Sách Trắng Quốc phòng Malaysia nói gì về việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông?

Minh Thu |

Hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông đã trở thành một trong những tâm điểm trong Sách Trắng Quốc phòng mới được Malaysia công bố.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), những tác động từ sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ - Trung là một trong những mối quan ngại an ninh đối với Malaysia khi nước này lần đầu tiên công bố Sách Trắng Quốc phòng hôm 2/12.

Phát biểu trước Quốc hội Malaysia, Bộ trưởng Quốc phòng Mohamad Sabu nhấn mạnh, những mối đe dọa lớn khác mà Malaysia sẽ phải đối mặt trong 10 năm tới bao gồm quá trình hồi hương của các tay súng Hồi giáo cực đoan, căng thẳng vì những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và khủng bố trên mạng.

Sách Trắng quốc phòng mới được Malaysia công bố còn vạch ra chiến lược quốc phòng của quốc gia này trong giai đoạn từ năm 2021 – 2030.

Trình Sách Trắng Quốc phòng dài 90 trang lên Quốc hội, Bộ trưởng Mohamad cho biết mục đích của bộ tài liệu này là giúp người dân có thể tham gia quá trình thảo luận chính sách và vạch ra tầm nhìn chiến lược của đất nước nhằm kết nối khu vực châu Á - Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, Sách Trắng Quốc phòng của Malaysia mới chỉ được gửi cho các nghị sĩ chứ chưa được công khai.

Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Mohamad nhận định sự cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ - Trung chính là mối đe dọa trọng tâm.

Dù Mỹ - Trung vẫn duy trì quan hệ hợp tác và tiếp tục đối thoại nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại, nhưng trong tương lai, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như vẫn sẽ cạnh tranh nhiều hơn thay vì nhường nhịn lẫn nhau.

Cũng theo ông Mohamad, cuộc chiến đánh thuế có xu hướng ngày càng căng thẳng và mối quan hệ Mỹ - Trung cũng sẽ bị tác động từ lĩnh vực công nghệ cùng những căng thẳng trên biển và nhiều lĩnh vực khác.

Liên quan tới vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Bộ trưởng Malaysia cho rằng, việc Trung Quốc “chiếm đóng trái phép, tiến hành quân sự hóa và thực hiện các hoạt động khác” trên vùng biển chiến lược, trong khi hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực đã biến vấn đề cạnh tranh ở khu vực trở thành cuộc cạnh tranh quyền lực của hai nước lớn.

Ngoài ra, ông Mohamad cũng nhắc tới việc “các tàu chính phủ” của một nước lớn đã lại gần vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia nằm ở các bang phía đông là Sabah và Sarawak.

Dù Bộ trưởng Mohamad không chỉ đích danh Trung Quốc, song trên thực tế, Malaysia đang phải đối mặt với các tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng biển nằm trong chủ quyền của Malaysia được luật pháp quốc tế công nhận.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”.

Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông .

Hồi tháng 10, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah từng nhấn mạnh, Malaysia cần nâng cấp sức mạnh hải quân để đối phó với lực lượng hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo ông Abdullah, các loại vũ khí của hải quân Malaysia nên cố gắng được nâng cấp để sánh ngang với lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Cũng theo ông Abdullah, lực lượng hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần như 24 giờ quanh bãi cạn Nam Luconia, thuộc bang Sarawak của Malaysia.

“Các tàu hải quân của chúng ta trong lực lượng hải quân Hoàng gia Malaysia hiện nhỏ hơn so với các tàu thuyền của hải cảnh Trung Quốc”, Reuters dẫn lời ông Abdullah phát biểu trước Quốc hội Malaysia.

“Dù chúng ta không muốn xung đột xảy ra, nhưng vũ khí của chúng ta cần được nâng cấp để có thể bảo vệ tốt hơn vùng biển của mình, trong trường hợp các nước lớn xung đột ở Biển Đông”, ông Abdullah cho hay.

Trong những năm qua, Malaysia đã gấp rút tăng chi tiêu quốc phòng để sánh ngang với một số nước láng giềng. Theo đó, ngân sách quốc phòng của Malaysia cho năm 2020 là 3,4 tỉ USD.

Tuy nhiên, con số này chưa bằng 1/3 so với ngân sách quốc phòng 11,4 tỉ USD của Singapore trong năm nay. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng năm 2019 của Thái Lan là 7,23 tỉ USD.

Còn hồi tháng Tám, Bộ trưởng Mohamad cho biết các quan chức Malaysia đang tiến hành đàm phán với ít nhất là 6 nước gồm Trung Quốc, Nga , Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về khả năng đổi dầu cọ lấy các thương vụ mua vũ khí.

Ngoài ra, Malaysia cũng sẽ cho mở thầu chương trình mua sắm 36 chiến đấu hạng nhẹ trị giá hàng tỉ USD vào đầu năm 2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại