với chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, qua đó thách thức một đồng minh của Iran.

Việc cô lập Qatar của liên minh Saudi Arabia/UAE, một sản phẩm khác của chủ nghĩa phiêu lưu do ông bin- Salman theo đuổi cũng chưa có kết quả nào đáng kể.

Ngược lại, khối các nước chống Qatar dường như đang dỡ bỏ các chính sách cô lập của mình. Mỹ đã quyết định đứng ngoài cuộc. Và với động thái thắt chặt quan hệ quân sự với Qatar của Washington, chính sách bao vây Qatar sẽ sớm bị vô hiệu hóa.

Saudi Arabia cũng “không có cửa” nếu đối đầu trực tiếp với Iran. Đơn giản là nước này không thể so sánh với Cộng hòa Hồi giáo về năng lực quốc phòng. Ngoài chuyện trang thiết bị súng ống, Saudi cũng thua kém láng giềng Arab về mặt kinh nghiệm chiến đấu, đặc biệt trong các chiến dịch bán vũ trang và xây dựng năng lực quốc phòng.

Và một khi Mỹ đã chán nản với việc can dự ở Trung Đông, Saudi Arabia sẽ chỉ có thể thu lại các ý định quyền lực của mình.

Bài toán kinh tế

Vấn đề với Saudi Arabia không chỉ là ‘dự án’ của họ kém khả thi, điều kiện kinh tế của họ cũng không đủ để đáp ứng những tham vọng trong ngắn và trung hạn.

Chi tiêu quốc phòng và an ninh luôn chiếm phần lớn nhất trong ngân sách quốc gia, vào khoảng 37% năm 2016 (dự đoán chỉ khoảng 32% ngân sách 2017). Chiến dịch ở Yemen đang bòn rút ngân sách.

Bất chấp hai năm can dự, Saudi Arabia vẫn chưa đưa được cuộc giao tranh theo hướng có lợi cho mình. Chi tiêu quý 2 của Saudi Arabia đã giảm 1.3%.

Thâm hụt ngân sách giảm phần lớn do nguồn thu từ dầu tăng 28%. Điều đó cho thấy nước này vẫn đang phụ thuộc vào dầu mỏ bất chấp nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế. Mà điều này được cho là rủi ro lớn khi giá dầu đã qua thời kỳ thịnh vượng nhất.

Trong trường hợp xấu nhất, ngân sách phụ thuộc nặng vào dầu mỏ không thể đáp ứng nhu cầu ngăn chặn Iran trong cuộc chiến ở Yemen, Saudi Arabia sẽ phải cân nhắc một thỏa thuận giúp giới hạn ít nhất có thể ảnh hưởng của Iran tại bán đảo Arab. Đó là một kịch bản tốt nhất với Vương quốc Hồi giáo này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại