Trung Quốc không thích bị gọi là 'những kẻ phát xít mới'

Trung Quốc rất khó chịu khi ai đó cho rằng họ là một phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân hay thậm chí là “chủ nghĩa phát xít mới” nhưng cả thế giới đang nhìn thấy Trung Quốc thể hiện mình không khác là mấy so với Đức Quốc Xã thời những năm 1930, trang mạng StrategyPage bình luận.

Tàu chiến và tàu dân sự bán vũ trang của Trung Quốc ngày càng lộng hành trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Vẫn luôn chối bỏ các động thái “bành trướng” của mình trên mọi mặt trận kinh tế, ngoại giao và quân sự, tuy nhiên, những gì Trung Quốc đang làm dường như phản chiếu ngược lại với các tuyên bố của họ.

Báo mạng StrategyPage - có trụ sở tại Mỹ chuyên về các vấn đề quân sự và quốc phòng - đã điểm lại một loạt các sự kiện từ tháng 5/2013 lại đây để chứng minh rằng Trung Quốc đang có những bước đi khá giống với chế độ Đức Quốc xã thời những năm 1930.

Ngày 18 tháng 5

Pakistan thông qua kế hoạch triển khai dự án Bắc Đẩu (phiên bản Hệ thống vệ tinh định vị) của Trung Quốc trên lãnh thổ của mình, cho phép Bắc Đẩu có được vị thế bình đẳng tương đương với GPS của Mỹ.

Năm ngoái, Trung Quốc đã đưa ra hệ thống Bắc Đẩu, được tuyên bố sử dụng cho các mục đích dân sự và hy vọng sẽ chiếm lại được một phần lớn thị trường dẫn đường vệ tinh từ hệ thống GPS của Mỹ vào cuối thập kỷ này.

Trung Quốc sẽ xây dựng cơ sở mặt đất hỗ trợ Bắc Đẩu ở Pakistan, đưa Bắc Đẩu vào phục vụ cho các ứng dụng yêu cầu tính chính xác về địa lý ( như máy bay hạ cánh trong thời tiết xấu). Pakistan là nước thứ 5 thông qua dự án Bắc Đẩu.

Ngày 20 tháng 5

Việt Nam tố cáo Trung Quốc đã cho tàu tuần tra và tàu dân sự bán vũ trang, quấy nhiễu, đe dọa và bắt bớ vô cớ tàu đánh cá của Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trong các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Một tàu cá của Việt Nam đã bị một tàu tuần tra Trung Quốc đâm thủng, thân tàu bị hư hỏng. Trung Quốc phủ nhận tất cả.

Ngày 21 tháng 5

Philippines cảnh báo Trung Quốc, yêu cầu tàu của nước này phải tránh xa Bãi Cỏ Mây. Một tàu đổ bộ của Philippines đã bị mắc cạn tại đây kể từ năm 1999, cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn và không thể di chuyển.

Philippines đã dùng chiếc tàu như một đơn vị đồn trú nhỏ của thủy quân lục chiến và lực lượng cảnh sát biển. Nước này tỏ ra lo ngại Trung Quốc sẽ tiến hành bao vây, cắt tiếp tế để gây sức ép buộc Manila phải bỏ đơn vị đồn trú này và Trung Quốc sẽ thừa cơ xâm chiếm Bãi Cỏ Mây.

Ngày 23 tháng 5

Trung Quốc thẳng thừng đề nghị Triều Tiên nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Lời đề nghị là một sự cảnh báo tới Bình Nhưỡng rằng Trung Quốc là đồng minh cuối cùng và quan trọng nhất của Triều Tiên, và đã tới lúc Bình Nhưỡng nên cân nhắc xem tiếp tục mối quan hệ hay loại bỏ nó.

Ngay lập tức, Triều Tiên cử một đặc phái viên cấp cao tới Trung Quốc để đàm phán “hòa bình”. Sau cuộc đàm phán, Triều Tiên đồng ý với một số cải cách kinh tế, hành vi ít hiếu chiến hơn và thực hiện các cuộc đàm phán hòa bình với các nước láng giềng ( đặc biệt là Hàn Quốc, tiếp đó là Nhật Bản, Nga và Mỹ). Đổi lại Trung Quốc sẽ giảm các biện pháp trừng phạt áp dụng cho quốc gia đồng minh khó chịu này.

Ngày 31 tháng 5

Trung Quốc thông qua một khoản vay trị giá 2,2 tỷ USD cho các dự án kinh tế và đào tạo quân sự của Sri Lanka ( đảo quốc lớn nằm ở ngoài khơi mũi phía nam của Ấn Độ). Thỏa thuận này cũng sẽ bao gồm việc cung cấp các thiết bị quân sự.

Sri Lanka (từ lâu đã có mối quan hệ căng thẳng với Ấn Độ) đã trở thành người thụ hưởng viện trợ kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong thập kỷ qua và đã trở nên rất thân thiện với Trung Quốc.

Sri Lanka đã từng nhận được viện trợ quân sự quan trọng của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh với phiến quân Tamil ( nhóm nổi loạn nhận được nhiều sự trợ giúp từ người Tamil ở miền nam Ấn Độ, cuối cùng bị đánh bại trong năm 2009). Ấn Độ không thể trở nên thân thiện với Sri Lanka mà không gây ra các vấn đề chính trị với nhóm người Tamil trong nước.

Năm ngoái, hai tàu đánh cá Trung Quốc và 37 thuyền viên đã bị bắt giữ bởi tàu chiến của Hải quân Sri Lanka ngoài khơi bờ biển của Sri Lanka. Những người Trung Quốc bị buộc tội đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển Sri Lanka.

Hành động này khá phổ biến với các công ty đánh cá Trung Quốc, những người mong đợi chính phủ của họ có thể gây áp lực lên các quốc gia bắt giữ tàu cá của mình. Trung Quốc đã thỏa thuận với Sri Lanka về vấn đề này, phần lớn vì viện trợ kinh tế và quân sự của Trung Quốc.

 

Ngày 5 tháng 6

Các chỉ huy quân sự cấp cao của Mỹ ở Thái Bình Dương lặp đi lặp lại lời hứa về việc Hoa Kỳ phản đối bất kỳ nỗ lực kiểm soát tranh chấp khu vực bằng vũ lực của Trung Quốc.

Trung Quốc ngày càng có nhiều các vụ va chạm “tai nạn” hơn với các tàu quốc tế và các hành động “xâm nhập” vùng lãnh hải của quốc gia khác cũng nhiều hơn, đi kèm đó là sử dụng các biện pháp đe dọa trên biển. Mỹ đang trong quá trình chuyển các tàu chiến của mình tới Thái Bình Dương và nâng cấp các cơ sở của mình tại vùng biển này.

Ngày 7 tháng 6

Trung Quốc tiếp tục đe dọa làm dâng cao căng thẳng và va chạm trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Các quốc gia trong khu vực nhận thấy Trung Quốc đang tỏ ra gây hấn với Ấn Độ - người láng giềng có vũ khí hạt nhân của nước này. Điều này làm nản lòng các quốc gia láng giềng của Trung Quốc – những nước đang hy vọng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho họ nếu Trung Quốc “trở nên quá khích”.

Cho đến nay, không ai trong số các quốc gia thực sự quan tâm đến đàm phán, lý do có thể bởi vì “phong tục” của Trung Quốc là thường sử dụng các cuộc họp dạng này để cố gắng tuyên truyền chủ quyền thay vì nghiêm túc cố gắng tìm ra một giải pháp. Tất cả các quốc gia đang đua tranh trang bị quân lực và vũ khí, tăng cường tuần tra hải quân và không quân trong khu vực tranh chấp.

Về phía Trung Quốc, trong năm 2013, Bắc Kinh đã đưa các nhóm tàu chiến vào vùng Thái Bình Dương không ít hơn một lần trong một tháng. Thậm chí, sĩ quan hải quân Trung Quốc còn cảm thấy “tự hào” vì đã dám đi vào vùng biển ngoài khơi Hawaii, đảo Guam.

Không chỉ tham gia trực tiếp, với sự “chen chân” đầy đe dọa, Trung Quốc đã lên tiếng sẽ bảo vệ Đài Loan trong sự kiện tranh chấp giữa Đài Loan và Philippines. Căng thẳng giữa Đài Bắc và Manila leo thang bởi sự kiện tàu hải quân Philippines đã bắn chết một ngư dân của Đài Loan.

Dối trá và xâm lấn bằng kinh tế

Nhiều thập kỷ hoạt động kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc hiện nay đang được xem xét lại thông qua một cuộc điều tra trên phạm vi rộng về việc gian lận số liệu kinh tế. Điều này từ lâu đã được đồn đại, như là một cách để chính phủ, quan chức và các ngành công nghiệp Trung Quốc làm cho mình đẹp hơn trong mắt quốc tế.

 

Nhưng sự khác nhau giữa tất cả những con số giả và hiệu quả kinh tế tổng thể trở nên quá lớn, cũng như các yêu cầu điều tra và trừng phạt những loại tham nhũng kiểu này. Sự điều chỉnh mới về số liệu kinh tế Trung Quốc cho thấy tăng trưởng chậm hơn, ô nhiễm hơn, nghèo đói và các vấn đề phát triển cơ bản (không được báo cáo) trở nên nghiêm trọng sẽ làm tổn thương tới đời sống của người dân nước này trong tương lai.

Trong số liệu không được báo cáo, có con số 1 triệu người Trung Quốc đã đến Châu Phi. Ghana gần đây đã đàn áp khai thác vàng bất hợp pháp, bắt giữ 134 người Trung Quốc. Điều đáng nói đây không phải là một ngất ngờ khi mà người Trung Quốc đang tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp tràn ngập ở Châu Phi (khai thác mỏ, khai thác gỗ, săn bắn, buôn lậu.. vv).

Trung Quốc cũng đang cố phủ nhận mọi cáo buộc về nạn gián điệp quân sự và kinh tế thông qua internet. Đồng thời, nước này cố gắng dùng những ảnh hưởng chính trị và kinh tế để thay đổi các nội dung “nói xấu Trung Quốc” trong các bộ phim của Hollywood.

Dư luận quốc tế cũng như chính nội địa đang nhìn thấy Trung Quốc thể hiện sức mạnh của mình không khác là mấy so với Đức Quốc Xã những năm 1930, và sức mạnh đó là đáng lo ngại. Trung Quốc không thích suy nghĩ cho rằng họ là “phát xít mới”, họ xem mình là nạn nhân của hai thế kỷ bị phương Tây lạm dụng, khiến họ không có được sự tôn trọng thích hợp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại